(KTSG Online) - Chiều nay (18-1), trong cuộc họp công bố chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nên tính toán đến việc mở cửa toàn diện du lịch Việt Nam vào ngày 30-4 tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Tổng cục Du lịch khẩn trương lấy ý kiến từ các bộ liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, chậm nhất là trong tuần sau phải có văn bản gửi bộ để cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa du lịch hoàn toàn.
- Tham khảo ý kiến đơn vị nghiên cứu kinh tế tư nhân trong kế hoạch phục hồi, mở cửa du lịch
- Phú Quốc đón gần 1.000 khách quốc tế sau hơn một tháng thí điểm đón khách
- Thêm một tỉnh đề xuất được đón khách du lịch quốc tế
Thí điểm an toàn, tính việc mở rộng thị trường
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau hai tháng thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch đã đón được 7.800 khách. Số lượng khách tuy chưa nhiều nhưng điều này cho thấy việc phục vụ du khách nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn như hiện nay là an toàn và hoàn toàn có thể thực hiện.
"Điều vui mừng là trong thời gian thực hiện thí điểm, du khách đến vẫn cảm thấy thoải mái, được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh và cộng đồng cũng an toàn", Bộ trưởng nói
Từ những kết quả tích cực này, ngành du lịch có thể tiếp tục xây dựng hình ảnh Việt Nam là một địa điểm an toàn và tính đến việc mở lại hoàn toàn vào ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 sắp tới.
"Nên chăng, vào ngày 30-4 tới chúng ta khởi động, để du lịch trở lại trong bình thường mới", Bộ trưởng nói và cho rằng cơ sở để tự tin mở cửa hoàn toàn là việc thực hiện thí điểm đón khách thành công, độ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam đứng trong tốp 10 thế giới và các điểm đến trong nước đã sẵn sàng đón khách.
Theo Bộ trưởng, để có thể mở cửa hoàn toàn vào thời điểm đó, ngành du lịch phải tính toán kỹ nhiều việc. Trong đó, có việc phải làm sao để có một gói sản phẩm du lịch tốt hơn.
Nhiều quan chức du lịch các tỉnh và doanh nhân ủng hộ việc sớm mở cửa toàn diện ngành du lịch, xem đây cách duy nhất để cứu ngành du lịch, đem lại công ăn việc làm cho người lao động và tạo cơ hội cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
"Quảng Nam đã sẵn sàng, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... đã sẵn sàng để đón khách. Một số nơi cũng có nguồn khách", ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nói.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, mở cửa vào ngày 30-4 tới sẽ mang đến cơ hội "ngàn năm có một" cho sự cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
"Ban IV ủng hộ việc mở cửa du lịch hoàn toàn vào ngày 30-4 tới. Chắc chắn Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, những điểm đến lớn trong khu vực sẽ không mở cửa sớm nên đây là cơ hội lớn cho Việt Nam", ông nói.
Cần thêm gì để mở cửa thành công?
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia du lịch cho rằng, có nhiều việc phải làm để mở cửa thành công. Trong đó, cần phải thông báo về thời điểm mở cửa, gỡ bỏ rào cản đi lại... nhưng trước mắt là phải chuẩn bị kỹ càng để có thể thuyết phục chính phủ cho phép kết nối toàn bộ thị trường quốc tế.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, việc công bố sớm thời điểm mở cửa là rất quan trọng vì không những gây được sự chú ý của truyền thông, đối tác quốc tế, giúp thu hút thêm du khách mà còn giúp doanh nghiệp trong nước chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để đón khách.
Để mở cửa thành công, Hội đồng Tư vấn du lịch đề nghị chính phủ sớm gỡ bỏ những rào cản về đi lại cho du khách trong nước và quốc tế.
Cho đến khi ngành du lịch được mở cửa toàn bộ, đề nghị Thủ tướng cho phép thêm nhiều tỉnh, thành được tham gia thí điểm đón khách quốc tế.
Thêm vào đó là bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... phải xin phép việc đón khách quốc tế để doanh nghiệp không mất thời gian, nhân lực làm các thủ tục xin phép, tập trung mọi nguồn lực cho kế hoạch kinh doanh mới. "Đây là cách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp", ông Kiên nói.
Theo ông Trương Gia Bình, cơ quan quản lý du lịch cùng Ban IV và Hội đồng Tư vấn du lịch nên chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đề xuất kế hoạch mở cửa lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nên tính đến việc mời các chuyên gia, bác sĩ có kinh nghiệm chống Covid-19 tư vấn về an toàn phòng dịch, cách áp dụng hiệu quả trong thực tế để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, phải mở mảng du lịch quốc tế để ngành du lịch phát triển nhanh sau dịch và đề nghị sau cuộc họp này, Tổng cục Du lịch hoàn thiện các báo cáo cho thấy sự hưởng ứng của doanh nghiệp, sự sẵn sàng của các địa phương cùng những dữ liệu đầy đủ về y tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Từ nay đến 30-4 tới, các địa phương đã được phép thí điểm đón khách quốc tế cần phải tiếp tục. Sau ngày 30-4, nếu Thủ tướng đồng ý thì sẽ mở rộng", ông nói.