(KTSG Online) - Các thị trường chứng khoán toàn cầu mất khoảng 3.000 tỉ đô la giá trị vốn hóa trong tháng này khi cùng lúc chứng kiến dữ liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và chi phí vay tăng cao của Mỹ, những yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan nhanh chóng.
- Liệu chứng khoán Mỹ còn động lực sau khi tăng điểm 5 tuần liên tiếp?
- Đà tăng của chứng khoán Mỹ thách thức các chuyên gia dự báo ở Phố Wall
Các chỉ số S&P 500 ở Phố Wall, Stoxx 600 của châu Âu và CSI 300 của Trung Quốc bị thổi bay tổng cộng 2,8 nghìn tỉ đô la, tương đương khoảng 5% tổng vốn hóa, trong ba tuần tính đến ngày 21-8, theo dữ liệu của Refinitiv.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI All-Country World Index đang hướng tới tháng giảm điểm tồi tệ nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Đà giảm giá mạnh của thị trường cổ phiếu toàn cầu tương phản rõ rệt với sáu tháng đầu năm khi các kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm dừng thắt chặt tiền tệ đã đẩy tăng chỉ số Nasdaq Composite ở Phố Wall với tốc độ mạnh nhất so với nửa đầu năm của bất kỳ năm nào trong bốn thập niên qua.
Tuy nhiên, một chuỗi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao của khu vực sử dụng đồng euro khiến các nhà đầu tư phải điều chỉnh lại dự báo của họ về đường đi của lạm phát và lãi suất. Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đình trệ và chật vật phục hồi sau các đợt phong tỏa trong đại dịch Covid-19. Cùng lúc đó, mối lo ngại cũng dâng cao đối với với lĩnh vực bất động sản rộng lớn của nước này.
Mike Zigmont, người đứng đầu bộ phận giao dịch và nghiên cứu tại Harvest Volatility Management, nhận định tin xấu từ Trung Quốc, tâm lý bi quan, và “vòng xoáy của những tiêu cực khác” góp phần thúc đẩy làn sóng bán tháo các tài sản rủi ro.
Ông cho rằng, chỉ số S&P 500 giảm mạnh là điều hợp lý sau khi rơi vào tình trạng quá mua vào cuối tháng 7.
Theo Emmanuel Cau, giám đốc chiến lược vốn cổ phần châu Âu tại ngân hàng Barclays, những lo ngại xuất hiện nhanh trên thị trường đang thách thức sự kỳ vọng quá mức về kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ và làm tổn hại đến mức định giá cổ phiếu.
Lợi suất trái phiếu chính phủ ở cả hai bờ Đại Tây Dương tăng vọt trong những tuần gần đây, càng gây sức ép lên giá trị cổ phiếu.
Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ điều chỉnh theo lạm phát, thước đo cơ bản về chi phí vay tiền của doanh nghiệp, đạt mức cao nhất trong 14 năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và giá cổ phiếu của họ.
Tại Mỹ, năng lượng là lĩnh vực duy nhất tăng điểm trong tháng 8. Cổ phiếu công nghệ là một trong những lực cản lớn nhất trên thị trường Mỹ. “Bộ bảy vĩ đại”, gồm cổ phiếu của 7 công ty Amazon, Apple, Microsoft, Meta, Nvidia, Tesla và Alphabet, đã thúc đẩy thị trường phục hồi trong 7 tháng đầu năm nhưng tất cả đều giảm giá liên tục trong ba tuần vừa qua.
Giá cổ phiếu của Apple, công ty lớn nhất trong số 7 công ty nói trên, đã giảm khoảng 10% trong tháng này. Trong khi Tesla chứng kiến cổ phiếu giảm giá 13%. Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Nvidia khi hãng chip báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 vào hôm 23-8 theo giờ Mỹ.
Theo Reuters, hiện kỳ vọng đối với Nvidia, công ty hưởng lợi lớn nhất trong cơn bùng nổ đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI), rất cao, với ít nhất 10 nhà phân tích nâng giá mục tiêu cho cổ phiếu Nvidia vào tuần trước.
Stuart Kaiser, người đứng đầu chiến lược giao dịch cổ phiếu tại ngân hàng Citi, cho biết tháng 8 là tháng “xấu” của thị trường chứng khoán. Ông nói tâm lý thị trường đã thay đổi nhanh trong những tuần vừa qua và “chứng khoán không thích điều đó”.
Đối với một số nhà phân tích, sự thoái lui là dấu hiệu của một thị trường lành mạnh.
“Thị trường đang sáng suốt, thay vì tạo cơ hội thuận lợi hoàn toàn cho Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn). Tôi cảm thấy lo lắng khi các nhà đầu tư cùng mua những cổ phiếu trong một lĩnh vực”, Quincy Krosby, giám đốc chiến lược toàn cầu của nhà môi giới LPL Financial, nói.
Nhưng những vấn đề dai dẳng là các khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc và mối lo ngại rằng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Điều này sẽ tiếp tục làm nản chí nhà đầu tư.
Các nhà phân tích ngày càng lo lắng về triển vọng u ám của chứng khoán Trung Quốc do Bắc Kinh không thực hiện đúng cam kết đưa ra vào cuối tháng 7 nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng.
“Cái giá của việc trì hoãn chính sách và những bước đi sai lầm ở Trung Quốc đang gia tăng”, Xinchen Yu, nhà chiến lược thị trường mới nổi tại ngân hàng UBS, nói và cho biết thêm Bắc Kinh cần thực hiện biện pháp mạnh mẽ trong vòng vài tuần tới nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm nay.
Các nhà đầu tư bi quan hơn về châu Âu và Trung Quốc so với Mỹ. Morgan Stanley dự kiến chứng khoán châu Âu sẽ giảm 10% trong mùa hè, do lãi suất cao hơn và điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đè nặng lên người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp. Sự phụ thuộc nặng nề của doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Trung Quốc cũng gây ra rủi ro lớn hơn.
“Hiện tại, niềm tin là yếu tố quyết định ở Trung Quốc. Tâm lý thị trường đang chùng xuống, vì vậy, bất kỳ hình thức hỗ trợ chính sách nào cũng sẽ tích cực. Nhưng nếu đó chỉ là biện pháp nhất thời thì có thể không thay đổi nhiều. Chúng ta cần thấy Trung Quốc đưa ra một loạt các hành động hỗ trợ chính sách và định hướng rõ ràng hơn”, Minyue Liu, chuyên gia đầu tư tại BNP Paribas Asset Management, nói.
Dù các chỉ số kinh tế vẫn mạnh ở Mỹ, một số nhà quản lý tài sản nhận thấy rủi ro rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn rốt cục sẽ gây tổn hại cho tăng trưởng, làm tổn thương thêm thị trường cổ phiếu.
Brent Schutte, giám đốc đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management Company, cho biết các chính sách của Fed sẽ khiến chi tiêu giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng, đẩy nền kinh tế vào suy thoái nhẹ.
Ông nói thêm: “Suy thoái kinh tế sẽ giống như một tấm chăn ướt dập sức nóng của thị trường chứng khoán”.
Theo Financial Times