(KTSG online) - Trong buổi toạ đàm “Lợi ích Anh văn nghề nghiệp y tế quốc tế” được tổ chức vào ngày 19-1 tại TPHCM, ông Tony Keenen, Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của OET, cho biết chứng chỉ OET không thay thế cho chứng chỉ hành nghề y. Bởi OET (viết tắt: Occupational English Test) là một chứng chỉ tiếng Anh nghề nghiệp, chỉ giúp đánh giá năng lực ngoại ngữ của đội ngũ nhân viên y tế hoạt động trong khối ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là làm việc trong môi trường y tế quốc tế.
- TPHCM: Nhiều nhân viên y tế cơ sở chưa nhận tiền phụ cấp ưu đãi nghề suốt 2 năm
- Chứng chỉ tiếng Anh PEIC được công nhận trong tuyển sinh đại học
Tại buổi toạ đàm, ông Trần Hữu Phúc Tiến, Giám đốc Công ty tư vấn du học và Anh văn Hợp điểm, đã nêu ra những nguyên nhân khiến tiếng Anh chuyên ngành y khoa đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay. Thứ nhất là đã từ lâu, y tế là một trong những ngành được nhiều người lựa chọn. Theo một số thống kê ở Mỹ, trong số 10 ngành nghề phát triển nhanh tại nước này thì ngành y tế chiếm 2/3. Do đó, nhu cầu làm việc trong lĩnh vực y tế; đặc biệt là môi trường y tế quốc tế rất lớn. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, ngành này càng trở nên quan trọng và phát triển rất nhanh.
Thứ hai là khi chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, tất cả những công nghệ này đều phải sử dụng bằng tiếng Anh. Đội ngũ nhân viên y tế không thể chỉ sử dụng ngôn ngữ bản xứ để nói những thuật ngữ y khoa hiện nay.
Nguyên nhân thứ ba được ông Tiến chỉ ra rằng tại Việt Nam, từ năm 2019, Bộ Y tế đã đưa ra đề án khám chữa bệnh cho người nước ngoài. Theo thống kê vào năm 2018, có khoảng 300.000 người nước ngoài sử dụng hệ thống y tế của nước ta. Số lượng người nước ngoài đến du lịch, khám bệnh hàng năm tại Việt Nam rất nhiều. Do đó, một vấn đề đặt ra là nước ta phải nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên y tế để không còn rào cản ngôn ngữ giữa bác sĩ với bệnh nhân nước ngoài khi giao tiếp.
Hiện TPHCM có khoảng 33 đơn vị được Sở Y tế TPHCM cấp phép khám và chữa bệnh cho người nước ngoài. “Để khám và điều trị bệnh cho người nước ngoài, các nhân viên phải trải qua một bài kiểm tra tiếng Anh. Tuy nhiên, bài kiểm tra này chỉ mức cơ bản, chưa mang tính chất quốc tế”, ông Tiến cho biết.
Theo bà Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tiếng Anh trở thành thế mạnh của người Việt Nam trong lĩnh vực chuyên môn, kể cả y khoa là một điều không đơn giản. Các trường đại học đang nỗ lực để truyền đạt kiến thức thông qua một ngôn ngữ khác. Thế nhưng, để giáo viên ngoại ngữ dạy tiếng Anh chuyên ngành y sẽ là một thách thức rất lớn.
Vì vậy, bà Anh kỳ vọng trong thời gian sắp tới, chứng chỉ tiếng Anh nghề nghiệp OET sẽ được phát triển rộng rãi để nhân viên y tế có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ không chỉ trong nước mà có thể đi học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, có nhiều sinh viên y khoa nhầm lẫn rằng OET có thể thay thế cho chứng chỉ hành nghề y. Trước nội dung này, ông Tony Keenen, Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của OET, cho biết chứng chỉ OET không thay thế cho chứng chỉ hành nghề y. Đây là một chứng chỉ tiếng Anh nghề nghiệp, giúp đánh giá năng lực ngoại ngữ của đội ngũ nhân viên y tế hoạt động trong khối ngành chăm sóc sức khỏe.
Nói về điểm giống, khác nhau của chứng chỉ OET và IELTS, ông Tony Keenen cho biết hai chứng chỉ này đều bao gồm bốn kỹ năng là Nghe, Nói, Đọc và Viết. Tuy nhiên, dù chứng chỉ IELTS giúp người thi kiểm tra được trình độ tiếng Anh học thuật, mở rộng cơ hội việc làm tại nước ngoài nhưng kỳ thi này chỉ cung cấp những bài thi tổng quát như kỹ năng viết về quy trình sản xuất sản phẩm, phân tích biểu đồ, chỉ số tiêu dùng...
Còn OET là một chứng chỉ tiếng Anh chuyên ngành dành cho nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như y khoa, nha khoa, dược, điều dưỡng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng, khúc xạ nhãn khoa, thú y, chuyên khoa X-quang… Bốn kỹ năng sẽ xoay quanh từ vựng chuyên ngành y khoa để từ đó giúp các y, bác sĩ giao tiếp và xử lý những tình huống khám chữa bệnh cho bệnh nhân người nước ngoài thuận lợi hơn.
Đặc biệt, “nếu một trong bốn kỹ năng của OET không đủ điểm, người thi có thể đăng ký thi riêng biệt từng kỹ năng đó, mà không cần phải tham gia thi lại toàn bộ các kỹ năng như chứng chỉ IELTS. Hiện nay, chứng chỉ OET đã được các hiệp hội chuyên ngành y khoa và nhiều đơn vị y tế trên toàn thế giới công nhận”, ông Tony Keenen cho biết thêm.