(KTSG Online) – Tỷ trọng của chứng khoán Mỹ trên thị trường toàn cầu ngày càng tăng. Điều này làm dấy lên lo ngại bất ổn lớn sẽ xảy ra nếu thu nhập trong tương lai của một số công ty giá trị nhất thế giới có trụ sở Mỹ không đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, xét theo lịch sử, mức định giá của các công ty giá trị nhất thế giới hiện nay chưa cao đến mức báo động.
- Cơn sốt AI khơi dậy nỗi ám ảnh bong bóng dot-com
- Đỉnh cao mới của chứng khoán Mỹ dựa vào sức mạnh cổ phiếu công nghệ
Sự trỗi dậy của Phố Wall sau khi chạm đáy năm 2008
Mười sáu năm trước, thị trường chứng khoán Phố Wall rơi xuống đáy sâu nhất trong thời kỳ hiện đại. Tháng 3-2008, nước Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái và cuộc khủng hoảng tài chính. Lúc đó, chứng khoán Mỹ chiếm chưa đến 40% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán thế giới. Trong khi đó, vào đầu những năm của thập niên 2000, chứng khoán châu Âu và các thị trường mới nổi tăng giá mạnh mẽ.
Nhưng đến hôm nay, bối cảnh đảo ngược rõ ràng. Thị phần của chứng khoán Mỹ trong tổng vốn hóa thị trường thế giới tăng đều đặn trong hơn một thập niên qua và tăng mạnh trong năm nay. Hiện tại, chứng khoán Mỹ chiếm 61% tổng vốn hóa chứng khoán thế giới. Đó là sự thống trị đáng kinh ngạc đối với một nền kinh tế chiếm hơn 1/4 GDP toàn cầu. Mức độ tập trung thị trường càng trở nên cực đoan hơn khi xét đến những gì đang diễn ra ngay trong chính thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ ba công ty, Apple, Microsoft và Nvidia, chiếm 1/10 giá trị thị trường cổ phiếu toàn cầu.
Những nhà đầu tư không muốn bỏ hết trứng vào một giỏ đang lo lắng. Nvidia gần đây chứng kiến vốn hóa có lúc vượt 3.000 tỉ đô la, trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Khi giá cổ phiếu nhà thiết kế chip này giảm 13% trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến ngày 24-6, chỉ số chứng khoán thế giớim MSCI All Country World, bao gồm cả các thị trường mới nổi và thị trường phát triển bị thổi bay 0,5% giá trị. Giá cổ phiếu của công ty sau đó đã phục hồi, tăng 7% trong hai ngày tiếp theo.
Lịch sử chứng khoán thế giới cho thấy những tác động xen lẫn tốt xấu khi nói đến sự tập trung thị trường vào một số cổ phiếu. Đôi khi sự thống trị của thị trường chứng khoán của một quốc gia hoặc một số ít cổ phiếu là tín hiệu cảnh báo bất ổn. Ví dụ, trong thời kỳ bong bóng dot-com (cổ phiếu internet bị bán tháo) vào cuối thập niên 1990, 10 cổ phiếu lớn nhất của Mỹ chiếm 1/3 vốn hóa thị trường trong nước, tương tự như hiện nay.
Ở cấp độ quốc gia, Nhật Bản là một ví dụ đáng lo ngại. Đến cuối năm 1989, ngay trước khi bong bóng tài sản bùng vỡ, chứng khoán Nhật Bản chiếm 40% tổng giá trị chứng khoán toàn cầu. Bốn công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất là các ngân hàng Nhật Bản.
Nhưng tính tập trung của thị trường cũng có thể lành tính. Trong thập niên 1950 và đầu những năm thập niên 1960, thị trường chứng khoán toàn cầu tập trung ở Mỹ và một nhóm nhỏ công ty ở nước nay. Trong thời ký đó, châu Âu vẫn đang phục hồi sau chiến tranh thế giới thứ hai và thị trường châu Á vẫn chưa đạt được vị thế nổi bật. Do vậy, chứng khoán Mỹ chiếm tới 70% thị trường toàn cầu. Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như AT&T (viễn thông), Exxon (dầu khí) General Motors (ô tô) trở thành những công ty giá trị nhất thế giới. Thực tế, mười cổ phiếu lớn nhất thời đó chiếm đến 1/3 thị trường chứng khoán Mỹ nhưng không gây ra bất ổn rõ ràng.
Mức định giá đắt nhưng chưa đến mức báo động
Câu hỏi đặt ra là tình hình chứng khoán Mỹ hiện nay giống với thời kỳ thập niên 1960 hay bong bóng dot-com vào cuối thập niên 1990?
Mức định giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất Mỹ hiện nay rõ ràng là khá cao Nvidia có tỷ lệ giá cổ phiếu trên thu nhập (P/E) dự kiến trong 12 tháng tới là 43. Điều đó giải thích cho cú bán tháo cổ phiếu Nvidia trong tuần qua. Những thay đổi tương đối nhỏ trong kỳ vọng thu nhập của các công ty lớn như Nvidia có thể dẫn đến những biến động lớn của thị trường. Đà tăng giá trên thị trường chứng khoán Mỹ gần đây dựa trên kỳ vọng về tác động kinh tế tích cực trong tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI), vốn dĩ không chắc chắn.
Tuy nhiên, ngay cả ở các mức định giá cao hiện tại, vẫn có một khoảng cách giữa sự lạc quan do AI thúc đẩy ngày nay và các giai đoạn sốt đầu cơ cổ phiếu trong quá khứ. Năm 2000, cổ phiếu tập đoàn công nghệ thông tin Cisco Systems của Mỹ, mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư lạc quan, giao dịch ở mức giá gấp hơn 125 lần thu nhập dự kiến. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của cổ phiếu Nhật Bản, không chỉ của những công ty đắt giá nhất mà của toàn bộ thị trường đạt mức 60 vào năm 1989.
Nhưng lý do chính dẫn đến sự thống trị của chứng khoán Mỹ xuất phát từ các yếu tố cơ bản. Hệ số P/E của chỉ số MSCI US (gồm 611 cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình của Mỹ) tăng 162% kể từ tháng 3-2008. Ngược lại, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các thị trường toàn cầu (không bao gồm Mỹ) giảm 2% tính theo đồng đô la trong thời gian đó. Hơn bất cứ nơi nào khác, các công ty Mỹ đã chứng tỏ khả năng tăng trưởng, sinh lãi và hoàn trả cho các nhà đầu tư.
Trên thực tế, các công ty công nghệ chỉ đóng góp một phần nhỏ trong sự thống trị của chứng khoán Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Nếu loại trừ các công ty công nghệ thông tin, thị phần của chứng khoán Mỹ trên toàn cầu giảm xuống còn 55%, vẫn là mức cao. Thậm chí tỷ lệ đó cũng cao nhất trong nhiều thập niên, cao hơn 20 điểm phần trăm so với mức thấp của năm 2008.Nhưng không nên xem đây là lý do để tự mãn đối với một thị trường chứng khoán đắt đỏ không thể phủ nhận.
Tính tập trung của thị trường luôn phản ánh một số động lực nhất định. Khi xét đến sự thống trị hiện tại của chứng khoán Mỹ, động lực rất quen thuộc: các công ty dẫn đầu ở các lĩnh vực mới kiếm được lợi nhuận cao. Đa đạng dạng hóa đầu tư vẫn là chiến lược cần thiết. Nhưng việc đa dạng hóa ngoài các công ty thành công hiện tại có thể là điều mà nhà đầu tư không mong muốn.
Theo The Economist