Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chờ các ngân hàng ‘giải quyết tình huống’ trong mùa đại hội cổ đông

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nợ xấu tăng lên và mức bao phủ nợ xấu mỏng đi sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng trong năm 2024. Điều này cũng tác động không nhỏ tới kế hoạch lợi nhuận và chia cổ tức trong năm nay. Đây có thể là vấn đề mà các ngân hàng cân nhắc giải đáp cổ đông trong mùa đại hội sắp tới.

Nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, cổ tức sẽ là những chủ đề được nhà đầu tư quan tâm tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của các ngân hàng. Ảnh: LÊ VŨ

Nhiều ngân hàng niêm yết đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024, dự kiến diễn ra vào tháng 4. Năm nay, kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận của các ngân hàng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, nhất là khi tăng trưởng tín dụng chậm lại do nợ xấu gia tăng và mức bao phủ nợ xấu mỏng đi.

Nợ xấu và câu hỏi tăng trưởng năm 2024

Tín dụng bứt tốc trong tháng cuối năm 2023, qua đó thúc đẩy lợi nhuận quí 4 và cả năm 2023 của các ngân hàng, đồng thời giúp tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối quí 4-2023 giảm so với quí liền trước. Nhưng bối cảnh chưa thực sự thuận lợi của năm 2024, với đầu tư tư nhân còn khó khăn, sức tiêu dùng nội địa chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, sẽ tạo thách thức không nhỏ với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, kiểm soát nợ xấu ở các ngân hàng.

Báo cáo tài chính năm 2023 của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở thời điểm cuối quí 4-2023 ở mức 1,93%, giảm 0,31% so với mức mức 2,24% ở thời điểm cuối quí 3-2023. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu giảm ở tất cả các nhóm ngân hàng, trong đó nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp có mức giảm nợ xấu lớn nhất, từ mức 2,32% xuống còn 1,87% nhờ giải ngân cho các nhóm doanh nghiệp lớn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Với các nhóm ngân hàng còn lại, việc giảm tỷ lệ nợ xấu chủ yếu là do tăng giá trị tuyệt đối dư nợ. Tuy nhiên đó chỉ là số liệu trong một quí, còn cả năm 2023 lại không có sự lạc quan như vậy. Tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng ở thời điểm cuối năm 2023 là 194.994 tỉ đồng, tăng gần 41% so với đầu năm, phần lớn các ngân hàng nợ xấu đều tăng.

Tính đến 31-12-2023, có đến 22/28 ngân hàng tăng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay so với đầu năm. Tuy nhiên, chỉ có 5 ngân hàng có tỷ lệ này vượt ngưỡng cho phép (3%), trong khi tại thời điểm cuối quí 3, có đến 9 ngân hàng.

Nợ xấu chưa tạo áp lực quá lớn, nhưng nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại tỏ ra không lạc quan với việc kiểm soát nợ xấu và triển vọng kinh doanh năm 2024. Bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu và khả năng thu hồi nợ thấp.

Tại một hội nghị chuyên ngành về thúc đẩy tín dụng diễn ra cuối tháng 2-2024, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, thừa nhận hoạt động thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn. Hiện nay nhiều cán bộ thu hồi nợ của ngân hàng này bỏ việc, dẫn tới hiệu quả thu hồi nợ giảm mạnh.

Ông Vinh cũng lấy làm tiếc khi các quy định tại Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thu giữ tài sản bảo đảm không được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ, đặc biệt liên quan đến nhà đất và dư nợ của các doanh nghiệp.

Thậm chí, không ít lãnh đạo các ngân hàng xin gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu thời gian trả nợ với thời gian gia hạn khoảng 6-12 tháng, để khách hàng có thời gian trả nợ, còn ngân hàng giảm áp lực dự phòng.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, kiến nghị NHNN kéo dài thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Theo đó, cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ gốc phát sinh trong năm 2023, đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu đến ngày 31-12-2024, thay vì ngày 30-6-2024 như hiện nay. Trên cơ sở đó, đề nghị phân bổ trích lập dự phòng bổ sung trong 3 năm, tối đa đến ngày 31-12-2025 trích đủ 100%.

Tuy vậy, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng cho phép, dự kiến tác động không nhỏ tới tăng trưởng tín dụng cả năm - vốn là mảng kinh doanh chủ chốt, mang lại doanh thu chủ yếu cho các ngân hàng. Yếu tố này, cùng nguồn thu bị bó hẹp, đặc biệt là nguồn thu từ kênh bancassurance, khiến không ít ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 khá thận trọng.

Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng 10% so với năm 2023. Trong đó, tín dụng tăng trưởng ít nhất 12%. Ngoài Vietcombank, hai ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước khác là VietinBank, BIDV vẫn để ngỏ mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế biến động hiện nay vẫn là vấn đề khó với nhiều ngân hàng. Ảnh minh họa: DNCC

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, một số ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tương đối cao, nhưng thấp hơn so với giai đoạn trước đó. Chẳng hạn, MB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng khoảng 10% trong bối cảnh những lo ngại về nợ xấu và khả năng tăng trưởng tín dụng vẫn hiện hữu.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị của MB cho rằng, nhu cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến, nhưng sẽ dần tăng trở lại khi nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang. Do đó, giữ vững được mức tăng trưởng đi ngang trong năm 2024 cũng là rất tốt để ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10%.

Theo ông Thái, động lực tăng trưởng lớn nhất của ngân hàng là bán lẻ với số lượng khách hàng tăng nhanh.Hiện ngân hàng có hơn 26 triệu khách hàng và dự kiến sẽ đạt mức 30 triệu khách hàng trong năm 2024.

Ngoài MB, HDBank và VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trên 20%. Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tăng trưởng hơn 83%. Còn Sacombank chưa công bố mục tiêu lợi nhuận năm 2024, nhưng được SSI Research dự đoán lợi nhuận tăng 27%.

Về phía giới chuyên gia, các chuyên gia thuộc Trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, dự báo nhiều khả năng, các ngân hàng vẫn sẽ phải gánh mức trích lập dự phòng cao như năm 2023. Theo đó, nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, Thông tư 02/2023… là những yếu tố đe dọa bức tranh tài chính ngân hàng năm nay, cũng như đặt ra nhiều áp lực cho lãnh đạo ngân hàng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, trong bối cảnh nguồn thu ngân hàng bị thu hẹp, đặc biệt thị trường bán chéo bảo hiểm vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, lợi nhuận ngân hàng năm 2024 vẫn phải trông chờ vào tín dụng.

Do đó, yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2024 là chi phí vốn. Ngân hàng nào sở hữu lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có nhiều dư địa hạ lãi suất cho vay, qua đó cải thiện lợi nhuận. Ngược lại, các ngân hàng vẫn phải duy trì giá vốn cao sẽ giảm sức cạnh tranh, khó tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay.

Nhìn chung, nợ xấu và bài toán tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế hiện nay là những vấn đề nổi cộm mà các ngân hàng cần nghiên cứu để giải quyết tình huống khi đối diện với cổ đông trong mùa đại hội năm nay.

Giải đáp về kỳ vọng cổ tức

Bên cạnh nỗi lo nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận thấp, cổ tức là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tại cuộc họp ĐHĐCĐ của các ngân hàng năm nay. Với bối cảnh hiện nay, số ngân hàng dự tính chia cổ tức tiền mặt không nhiều.

Đầu năm 2024, lãnh đạo Techcombank từng thông tin việc đề xuất chính sách cổ tức dài hạn để trình đại hội đồng cổ đông phương án chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt, với mức ít nhất là 20% tổng lợi nhuận sau thuế - tương đương 4-5% vốn chủ sở hữu của ngân hàng tại thời điểm đầu năm.

Trước đó, VPBank thông tin kế hoạch chia cổ tức bằng tiền trong 5 năm liên tiếp từ 2023, nguồn lực tới lợi nhuận sau thuế của ngân hàng.

VIB cũng chi hơn 1.500 tỉ đồng tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm 2023, gồm ACB với 10%, TPBank với 25%, HDBank với 10%, MB với 5%… Đây là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng này sẽ tiếp tục trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.

Nhiều ngân hàng tăng vốn, thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng chịu áp lực lớn trước cổ đông trong mùa đại hội năm nay. Ảnh minh họa: DNCC

Tuy nhiên, với nhiều ngân hàng khác, cổ tức dự kiến vẫn sẽ được chia bằng cổ phiếu để tăng vốn. VietinBank công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với theo hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng này đã kiến nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Vietcombank chưa công bố cụ thể phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Việc này dự kiến sẽ được lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra ngày 27-4.

Trước đó, Vietcombank đã công bố nghị quyết HĐQT phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Theo đó, ngân hàng sẽ dùng toàn bộ hơn 21.680 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Như vậy, với vốn điều lệ hiện tại gần 55.891 tỉ đồng và giá trị chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn 21.680 tỉ đồng, ước tính tỷ lệ thực hiện quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu của Vietcombank sẽ bằng 38,79% vốn điều lệ. Tỷ lệ này tương đương với việc ngân hàng phát hành thêm khoảng 2,17 tỉ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Tương tự, nhiều ngân hàng khác vừa thực hiện xong việc chia cổ tức bằng cổ phiếu như PGBank, Saigonbank và đang lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 để tăng vốn.

Thực tế, các ngân hàng thương mại tích cực với việc tăng vốn trong thời gian qua, nâng cao năng lực tài chính.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng Việt Nam đã có những cải thiện tốt, nhưng “bộ đệm” vốn của còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, CAR trung bình của ngành ngân hàng Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với các ngân hàng thuộc tại một số quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng thời gian tới là hết sức cần thiết, giúp ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong nền kinh tế đầy biến động. Do vậy có thể các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn lại thêm một mùa đại hội chịu áp lực trước cổ đông về vấn đề cổ tức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới