Chợ nổi Cái Răng vào mùa Tết
Kim Dung
(TBKTSG Online) - Chợ nổi Cái Răng hình thành từ lâu đời do đặc trưng sông nước miền Tây Nam bộ và trở thành điểm giao thương mua bán sỉ lẻ trái cây, nông sản cho cả vùng, đặc biệt là những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2014.
Buôn bas1n dưa hấu sôi động mùa giáp Tết ở chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Kim Dung |
Càng gần Tết càng sầm uất
Từ lúc 6 giờ sáng Chợ Cái Răng nhộn nhịp người, thuyền và hàng hóa trên sông. Mỗi ngày, chợ đón trên dưới 1.500 lượt ghe thuyền họp chợ, trao đổi buôn bán đủ các loại hoa, cây trái, rau quả… của miệt vườn. Nhiều loại ghe thuyền sức chứa từ 3 tấn đến 12 tấn chở đầy dừa tươi, dưa hấu xanh, bưởi, khóm, củ cải trắng...mua từ các nhà vườn khắp miền Tây chở về. Các ghe lớn từ TPHCM cũng neo đậu mua hàng hóa cung cấp cho chợ đầu mối tại TPHCM.
Anh Huỳnh Văn Tài, cán bộ quản lý chợ nổi Cái Răng nhận xét: chợ nổi Cái Răng luôn nhộn nhịp các hoạt động mua, bán, hàng hóa ngày Tết tại chợ phong phú, đa dạng cây trái, nông sản, giá cả không tăng nhiều so với ngày thường.
Anh Nguyễn Văn Hạnh quê ở Hậu Giang bán củ sắn trên chợ nổi 8 năm nay cho biết hoạt động của chợ nổi luôn tấp nập kể cả ngày thường. Trung bình ngày thường anh bán khoảng 5-7 tấn củ sắn cho các thương lái khắp nơi đổ về do giá cả rẻ hơn trên bờ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Vào những ngày cận kề Tết này, giá cả vẫn không biến động so với ngày thường dù lượng hàng tiêu thụ gấp đôi ngày thường. Anh lấy hàng từ các chủ vườn và đem tới chợ nổi Cái Răng bán, vì lượng hàng tiêu thụ tại chợ mạnh và kinh doanh ăn nên làm ra nên anh sinh sống và buôn bán 8 năm nay.
Anh Trần Văn Tài quê ở Vĩnh Long bán dưa hấu trên chợ nổi 10 năm nay nói rằng những ngày giáp Tết này anh tiêu thụ khoảng 15-20 tấn dưa hấu. Do giá cả rẻ từ 7000- 8000 đồng/kg so với dưa hấu bán trên bờ, chất lượng đảm bảo nên hàng ngày thương lái khắp nơi vẫn đổ vể đây mua hàng. Ngày thường anh cũng tiêu thụ 10-12 tấn dưa hấu. Anh cũng cho biết thêm không chỉ thương lái ở TPHCM, các tỉnh miền Tây mà những người buôn bán nhỏ cũng về đây mua hàng.
Nhọc nhằm mưu sinh
Chị Nguyễn Thị Sương, người đưa đò cho khách tham quan tại chợ nổi Cái Răng 14 năm nay, đang chèo đò chở khách du lịch tham quan chợ nổi - Ảnh: Kim Dung |
Chợ nổi Cái Răng tập trung thương lái khắp các tỉnh miền Tây tụ họp về đây. Họ mua hàng từ các nhà vườn khắp các tỉnh rồi sinh sống và buôn bán từ ngày này qua ngày khác trên ghe thuyền tại chợ. Đó là lý do mà chợ nổi Cái Răng buôn bán nhiều mặt hàng đa dạng không khác gì những chợ trên bờ. Các ghe thuyền bán bánh, cơm, hủ tiếu, phở, các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày …đều được bày bán đầy đủ. Chính vì vậy mà càng ngày chợ càng phát triển đa dạng và sầm uất hơn.
Anh Võ Văn Được, đang bán khóm tại chợ Cái Răng tâm sự rằng, anh quê ở An Giang lên đây làm ăn sinh sống đã được 5 năm, làm ăn kinh doanh cũng kha khá nhưng cực khổ trăm bề. Gửi 3 đứa con còn nhỏ cho ba mẹ vợ nuôi nấng, rồi cứ hàng tuần gửi tiền về lo cho chúng ăn học. Buôn bán tới chiều nhiều khi quên cả thời gian ăn uống rồi "ngập mặt" chuyện làm ăn không có thời gian về thăm con. Tuy vậy anh vẫn thấy vui hơn phần nào vì buôn bán ăn nên làm ra ngay tại chợ nổi trên sông.
Chị Trần Thị Năm bán cơm, hủ tiếu tại chợ Cái Răng cho biết răng. Từ khi chuyển xuống bán tại chợ nổi Cái Răng chị có thêm tiền để lo cho con ăn học. Các thương lái ở đây bận rộn mua bán không có thời gian nấu nướng nên chị bán đồ ăn thức uống cho những thương lái này.
Điểm đến hấp dẫn
ĐBSCL chằng chịt sông ngòi kênh rạch, vùng đất được mệnh danh "Đất chín rồng" với ghe thuyền ngày đêm xuôi ngược trên sông. Sông nước là đặc thù của vùng đất miền Tây, có sông ngòi, kênh rạch, có phương tiện vận tải thủy, có người sinh hoạt mua bán trao đổi hàng hóa, tập trung lại nhộn nhịp mua bán trên sông gọi là chợ nổi. Chợ nổi Cái Răng là hình ảnh thu nhỏ về đời sống mảnh đất sông nước miền Tây nên nó là điểm du lịch lí thú cho du khách trong nước và đặc biệt là du khách nước ngoài.
Chị Katherine, một du khách nước ngoài cho biết đây là điểm du lịch hấp dẫn mà chị từng đi qua. Chị rất hứng thú với cảnh buôn bán nhộn nhịp trên sông. Giờ đây chị rất hành diện vì có những tấm hình đặc sắc của chợ nổi để giới thiệu cùng gia đình, người thân và bạn bè. Ngoài ra chị còn bị cuốn hút bởi những món ăn, những trái cây trên chợ. Chị và bạn bè đã thưởng thức khóm, dưa hấu ngay tại ghe và vị ngọt của trái cây mà chị thưởng thức sẽ làm cho chị không bao giờ quên nơi đây.
Anh Hoàng Văn Tuấn, hướng dẫn viên du lịch tại đây 3 năm cho biết, chợ nổi Cái Răng không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn khách nước ngoài mà những du khách trong nước cũng rất lý thú và phấn khởi khi được tham quan. Họ thích ngắm nhìn, chụp hình khung cảnh buôn bán nhộn nhịp của chợ và thưởng thức những món ăn vặt kiểu dân dã của người sông nước, trái cây ngay tại đây.
Chị Nguyễn Thị Sương, người đưa đò 14 năm tại chợ nổi Cái Răng tâm sự rằng, ngoài các đoàn khách du lịch theo tour có thuyền máy đưa đi sẵn, nhiều du khách thuê ghe chị cũng như bao người chèo ghe khác để khách du lịch chầm chậm ngắm nhìn nét đẹp chợ nổi Cái Răng. Trung bình một chuyến chèo chị thu khoảng 80.000-100.000 đồng. Khi chèo thuyền chị hào hứng kể về công việc hàng ngày của chị, niềm hạnh phúc của chị khi được đưa đò cho du khách là giới thiệu rõ hơn cho khách về chợ nổi Cái Răng, về nét đẹp của chợ nổi sông nước miền Tây.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoại quê ở Vĩnh Long, du khách đến tham quan tại chợ nổi Cái Răng cho biết rằng, đây là lần đầu tiên chị đến tham quan chợ nổi và chị thấy rất hứng thú với các món ăn bày bán trên chợ. Mặc dù chị có thể dễ dàng mua dưa hấu, khóm, bánh tráng, bánh dừa, xôi ngọt ở các nơi khác nhưng do giá rẻ và thích thú vì loại hình kinh doanh trên sông tại chợ nổi Cái Răng nên chị mua tại đây luôn.