Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng chỉ IELTS chỉ là bước khởi đầu

Đặng Quỳnh Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tiếng Anh rất cần thiết cho việc học tập, làm việc. Chứng chỉ tiếng Anh IELTS có thể là một lợi thế cá nhân trong việc ứng tuyển việc làm nhưng đôi khi tiếng Anh và cả tấm bằng nước ngoài cũng chỉ là yếu tố cộng thêm, không đủ để bảo đảm bạn sẽ làm việc tốt hay có cơ hội tốt.

Tôi vừa từ chối một offer letter (thư mời nhận việc) với mức lương xấp xỉ 9 con số cùng những đãi ngộ đáng kể khác cho bản thân và gia đình. Đó là một công ty lớn, có tên tuổi của Mỹ mà theo một số đồng nghiệp của tôi, thì “rất đáng để vào”.

Mức lương gần 9 con số nói trên có lẽ chẳng bõ bèn gì với giới làm thuê tinh hoa hay các nhà quản lý trong các công ty lớn, nhưng với người nhập cư vào TPHCM cùng “giấc mơ con” khi rời quê: đi học - ra trường - có việc làm - ổn định cuộc sống… thì đó là con số nằm ngoài dự tính của tôi lúc bắt đầu đi làm.

Sau khi biết tôi từ chối thư mời, lãnh đạo cấp cao của công ty đó đã trực tiếp gọi điện thoại cho tôi, hỏi lý do vì sao lại từ chối một cơ hội tốt để làm việc trong một công ty lớn và có cơ hội thăng tiến như vậy. Ông nói thêm rằng mức lương đó chỉ là bước khởi đầu và hỏi liệu tôi có băn khoăn hay lo lắng gì khi về đầu quân cho họ hay không. Hơn hai lần gọi điện thoại trao đổi và gợi mở để tôi thay đổi quyết định. Có lẽ họ tìm thấy sự phù hợp ở tôi cho mảnh ghép công việc họ còn thiếu. Tôi rất cảm kích nhưng cuối cùng vẫn quyết định gắn bó với công việc hiện tại.

Rèn luyện tác phong làm việc và ý thức tự học

Nếu tôi chuyển việc, về làm việc cho công ty này nữa, thì tôi sẽ có đủ trải nghiệm làm thuê cho những tập đoàn tiêu biểu của thế giới công nghiệp: Nhật Bản, Anh Quốc (châu Âu); Hàn Quốc và Mỹ trong suốt hành trình 20 năm lê la đi làm thuê của mình. Ngẫm lại, tôi đã rất may mắn vì đã được đào tạo, rèn luyện trong những môi trường làm việc rất bài bản và khắt khe đó.

Ở những công ty nước ngoài đó, sếp trực tiếp của tôi - khi thì một CEO người Anh, khi thì giám đốc bộ phận người Nhật và có khi là anh quản lý người Hàn. Trong đó có những người mang tầm vóc toàn cầu (global standard). Tại những môi trường này, có rất nhiều người nước ngoài, từ các quốc gia, châu lục khác nhau và chúng tôi giao tiếp, làm việc với nhau bằng tiếng Anh - cũng là nơi tôi trui rèn tiếng Anh cho mình một cách hữu hiệu nhất.

Có một điều, tôi chỉ bắt đầu được học tiếng Anh khi tôi vào đại học. Trước đó, chúng tôi không được dạy tiếng Anh ở các cấp học thấp hơn. Việc một người chưa biết tiếng Anh như tôi học chung chương trình tiếng Anh ở bậc đại học với những bạn học đã từng học tiếng Anh khá bài bản từ nhỏ là một cực hình. Rất vất vả và gian khó.

Ở vạch xuất phát là zero, tôi phải từng bước khắc phục điểm yếu về ngoại ngữ của mình bằng cách dành thời gian học gấp nhiều lần các bạn trong lớp và suốt nhiều năm sau khi ra trường. Tôi cũng theo học chương trình luyện thi chứng chỉ IELTS để phục vụ cho mục đích xuất ngoại của mình. Dù dự định xuất ngoại sau đó không thực hiện được, nhưng IELTS đã là nền tảng, cơ sở cho vốn tiếng Anh của tôi khi bắt đầu đi làm.

Dù vậy, tiếng Anh của tôi không thuộc dạng xuất sắc. Nó chỉ đủ giúp tôi làm việc, trao đổi, thuyết trình và chuyện trò với những người nước ngoài trong công việc và các chủ đề thông dụng, chứ không chuyên nghiệp như những người được học bài bản từ bé.

Tuy nhiên, tôi còn may mắn hơn nhiều so với một số đồng nghiệp của tôi - những người đã và đang giữ các vị trí quản lý cao và quan trọng trong các công ty tôi đã làm qua. Có thể nói họ là những thế hệ nhà quản lý người Việt đầu tiên của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Rất nhiều người trong số các anh chị đó đi lên làm quản lý từ vị trí công nhân.

Đó là thực tế rất phổ biến trong các công ty sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài. Rất nhiều nhà quản lý của các công ty này, vì lý do gì đó đã không được học hành bài bản qua các bậc học, ví dụ chỉ học hết cấp 3 thì họ vào các công ty làm công nhân. Nhưng qua quá trình làm việc của một công nhân thuần túy, họ được cấp trên nhận thấy có năng lực, ý chí và quyết tâm nên được đưa vào quy hoạch, được đào tạo và được tạo điều kiện để phát triển.

Việc đào tạo bắt đầu từ những điều đơn giản nhưng căn cơ nhất: on - job - training. Là đào tạo từ thực tế công việc - hướng dẫn tỉ mỉ để làm một công việc thì sẽ làm như thế nào. Rồi từ từ họ được đào tạo kỹ năng kiểm soát, quản lý công việc, quản lý con người, xây dựng và quản lý hệ thống… Sự kết hợp giữa năng lực và khát khao của những người công nhân và sự đào tạo thực tế, bài bản, phù hợp của công ty, của cấp trên, đã hun đúc nên những nhà quản lý trụ cột của công ty.

Tiếng Anh của các cấp quản lý này cũng ở tình trạng tương tự. Lúc mới vào công ty, trình độ tiếng Anh của nhiều người lơ mơ, thậm chí chưa được học. Sau khi vào công ty, được tạo điều kiện và nhận thấy cơ hội, họ đã nỗ lực học, gặp môi trường thuận lợi để áp dụng, tiến bộ và phát triển, cho đến một lúc có thể sử dụng, giao tiếp với đồng nghiệp, với sếp, với khách hàng, đáp ứng nhu cầu tiếng Anh cho công việc.

Thực tế là, tiếng Anh trong công việc được hỗ trợ bởi rất nhiều kỹ năng khác. Nói cách khác, để dùng được tiếng Anh cho công việc, cần phải có rất nhiều kỹ năng, kiến thức khác. Đó là sự hiểu biết về công việc, khả năng nắm bắt, phán đoán được suy nghĩ của người khác. Có khi người đối diện vừa nói vài chữ, vài câu thôi thì người nghe đã hiểu họ muốn nói gì rồi và ngược lại. Theo tôi, đó là loại “tiếng Anh công việc” đặc thù - kỹ năng công việc bổ trợ cho khả năng ngoại ngữ.

Đi làm nhiều nơi, với cả các đồng nghiệp trong nước và nước ngoài, điều có ý nghĩa nhất mà tôi rèn luyện được là khả năng tự học, ý thức tự nâng cao năng lực của mình; luôn luôn tích lũy, bồi đắp kỹ năng và kiến thức của mình để không ngừng tiến bộ, phát triển. Làm một việc gì cũng biết việc đó thật sâu sắc, cặn kẽ chứ không qua loa, hời hợt vì tôi luôn mong có thể cải thiện công việc sao cho tốt hơn, trở thành những chuẩn mực và được hệ thống hóa.

IELTS không phải là chứng nhận về khả năng làm việc

Ngày nay, chứng chỉ về trình độ tiếng Anh IELTS đang được xem như một tấm bùa hộ mệnh, thậm chí còn được xem là một giá trị để đánh giá năng lực của một người trẻ. Có lẽ vì thứ tiêu chuẩn vô hình đó mà một tỷ lệ lớn các gia đình Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn, đã và đang hướng cho con theo học chương trình tiếng Anh này... với chi phí rất đắt đỏ.

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024 này, 40 trường xét tín chỉ IELTS là một trong những điều kiện xét tuyển vào trường. Để được vào các trường này, nhiều gia đình đã dốc sức cho con em luyện thi một cách sống chết. Mức học phí trung bình để luyện IELTS phổ biến từ 2-5 triệu đồng mỗi tháng. Khóa chuyên sâu Nói, Viết có giá 9 triệu đồng. Các khóa luyện cả bốn kỹ năng phổ biến ở mức 13-15 triệu đồng tùy thời lượng.

Mức chi phí này chiếm từ một phần tư đến vượt quá mức thu nhập trung bình 7,88 triệu đồng/tháng của một người lao động, theo kết quả khảo sát đời sống việc làm tiền lương của Viện Công nhân Công đoàn.

Dĩ nhiên, chiến lược của các bậc phụ huynh trong thời đại IELTS lên ngôi rất rõ ràng: nó là tấm phiếu thông hành để cho con du học, còn nếu không đi du học được thì sẽ có nhiều cơ hội vào học các trường tốp đầu trong nước và cũng là cơ hội kiếm được việc làm tốt sau khi ra trường.

Dĩ nhiên, khả năng tiếng Anh và tấm bằng ngoại quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người sở hữu. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, tiếng Anh đôi khi chỉ là yếu tố cộng thêm thôi, và tấm bằng nước ngoài không đủ để bảo đảm rằng họ sẽ làm việc tốt, có cơ hội tốt. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn trẻ nói tiếng Anh lưu loát, nhưng ý chí vươn lên và bộ kỹ năng làm việc chỉ ở mức vừa phải, và đã không thể trụ vững trong môi trường công việc đòi hỏi sự cạnh tranh khốc liệt. Điều đó cho thấy, tiếng Anh quan trọng, nhưng nó không phải là tất cả. Khi một bạn trẻ đã giỏi tiếng Anh rồi, bạn phải không ngừng trau dồi, nâng cao các kỹ năng làm việc khác để hoàn thiện bản thân.

Nhìn từ góc độ giáo dục, các bậc phụ huynh đầu tư tiếng Anh cho con nên chọn một chiến lược đào tạo toàn diện nhấn mạnh đến việc phát triển tư duy, thái độ sống và các kỹ năng sống. Thế giới đang đổi thay từng ngày, và người nào càng có thái độ sống tích cực, mạnh mẽ, càng có nhiều kỹ năng thích ứng - bên cạnh tiếng Anh, thì càng có nhiều cơ hội để trụ vững và đi xa.

Với những bạn chưa hay không có chứng chỉ IELTS hoặc không du học cũng chẳng có vấn đề gì vì cơ hội phát triển vẫn luôn rộng mở. Như đã nói ở trên, nỗ lực làm việc, sự cầu thị trong công việc chính là cơ hội để bạn được cấp trên nhìn trúng khi họ tìm kiếm người tài tương lai cho doanh nghiệp. Tôi thấy nhiều người đi làm ở vị trí cao hiện nay, rất ít người có tín chỉ IETLS hay từng du học nhưng họ rất giỏi và đáng quý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới