Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chống thất thu thuế và bài toán hạn chế rào cản đối với thương mại điện tử

Đ.Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, để giải quyết tình trạng thất thu ngân sách từ thương mại điện tử, chính phủ một số nước đã yêu cầu những nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa qua thương mại điện tử tại nước đó cần phải đăng ký và thu hộ thuế giá trị gia tăng từ người tiêu dùng.

Để giải quyết với tình trạng thất thu ngân sách từ thương mại điện tử (TMĐT), chính phủ một số nước đã yêu cầu những nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa qua TMĐT tại nước đó cần phải đăng ký thuế. Ảnh minh họa là lễ ra mắt một sàn TMĐT. Ảnh: Vân Ly

Các nước đã thu thuế TMĐT thế nào?

Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu những nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ qua TMĐT ngoài khu vực EU khi bán hàng hóa vào trong khối EU cần đăng ký thuế và thu hộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ người tiêu dùng hàng hóa trong khu vực EU.

Tại Anh đã thực thi nhiều biện pháp bổ sung nhằm giải quyết tình trạng xói mòn thuế GTGT thông qua hình thức mua bán trực tuyến. Các nền tảng kinh doanh TMĐT có doanh thu lớn như eBay, Amazon phải có trách nhiệm đảm bảo khách hàng ở nước ngoài của mình phải đăng ký thuế tại Anh.

Tại Đức, dự luật được thông qua năm 2018 quy định các nền tảng TMĐT phải chịu trách nhiệm pháp lý về thuế GTGT chưa thanh toán của người bán ở Đức.

Các kết quả rất tích cực về số thu thuế GTGT được ghi nhận, EU thu được 14,8 tỷ EUR trong 4 năm đầu tiên, Úc thu được 1 tỷ AUD (618 triệu EUR) trong 2 năm đầu, Liên bang Nga thu được 21,4 tỷ RUB (241 triệu EUR) trong 2 năm đầu…

Ở Đông Nam Á, Philippines là quốc gia có quy định về thuế đối với TMĐT khá sớm. Từ năm 2013 chính phủ nước này đã ban hành các quy định cho người bán và người mua trực tuyến: Bất kể kênh bán trực tuyến hay trực tiếp, các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ đều phải chịu thuế GTGT với mức thuế suất 12%.

Chính phủ Indonesia và Malaysia năm 2020 bắt đầu thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ các hoạt động TMĐT.

Mức thuế suất thuế GTGT Indonesia áp dụng ở mức 10% trên giá trị các khoản thanh toán. Tại Malaysia, một cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài phải tính thuế dịch vụ ở mức 6% đối với dịch vụ kỹ thuật số được cung cấp cho người tiêu dùng ở Malaysia.

Tại Thái Lan, các nhà cung cấp dịch vụ điện tử ở nước ngoài và các nhà khai thác các nền tảng điện tử cung cấp dịch vụ cho người nhận ở Thái Lan phải đăng ký thuế GTGT ở nước này nếu doanh thu hằng năm đạt 1,8 triệu Bạt (hơn 49.000 USD) cho năm tính thuế đó. Quy định này áp dụng từ ngày 1-9-2021.

Thời gian qua, hoạt động TMĐT đã phát triển rất nhanh chóng và trở nên phổ biến ở các quốc gia trên thế giới. Các quốc gia đã xây dựng, bổ sung những quy định chặt chẽ nhằm hướng tới quản lý thuế có hiệu quả hơn đối với hoạt động TMĐT.

Các nước cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác, phối hợp quốc tế trong thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, mục đích giảm thất thu thuế, tránh rủi ro đánh thuế hai lần nếu không có sự thống nhất các nguyên tắc về thuế.

Chống thất thu thuế: Chính sách cần tính khả thi

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam, Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT.

Các cơ chế, chính sách về thuế phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động TMĐT phát triển, không tạo ra rào cản đối với người tiêu dùng.

Đối với thuế gián thu, cụ thể là thuế GTGT, việc đánh thuế đối với hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các dịch vụ số được cung cấp qua các giao dịch TMĐT, các nền tảng số… cho đến nay đã có nhiều thông lệ quốc tế tốt.

Thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các bộ liên quan: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước... và các doanh nghiệp công nghệ thông tin, sàn giao dịch TMĐT… để chia sẻ, kết nối thông tin, nhằm trao đổi, thu thập một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác các thông tin về các hoạt động TMĐT, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế, trốn thuế trong giao dịch TMĐT.

Bên cạnh đó, thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế TMĐT và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, có kết nối với các ngành ngân hàng, viễn thông; tăng cường triển khai có hiệu quả các dịch vụ thuế điện tử, đặc biệt là hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, góp phần thúc đẩy tăng thu ngân sách nhà nước và chống thất thu ngân sách, chống gian lận trục lợi thuế. Hóa đơn điện tử đã và sẽ góp phần mang lại lợi ích cho các cơ quan quản lý trong thu thuế qua TMĐT và giám sát nguồn thu thuế tốt hơn.

Chính sách thuế đối với TMĐT cần hướng đến mục tiêu đơn giản, dễ thực hiện và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, một mặt không trở thành rào cản đối với sự phát triển của nền kinh tế số nói chung và của TMĐT nói riêng, trong khi vẫn đảm bảo thu đúng, thu đủ số thuế cho ngân sách nhà nước.

Tổng hợp từ TTXVN, Bộ TC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới