(KTSG) - Lao dốc mạnh trong tháng 10-2023 khi có quá nhiều thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, thị trường chứng khoán bước sang tháng 11 liệu có khởi sắc hơn? Yếu tố nào có thể là động lực thúc đẩy VN-Index phục hồi trở lại?
- Gần 380.000 tài khoản chứng khoán bốc hơi sau một tháng
- Thị trường chứng khoán Bắc Kinh đang thu hút các nhà đầu tư cá nhân đến chốt lời
Diễn biến tháng 10
Rớt 126 điểm, tương đương gần 11%, VN-Index là một trong những chỉ số giảm mạnh nhất toàn cầu trong tháng 10 vừa qua. Còn nếu tính từ đỉnh cao 1.255 điểm đạt được vào ngày 7-9-2023, VN-Index đã mất 227 điểm, tương đương giảm gần 18%. Mức đóng cửa trong phiên giao dịch cuối tháng 10 tại 1.028 điểm cũng là mức thấp nhất trong bảy tháng qua của chỉ số này. Nhìn lại quá khứ, đây là tháng 10 mà VN-Index có mức giảm mạnh cao thứ 2 kể từ năm 2000 đến nay, chỉ sau mức giảm 23,3% của tháng 10-2008.
Nhiều dự báo trước đó cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ không mấy tích cực trong tháng 10 - thị trường cần thêm thời gian điều chỉnh và thử thách dòng tiền, nhất là khi mùa công bố kết quả kinh doanh quí 3 vừa qua không thể hỗ trợ gì đáng kể cho thị trường, với nhiều doanh nghiệp tiếp tục chứng kiến lợi nhuận suy giảm. Dù vậy, mức giảm mạnh gần 11% của VN-Index là điều khó ai lường trước được.
Thực tế, đà lao dốc của VN-Index chỉ thật sự diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối tháng 10. Ngoài ảnh hưởng do căng thẳng địa chính trị gia tăng, với xung đột quân sự diễn ra tại dải Gaza giữa lực lượng Hamas và quân đội Irsael, tỷ giá vẫn đối mặt áp lực và một số tin đồn trên thị trường đã tác động xấu đến tâm lý nhiều nhà đầu tư. Diễn biến bán tháo ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là về thời điểm cuối phiên, càng khiến thị trường hoảng loạn và liên tục rớt sâu trong những phiên giai đoạn cuối tháng.
Quá khứ cho thấy TTCK Việt Nam thường khả quan trong giai đoạn từ tháng 11 năm này đến tháng 4 năm sau. Thống kê cho thấy chỉ số VN-Index đạt mức tăng bình quân 2,2% trong tháng 11 của 23 năm qua, xếp thứ 4 về hiệu suất sinh lời tính theo tháng trong giai đoạn 2000-2022.
Tuy nhiên, thị trường đang có tín hiệu bật lại từ đầu tháng 11 này. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 1-11, sau khi có lúc rớt 8 điểm, VN-Index về cuối phiên đã đảo chiều thành công và đóng cửa tăng 11,5 điểm. Điểm tích cực là không còn hiện tượng sau 14 giờ thì “mang hàng ra tán” và đạp thị trường chìm sâu như những phiên trước đó, giúp tâm lý các nhà đầu tư ổn định trở lại.
Kế tiếp, trong phiên ngày 2-11, VN-Index đánh dấu ngày tăng mạnh nhất kể từ đầu năm khi vọt 36 điểm để đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày tại 1.075,47 điểm, với 90% cổ phiếu tăng giá, trong đó có 81 mã kịch trần riêng trên sàn HOSE. Đáng lưu ý là thanh khoản gia tăng cùng chiều với điểm số đi lên, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 14.600 tỉ đồng, tăng hơn 12,3% so với phiên trước. Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào nhóm ngành bất động sản, dịch vụ tài chính và ngân hàng, đưa ba nhóm này trở thành động lực dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Chờ nhịp tăng mới
Trước diễn biến này, không ít nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trở lại trong tháng 11 này, theo đó một nhịp tăng mới có thể đang được hình thành. Quá khứ cũng cho thấy TTCK Việt Nam thường khả quan trong giai đoạn từ tháng 11 năm này đến tháng 4 năm sau. Thống kê cho thấy chỉ số VN-Index đạt mức tăng bình quân 2,2% trong tháng 11 của 23 năm qua, xếp thứ 4 về hiệu suất sinh lời tính theo tháng trong giai đoạn 2000-2022.
Các chỉ báo kỹ thuật theo biểu đồ ngày cũng đang phát dấu hiệu về một nhịp phục hồi, đặc biệt là tín hiệu phân kỳ dương ở chỉ báo MACD Histogram, ngầm báo hiệu thị trường có thể đảo chiều tăng trở lại trong ngắn hạn. Chỉ báo sức mạnh tương đối (Relative Strength Index) cũng cho thấy dấu hiệu đi lên trở lại sau khi liên tục nằm ở ngưỡng quá bán trong nửa cuối tháng 10. Điều này có lẽ đã góp phần kích thích các nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật tham gia bắt đáy và đẩy thị trường bật mạnh trở lại trong những phiên đầu tháng 11 này.
Ở các yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục không tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong cuộc họp chính sách diễn ra đầu tháng 11 này đã góp phần giúp nhà đầu tư thêm hứng khởi. Ngay sau quyết định của Fed, chỉ số Dow Jones đã bật tăng 200 điểm, kích thích các TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đi lên mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 2-11. Phiên kế tiếp, Dow Jones vọt hơn 550 điểm khi nhà đầu tư đặt cược khả năng Fed có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất trong năm 2023.
Hồi giữa năm nay, sau đợt tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm vào tháng 7, nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất 1-2 lần nữa trong năm nay. Tuy nhiên, trong hai cuộc họp vừa qua vào tháng 9 và tháng 11, cơ quan này vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 5,5%. Cuộc họp kế tiếp của Fed sẽ diễn ra vào giữa tháng 12 tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi lần họp cuối cùng trong năm nay để tìm kiếm tín hiệu cho chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm tiếp theo.
Về tình hình trong nước, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục tăng tốc vào cuối năm khi đơn hàng cải thiện. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 vừa qua ước đạt 32,31 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,3% so với tháng 9 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, vào tháng 8, nhiều đánh giá của các tổ chức quốc tế cho rằng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy.
Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vẫn diễn tiến khả quan, với tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,76 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng qua, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn FDI giải ngân đạt 18 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu lượng vốn FDI thực hiện cao nhất của 10 tháng trong năm năm qua.
Theo đó, các hoạt động kinh tế dự kiến sẽ khởi sắc hơn trong những tháng tới. Nhiều dự báo gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2024. Một khi các nước phát triển ngừng việc tăng lãi suất và có thể sớm nới lỏng chính sách hơn, nhu cầu đơn hàng có thể tăng trở lại giúp hoạt động thương mại của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ hơn, tạo động lực cho tăng trưởng.
Yếu tố rủi ro lớn nhất mà các nhà đầu tư nên dè chừng và theo dõi chặt chẽ là tình hình chiến sự tại Trung Đông có thể lan rộng sang các nước trong khu vực. Khi đó, không chỉ nguy cơ bất ổn gia tăng và dẫn đến chạy đua vũ trang, mà tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng có thể càng trầm trọng hơn kéo theo áp lực lạm phát gia tăng trở lại, gây khó khăn cho chính sách tiền tệ và đà phục hồi của các nền kinh tế. Dòng vốn cũng có thể chạy trở lại vào các tài sản an toàn, trong khi các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán sẽ bị thất thế.