Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chữa bệnh bên trong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chữa bệnh bên trong

Một số thông tin gần đây cho thấy các khoản vay bù lãi suất có thể đã được dùng quay vòng để trả các khoản vay với lãi suất cao của năm ngoái chứ chưa có tác dụng kích thích kinh tế. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Năm 2008 khủng hoảng tài chính bùng phát ở Mỹ và lây lan ra nhiều khu vực trên thế giới, từ đó suy thoái kinh tế cũng bắt đầu lan rộng và ngày càng trầm trọng.

Kinh tế Việt Nam cũng như vậy – đang có những dấu hiệu suy giảm. Nhưng, những gì diễn ra ở Việt Nam không hoàn toàn bắt nguồn từ thế giới bên ngoài.

Suy thoái kinh tế thế giới chỉ làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên khó khăn hơn chứ không phải là lý do duy nhất để giải thích cho tất cả sự trì trệ kinh tế đang diễn ra.

Điều này cũng ngụ ý rằng việc dùng ngân sách nhà nước để bù lãi suất như hiện nay, hay rộng hơn là việc kích thích kinh tế ở Việt Nam so với các nước khác không cùng một lý do.

Tại sao phải kích thích kinh tế?

Lạm phát, thâm hụt thương mại, sức ép tụt giá tiền đồng và hệ thống ngân hàng gặp khó vì biến động lãi suất là những sự kiện chủ yếu về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2008.

Chỉ số giá cả đã tăng liên tục trong nhiều năm liền do chính sách mở rộng cung tiền lẫn ngân sách. Tốc độ lạm phát đã lên đến đỉnh điểm trong năm 2008 và buộc lòng Chính phủ phải đưa ra các biện pháp cấp bách để giải quyết. Thắt chặt tiền tệ một cách đột ngột thông qua tất cả các công cụ cơ bản như bán trái phiếu chính phủ, tăng lãi suất chiết khấu và tỷ lệ dự trữ bắt buộc là cách làm của Ngân hàng Nhà nước.

Chính điều này đã làm hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ khủng hoảng thanh khoản và làm tăng tất cả các loại lãi suất trên thị trường. Cắt đà tăng của lạm phát bằng cách thắt chặt tiền tệ thì hậu quả đánh đổi là giảm tăng trưởng kinh tế, một điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, sự lựa chọn chính sách này đã không trọn vẹn. Không bao lâu sau khi Việt Nam thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ thì suy thoái kinh tế đã lan rộng khắp toàn cầu.

Như một trào lưu, các nước lần lượt đưa ra các gói kích thích kinh tế nhằm chặn bớt đà suy thoái. Và Việt Nam cũng vậy, chính sách thắt chặt tiền tệ dường như chưa đủ thời gian để có kết quả và những lời hứa về giảm đầu tư công (nhằm tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa) chưa kịp thực thi thì một gói kích thích kinh tế được đưa ra làm đảo ngược các chính sách, từ thắt chặt sang mở rộng.

Gói kích thích kinh tế đang triển khai nhằm giữ đà tăng trưởng dựa trên lý lẽ của tác động suy thoái kinh tế thế giới vào nền kinh tế chứ không phải là hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ vào cuối năm 2008. Thật khó để tách biệt tăng trưởng thấp hiện nay bao nhiêu phần là do thắt chặt tiền tệ gây ra và bao nhiêu phần là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới.

Thắt chặt tiền tệ đã làm xì hơi bong bóng bất động sản lẫn bong bóng chứng khoán và lan truyền sang khu vực sản xuất thực. Lãi suất cao cuối năm 2008 đã đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ phải co cụm. Trong khi đó, suy thoái kinh tế thế giới lại ảnh hưởng đến nội bộ nền kinh tế ở những kênh khác hẳn: đó là xuất nhập khẩu và dòng vốn quốc tế. Tác động kép này đã làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp có dấu hiệu tăng lên. Nhưng dù sao, phân biệt rõ đâu là nguyên nhân gây ra đình trệ kinh tế hiện nay và đưa ra chính sách tương ứng rõ ràng là cần thiết.

Việc đảo ngược chính sách tiền tệ thông qua bù lãi suất, tức là dùng chính sách lãi suất thấp để kích cầu có thể tạo ra những nguy hiểm tiềm tàng cho nền kinh tế. Bởi lẽ, lạm phát hiện nay đang dịu đi phần lớn nhờ giá dầu và giá lương thực trên thế giới giảm chứ không phải là do hiệu quả của chính sách bên trong. Những bất ổn trong các mối quan hệ vĩ mô như thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách, tỷ giá và lạm phát vẫn còn đó. Sự bấp bênh trong kiểm soát vĩ mô cùng với sự thay đổi trong chính sách tiền tệ có thể tạo ra một kỳ vọng bất lợi cho những lần thực thi chính sách về sau.

Kích thích bằng cách nào và để làm gì?

Khác với lần kích cầu sau khủng hoảng tài chính ở các nước trong khu vực năm 1997, thay vì sử dụng công cụ tài khóa bằng cách tăng đầu tư nhà nước, lần này Chính phủ thông qua kênh tiền tệ để kích cầu. Cách bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng cho thấy Chính phủ đặt niềm tin vào thị trường mạnh mẽ hơn. Hệ thống ngân hàng thương mại, cho dù có thể còn chưa cạnh tranh đúng nghĩa, nhưng ít nhất tự thân nó sẽ biết lựa chọn các dự án an toàn để tài trợ hơn là những phân bổ ngân sách ít dựa trên quan hệ kinh tế của giai đoạn trước mà hậu quả của nó còn kéo dài cho đến hôm nay.

Tuy nhiên, chỉ đặt niềm tin vào thị trường không thôi thì chưa đủ để bảo đảm đạt được mục tiêu của gói kích thích kinh tế. Thị trường giúp cho Chính phủ trong vấn đề phân bổ nhưng có thể không giúp cho Chính phủ đạt được mục tiêu. Mỗi khi tăng trưởng kinh tế rơi vào đáy của chu kỳ, các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ có thể được đưa ra và thường nó chỉ mang tính chất của giải pháp ngắn hạn. Gói kích thích kinh tế giá trị hơn 1 tỉ đô la của Chính phủ có lẽ cũng như vậy, là một giải pháp tình thế cấp thời. Vì lẽ này, tăng cầu trong nền kinh tế thông qua tiêu dùng thường là biện pháp được các chính phủ lựa chọn vì đây là công cụ cho ngắn hạn.

Hỗ trợ lãi suất đối với người đi vay để sản xuất kinh doanh cho thấy Chính phủ có thể lựa chọn một biện pháp dài hạn, đó là nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, hay nói cách khác là tăng cung. Lựa chọn này có thể thất bại nếu kết hợp với những điều kiện trong nước và thế giới đang diễn ra mà tôi vừa trình bày ở trên. Các doanh nghiệp trong nước có thể đã mất đà phát triển từ việc chịu đựng lãi suất cao trong cuối năm thì bây giờ đang đối diện với mức cầu suy giảm.

Sự suy giảm này bắt nguồn cả từ cầu trong nước lẫn cầu từ nước ngoài. Đối với trong nước, giá bất động sản và chứng khoán giảm đã làm xói mòn giá trị tài sản của các hộ gia đình có liên quan và kéo theo sụt giảm tiêu dùng. Mức tiêu dùng của thế giới cũng cùng chiều hướng đó nên xuất khẩu đang ngày càng giảm. Dòng vốn vào trên cả cán cân tài khoản vãng lai (như xuất khẩu, kiều hối) và tài khoản vốn (như các hình thức đầu tư nước ngoài, vốn viện trợ) sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới. Những doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu cũng đang và tiếp tục bị tác động bất lợi về tỷ giá.

Nhà đầu tư đang đối diện với môi trường bất trắc như vậy nên ngay cả khi lãi suất thấp cũng chưa chắc đã tăng đầu tư để kéo nền kinh tế ra khỏi trì trệ. Thật vậy, thông tin gần đây cho thấy các khoản vay bù lãi suất có thể đã được dùng quay vòng để trả các khoản vay với lãi suất cao của năm ngoái chứ chưa có tác dụng kích thích kinh tế. Nếu thế, bù lãi suất chỉ là khoét rộng thâm hụt ngân sách và trước sau gì cũng tạo áp lực phải tăng tiền để tài trợ và rồi có thể tiếp tục một vòng xoáy lạm phát, thâm hụt bên trong lẫn bên ngoài ngày càng rộng.

NGUYỄN HOÀI BẢO (*)

 (*) Khoa Kinh tế phát triển – Đại học Kinh tế TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới