(KTSG Online) – Bộ Tài chính cho biết lý do chưa đề xuất Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do biến động chỉ số giá (CPI) chưa đến mức 20%.
- Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân cao nhất 10 năm qua do bất cập luật thuế
- Gánh nặng từ sự lạc hậu của thuế thu nhập cá nhân
TTXVN đưa tin, chiều 29-3, tại cuộc họp thường kỳ quí 1-2024 của Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, hiện chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, trong bối cảnh biến động chỉ số giá (CPI) chưa đến mức 20% hoặc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025.
Từ năm 2009, khi Luật thuế này có hiệu lực thi hành đến nay, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng, sau đó được điều chỉnh lên 9 triệu đồng/tháng vào năm 2012 và từ năm 2020 là 11 triệu đồng/tháng.
Lý do chính không tăng mức giảm trừ gia cảnh được phía Bộ tài chính đưa ra là do từ năm 2020 đến nay biến động chỉ số CPI chưa đến mức 20%. Theo Bộ này, Luật hiện hành quy định trong trường hợp CPI biến động 20% so với lần điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Hiện nay Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao rà soát tổng thể các Luật thuế, báo cáo Quốc hội sửa đổi cho phù hợp. Luật thuế thu nhập cá nhân có lộ trình sửa đổi là năm 2025.
Chính sách, cũng như thực tiễn cuộc sống và pháp luật. Nếu xét thấy đủ căn cứ kết luận không còn phù hợp, thì nên kịp thời sửa đổi, bổ sung. Mọi sự chậm trễ, khách quan hoặc chủ quan, cũng chỉ là cách nói mà thôi. Mọi thứ đều do ý chí của con người mà ra. Suy ra, mỗi sự việc trong cuộc đời này luôn tồn tại ít nhất hai thái cực. Nếu có “Việc gì có lợi cho dân, nên cố hết sức để làm”, thì cũng có “Dân cần, nhưng quan chưa vội”. Là vậy.