Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chống lừa đảo bằng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: Cần nhưng chưa đủ

Tường Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chỉ còn hơn một tháng nữa một công cụ mới chống chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng sẽ được áp dụng: xác thực sinh trắc học khi chuyển trên 10 triệu đồng. Liệu loại “vũ khí” này có đủ mạnh để bài trừ tận gốc nạn lừa đảo đang hoành hành trong suốt mấy năm qua?

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1-7 tới, mọi giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học như khuôn mặt hay vân tay của người chuyển tiền.

Quy định này được xem là một vũ khí mới trong việc ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân nhưng có lẽ vẫn chưa đủ vì bọn lừa đảo không chỉ chiếm đoạt tiền trên môi trường trực tuyến (online) mà còn thao túng tâm lý để nạn nhân chuyển tiền trực tiếp (offline).

Bốn tháng, phát hiện 10 vụ lừa đảo gần 5 tỉ đồng

Cuối tuần qua, người viết bài này nhận liên tiếp mấy cuộc gọi xưng danh là “cán bộ phường” tên Bích Ngọc yêu cầu liên hệ cập nhật thông tin cá nhân trên hệ thống định danh điện tử. Các cuộc gọi này xuất phát từ các số điện thoại khác nhau, giọng người gọi khác nhau nhưng cùng một nội dung, một kịch bản lừa đảo cài ứng dụng cập nhật VNeID giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Cũng theo báo chí, cuối tuần qua nhân viên Ngân hàng Agribank ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đã ngăn chặn kịp thời vụ khách hàng đang bị kẻ xấu lừa đảo định chuyển tiền đến 3,2 tỉ đồng(*).

Cả hai câu chuyện này đều liên quan đến tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân vẫn đang hoành hành. Nó cho thấy sau nhiều đợt “chuẩn hóa thông tin thuê bao” trong hơn một năm qua để chống cuộc gọi lừa đảo và đã khóa hàng chục triệu thẻ SIM “rác”, tình trạng cuộc gọi lừa đảo vẫn chưa giảm như kỳ vọng của cơ quan quản lý nhà nước.

Tương tự là các vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Tổng hợp chỉ từ đầu năm 2024 đến nay qua thông tin trên báo chí, có thể chưa đầy đủ, có ít nhất 10 vụ lừa đảo chuyển tiền đã được nhân viên ngân hàng và cơ quan công an phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời với tổng số tiền suýt bị lừa được ghi nhận thực tế lên đến hơn 4,8 tỉ đồng.

Điều đáng nói là từ tháng 1 đến đầu tháng 5 này, tháng nào cũng có nạn nhân dính bẫy bọn lừa đảo. Tháng 1 năm nay, Ngân hàng Agribank ở Quảng Trị ngăn chặn vụ chuyển 436 triệu đồng và Agribank ở thành phố Quy Nhơn ngăn chặn khoản tiền dự định chuyển 26 triệu đồng.

Trong tháng 2, Agribank ở Hà Tĩnh giúp khách hàng không bị mất 78 triệu đồng và Ngân hàng VietinBank ở Hà Tĩnh chặn kịp thời vụ lừa đảo qua mạng với số tiền 65 triệu đồng.

Sang tháng 3, công an một xã ở tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện sớm vụ một phụ nữ bị lừa đi vay 100 triệu đồng định đi chuyển cho kẻ lừa đảo giả danh con trai bà. Còn tại tỉnh Cao Bằng, ngân hàng LP Bank phát hiện vụ lừa đảo số tiền 400 triệu đồng.

Bước qua tháng 4, LP Bank ở tỉnh Quảng Trị ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo qua mạng với số tiền 83 triệu đồng. Công an tỉnh Cao Bằng chặn kịp thời vụ lừa đảo mạo danh công an chiếm đoạt 200 triệu đồng. Còn tại tỉnh Lạng Sơn nhân viên Agribank ngăn chặn kịp hai vụ chuyển tiền 95 triệu đồng và 35 triệu đồng.

Chỉ trong vài ngày đầu tháng 5 trong tuần qua, Agribank ở tỉnh Bắc Giang chặn kịp vụ chuyển 120 triệu đồng và vụ chuyển 3,2 tỉ đồng tại Agribank ở tỉnh Bình Thuận.

Và đây chỉ là những vụ được ngăn chặn kịp và hoàn toàn nhờ vào sự tinh ý của nhân viên ngân hàng, cán bộ công an. Chỉ cần một chút thờ ơ của những người này là các vụ chuyển tiền cho bọn lừa đảo đã diễn ra trót lọt.

Sinh trắc học bó tay khi chuyển tiền trực tiếp

Hàng chục vụ lừa đảo bị ngăn chặn này đều có chung đặc điểm là nạn nhân bị thao túng tâm lý và tự đến ngân hàng để chuyển tiền cho bọn lừa đảo và tình trạng này hiện đang phổ biến, tháng nào cũng xảy ra vài vụ.

Tình trạng này cho thấy, quy định xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng là cần nhưng chưa đủ vì biện pháp này chỉ ngăn chặn được nếu chuyển tiền trực tuyến.

Thay vì chiếm đoạt tiền thông qua môi trường online như chiếm quyền điều khiển điện thoại, máy tính để chuyển tiền, các nhóm lừa đảo chuyển qua thao túng tâm lý để nạn nhân sợ hãi và nghe theo lời chúng đến ngân hàng chuyển tiền. Với thủ đoạn này thì biện pháp xác thực sinh trắc học sẽ bó tay vì việc chuyển tiền do “chính chủ” thực hiện, không có cách gì ngăn chặn.

Xác thực khi chuyển tiền bằng sinh trắc học thật ra không có gì mới. Vài năm gần đây gần như tất cả ứng dụng (app) ngân hàng đã có tính năng này, chỉ khác ở chỗ là không bắt buộc sử dụng mà chỉ là một tùy chọn cho khách hàng. Khi bật tính năng này, chuyển tiền trên app dù chỉ vài chục ngàn đồng thì vẫn phải qua bước kiểm tra khuôn mặt (FaceID) hay vân tay (TouchID) đã đăng ký với ngân hàng.

Vì vậy, muốn đối phó với nạn lừa đảo ngày càng tinh vi, bên cạnh quy định xác thực sinh trắc học cần thêm biện pháp giải quyết tận gốc là chặn được dòng tiền đến và đi khỏi tài khoản của kẻ lừa đảo.

Hiện nay nhiều ngân hàng cho biết không thể chặn được dòng tiền bị bọn lừa đảo chiếm đoạt vì tiền được chuyển đi khỏi tài khoản nhận rất nhanh. Không ít trường hợp lừa đảo trực tuyến nạn nhân báo ngay khi mất tiền nhưng vẫn không chặn kịp.

Thực trạng này cho thấy hai vấn đề: Tài khoản nhận tiền lừa đảo “không chính chủ” nên không thể truy vết được và thiếu một hệ thống “báo động đỏ liên ngân hàng” để chống lừa đảo.

Với một người bình thường, không ai dám để tài khoản mình nhận tiền lừa đảo và rút ra hay chuyển đi sau đó vì chắc chắn cơ quan công an sẽ điều tra ra ngay. Như vậy, nếu bọn lừa đảo có thể ung dung nhận tiền và chuyển tiền mà không sợ pháp luật sờ gáy thì khả năng rất cao đó là những tài khoản “ma” mở bằng giấy tờ giả mà ngân hàng không phát hiện được.

Bên cạnh các quy định như xác thực sinh trắc học hay sàng lọc tài khoản ngân hàng “ma”, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước cần thiết kế thêm “hệ thống báo động đỏ liên ngân hàng” bắt buộc tất cả ngân hàng tham gia.

Với hệ thống này, khi “báo động đỏ” được kích hoạt đối với một tài khoản có nghi vấn, các ngân hàng sẽ “treo” tiền đối với tài khoản này trên hệ thống chờ xác minh. Quy trình này tuy có gây phiền phức một chút nhưng người dân sẽ ủng hộ để chống lừa đảo vì một ngày nào đó họ cũng có thể là nạn nhân.

Ngoài ra, để quy trình “báo động đỏ” có hiệu quả, cần áp dụng bổ sung thời gian trễ để giữ tiền trên hệ thống thay vì chuyển đi tức thì như hiện giờ đối với những khoản tiền trên 10 triệu đồng chẳng hạn.

Việc chậm lại một nhịp chẳng hạn như 30 phút hay một vài giờ đồng hồ có thể ngăn chặn kẻ xấu rút tiền đi trong tình hình hiện nay cũng là một sự cần thiết. Còn nhớ vài năm trước đây việc chuyển tiền chậm, có khi vài giờ mới đến là rất bình thường và cũng không gây thiệt hại hay ảnh hưởng gì cho người dân hay doanh nghiệp. Tất nhiên, đối với việc chuyển tiền nhanh, ngân hàng vẫn có thể hỗ trợ thông qua các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra trước khi chuyển tiền đi.

(*) https://vietnamnet.vn/can-bo-ngan-hang-kip-ngan-nguoi-phu-nu-chuyen-3-2-ty-dong-cho-ke-lua-dao-2277172.html

3 BÌNH LUẬN

  1. Các hình thức xác thực là chống chiếm đoạt tài khoản để chuyển tiền. Còn việc lừa đảo thì tuyên truyền để người dân cảnh giác thôi.

  2. Bài viết hay, tôi ủng hộ giải pháp trên để ngăn chặn lừa đảo, nhiều người mất tiền rất đau khổ và tìm đến cái chết….

  3. Các ngân hàng, trụ sở uỷ ban phường xã, khu phố nên dán hình ảnh tuyên truyền về hành vi lừa đảo, giả danh cơ quan nhà nước, tặng quà có giá trị, giả người thân để họ biết mà phòng tránh lừa đảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới