Chủ Nhật, 28/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cho vay trả nợ ngân hàng khác – cạnh tranh ngày càng quyết liệt

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong cuộc chơi cho vay để trả nợ trước hạn ngân hàng khác, những ngân hàng có quy mô lớn và thương hiệu tốt, chi phí vốn đầu vào thấp và quy trình thẩm định, giải ngân hiệu quả, sẽ có lợi thế lớn hơn rất nhiều. Các ngân hàng còn lại sẽ phải làm gì để ứng phó và giữ chân khách hàng?

Mạnh dạn hơn trong việc kéo khách hàng

Giữa tháng 7-2024, Ngân hàng Quốc tế (VIB) triển khai chương trình cho vay để trả nợ ngân hàng khác, với lãi suất ưu đãi chỉ 5,5%; 6,5% và 7,5%/năm cố định trong thời gian tương ứng là 6, 12 hoặc 24 tháng. Sau thời gian ưu đãi, biên độ lãi suất áp dụng chỉ 2,9%. Kỳ hạn khoản vay có thể lên đến 30 năm và hạn mức vay đến 80% đối với tài sản bảo đảm là nhà phố, biệt thự, căn hộ chung cư, nhà ở liền kề đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Khi chuyển khoản vay về VIB, khách hàng có thể lựa chọn để không phải trả gốc trong thời gian đến 24 tháng đầu của khoản vay. Đặc biệt, VIB cho biết không như thông lệ thị trường sẽ phải tất toán khoản vay tại ngân hàng cũ và rút hồ sơ tài sản thế chấp, hoặc bổ sung thêm tài sản thế chấp khác trước khi giải ngân, tại VIB, tất cả các khách hàng đều được hỗ trợ giải ngân trước để tất toán khoản vay cũ nhanh chóng.

Chính sách cho vay để trả nợ ngân hàng khác được các ngân hàng lần lượt triển khai trong gần một năm qua, sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN được ban hành cách đây một năm đã bổ sung điều khoản cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Tuy nhiên, thời điểm đó việc thực hiện vẫn còn nhiều trở ngại liên quan đến thủ tục, khi ngân hàng vì muốn hạn chế rủi ro nên yêu cầu khách hàng phải tự tất toán khoản vay cũ, chuyển tài sản bảo đảm sang thế chấp và thực hiện lại các khâu thẩm định, vay vốn tại ngân hàng mới.

Nhiều khách hàng hiện nay sau khi hết giai đoạn được ưu đãi lãi suất ở ngân hàng đang vay, các khoản vay mua nhà sau đó có thể phải chịu lãi suất thả nổi lên đến 11-12%/năm, trong khi lãi suất ưu đãi giai đoạn đầu của các chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác chỉ từ 5-7%/năm. Mức chênh lệch này rõ ràng cao hơn nhiều so với phí phạt trả nợ trước hạn mà nhiều ngân hàng đang áp dụng, vì vậy nhiều khách hàng chấp nhận trả phí phạt để hưởng ưu đãi từ các khoản vay tại ngân hàng mới.

Điều này gây khó khăn cho đa số khách hàng, vì việc phải tự thu xếp tài chính để trả khoản vay cũ không phải khách hàng nào cũng làm được. Đó là chưa nói đến rủi ro sau khi trả khoản vay cũ mà lại không thể vay tại ngân hàng mới hoặc thủ tục chậm trễ, khách hàng có thể chịu thiệt hại nặng nề trong trường hợp phải vay nóng để trả nợ trước đó. Ngoài ra, khoản vay mới kèm với một loạt chi phí hồ sơ, thẩm định và hợp đồng bảo hiểm mới cũng khiến khách hàng e ngại.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu ra, trong khi khách hàng tốt và có chất lượng ngày càng khan hiếm trước tình hình kinh tế hiện nay, các ngân hàng đang triển khai các chương trình cho vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác mạnh dạn hơn với các điều kiện cũng nới lỏng hơn.

Cụ thể, lãi suất ưu đãi hấp dẫn hơn, miễn giảm nhiều loại phí ban đầu, cam kết hỗ trợ tất toán khoản vay cũ cho khách hàng, thủ tục làm hồ sơ, thẩm định nhanh chóng và giải ngân trước để trả nợ ngân hàng khác. Trong cuộc chơi này, rõ ràng những ngân hàng có quy mô và thương hiệu tốt, chi phí vốn đầu vào và quy trình thẩm định, giải ngân hiệu quả, sẽ có lợi thế lớn hơn rất nhiều.

Ngoài VIB, nhiều ngân hàng cũng đã tung ra gói vay vốn để trả nợ trước hạn ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi hấp dẫn. Như tại VietinBank, lãi suất cho vay trung và dài hạn dành cho khách hàng trong thời gian ưu đãi là 7%/năm; mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác; thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

VPBank cũng triển khai gói vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất 4,6%/năm áp dụng trong vòng ba tháng và từ 6,8%/năm cố định trong 12 tháng. Hay như Agribank áp dụng mức lãi suất 6%/năm trong vòng 24 tháng đầu tiên. Tại BIDV, lãi suất vay thấp nhất cố định là 5%/năm trong sáu tháng đầu tiên hoặc 5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên; ACB áp dụng lãi suất cho vay 7%/năm trong 12 tháng đầu tiên, từ năm thứ 2, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất cho vay cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm.

Ngân hàng tìm cách ứng phó

Thực tế trong thời gian qua, không ít khách hàng đã chủ động tìm cách chuyển các khoản vay dài hạn sang ngân hàng khác sau khi đánh giá những ưu/nhược điểm và các lợi ích tài chính. Với các chương trình ưu đãi mà nhiều ngân hàng đang triển khai để cho vay trả nợ ngân hàng khác, khách hàng sẽ so sánh lợi ích từ mức lãi suất ưu đãi với chi phí phải bỏ ra để chuyển đổi khoản vay, gồm phí phạt trả nợ trước hạn, các loại phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp, phí công chứng, phí thẩm định tài sản khi làm hồ sơ vay mới, phí hợp đồng bảo hiểm mới…

Trong đó, lớn nhất là phí phạt trả nợ trước hạn và phí hợp đồng bảo hiểm mới. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã nghiêm cấm các ngân hàng bán bảo hiểm kèm khoản vay, khách hàng đã phần nào bớt tốn kém hơn. Do đó, chi phí lớn nhất khi các ngân hàng tất toán khoản vay tại ngân hàng cũ hiện nay là phí phạt trả nợ trước hạn.

Về cơ bản, phí phạt trả nợ trước hạn là một khoản tiền phạt của ngân hàng được áp dụng đối với khách hàng đang vay vốn nhưng chủ thể vay vốn này muốn hoàn tất thanh toán trả các khoản vay gốc trước khi khoản vay đến hạn theo hợp đồng vay. Quy định này dựa trên quan điểm ngân hàng phải huy động vốn để đáp ứng nguồn vốn cho vay có kỳ hạn dài hơn, theo đó ngân hàng đối mặt với rủi ro lãi suất và rủi ro kỳ hạn, nên khi khách hàng trả nợ trước hạn, ngân hàng không còn thu được lãi vay từ các hợp đồng tất toán trước thời hạn này nhưng vẫn phải trả lãi cho khoản tiền gửi đang còn thời hạn, vì vậy cần phải thu phí phạt trả nợ trước hạn.

Các ngân hàng hiện áp dụng tỷ lệ phí phạt từ 1-3% trên số tiền trả trước hạn, một số ngân hàng còn dựa trên thời gian còn lại của khoản vay, theo đó thời gian còn lại của khoản vay càng dài thì tỷ lệ phí phải trả càng cao. Vì vậy, với tỷ lệ phí phạt nói trên, nếu khách hàng có thể tiếp cận khoản vay mới có lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất khoản vay cũ từ 3% trở lên, tất yếu khách hàng sẽ xem xét khả năng chuyển dư nợ sang ngân hàng mới.

Thực tế điều này không hiếm. Nhiều khách hàng hiện nay sau khi hết giai đoạn được ưu đãi lãi suất ở ngân hàng đang vay, các khoản vay mua nhà sau đó có thể phải chịu lãi suất thả nổi lên đến 11-12%/năm, trong khi lãi suất ưu đãi giai đoạn đầu của các chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác chỉ từ 5-7%/năm. Mức chênh lệch này rõ ràng cao hơn nhiều so với phí phạt trả nợ trước hạn mà nhiều ngân hàng đang áp dụng, vì vậy nhiều khách hàng chấp nhận trả phí phạt để hưởng ưu đãi từ các khoản vay tại ngân hàng mới.

Và khi khách hàng trả nợ trước hạn, nguồn thu lãi vay và các phí dịch vụ khác bị ảnh hưởng, ngân hàng phải tìm khách hàng vay mới bù vào, nhưng với lãi suất của các khoản vay mới hiện nay thấp hơn nhiều so với lãi suất vay của các khoản vay cũ, ngân hàng dĩ nhiên không muốn khách hàng trả nợ trước hạn. Để đối phó với tình trạng này, các đơn vị kinh doanh tại một số ngân hàng tìm cách trì hoãn việc trả nợ trước hạn của khách hàng, hoặc đề nghị khách hàng tiếp tục duy trì quan hệ tín dụng và hứa sẽ giảm lãi suất cho vay.

Dĩ nhiên đấy không phải là một giải pháp căn cơ có tính lâu dài. Thay vào đó, có lẽ các tổ chức tín dụng đã, đang và sẽ tìm cách điều chỉnh lại mức phí phạt trả nợ trước hạn phù hợp hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng khách hàng trả nợ trước hạn hàng loạt. Một số ngân hàng thời gian qua đã áp dụng phí phạt trả nợ trước hạn khá cao, lên mức 4-6%. Thời gian tới không loại trừ khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục nâng phí phạt trả nợ trước hạn đối với nhóm khách hàng chuyển nợ sang ngân hàng khác, như là cách để bảo vệ quy mô dư nợ của mình và hạn chế động lực chuyển nợ của khách hàng.

Ngoài ra, có lẽ các ngân hàng cần phải áp dụng mức lãi suất cố định giai đoạn đầu và lãi suất thả nổi giai đoạn sau một cách linh hoạt hơn, tránh chênh lệch quá lớn. Bởi vì, điều đó không chỉ gây sốc cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của khách hàng, có thể khiến nhiều người không thể kham nổi chi phí lãi vay sau khi hết thời gian ưu đãi lãi suất, nên buộc họ cứ phải tìm đến ngân hàng khác để lại được hưởng lãi suất cố định ưu đãi trong giai đoạn đầu của khoản vay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới