Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyện đạo văn

Nguyễn Lương Sỹ(*) - Lê Vũ Vân Anh(**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Câu chuyện một thầy giáo bị tố “đánh tráo” tác phẩm của một học sinh cho học sinh khác để người này giành giải cao ở một cuộc thi quốc tế đã rõ trắng đen, giải bị hủy và dường như đã lắng xuống đâu đó sau đôi ba tuần lễ. Dù vậy, nỗi ngán ngẩm cho hành vi của nhân vật trong câu chuyện vẫn neo ở đó trong tâm trí của nhiều người. Vì đâu mà những lùm xùm về trí tuệ và đạo đức thầy trò cứ mỗi năm đến hẹn lại lên, như một vòng luẩn quẩn không hồi kết?

Chuyện chưa cũ bao giờ

Đạo văn vốn đã là vấn nạn muôn thuở. Đạo văn thậm chí còn làm lung lay các giá trị đạo đức nếu thầy cô giáo lại là người bị vướng vào nghi vấn “ăn cắp chất xám” của học trò. Đáng buồn là những câu chuyện như trên không hề xa lạ; có chăng là vụ việc có bị đưa ra phơi bày trước công luận hay không. Căn bệnh trầm kha này diễn ra từ cấp độ thấp đến cả cấp bậc cao nhất của hệ thống khoa học.

Chẳng hạn, năm 2018, một giáo sư, viện trưởng, thành viên hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ bị chính học viên của mình tố đạo văn từ luận án mà ông là người hướng dẫn. Vụ việc còn lên đến cao trào khi một số giáo sư trong hội đồng cũng xác nhận nhiều uẩn khúc liên quan đến chất lượng khoa học từ các công trình mà người này thực hiện(1).

Mặc cho lùm xùm đã dấy lên từ tận 2002, trải qua gần hai thập kỷ, và thậm chí Phó thủ tướng Chính phủ khi ấy cũng phải vào cuộc chỉ đạo làm rõ, chẳng hiểu sao câu chuyện vẫn không có kết luận cuối cùng. Đây cũng gần như là ngõ cụt chung của hầu hết các vụ việc tố cáo về đạo văn ở nước ta. Hết chuyện thầy đạo văn trò, lại đến nghi vấn thầy… cho trò đạo văn?

Chuyện là về cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học hàng năm, từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Khi nhìn vào danh sách các đề tài đạt giải, người ta không khỏi băn khoăn, không lẽ học sinh cấp 2, 3 ở Việt Nam đã tiệm cận với trình độ khoa học nhân loại?

Thật vậy, nếu chỉ đọc các tên đề tài như “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày…”, “Thiết bị hỗ trợ phục hồi nhóm cơ vận động và hệ giác quan cho trẻ bại não”, “Robot phân phối viên nang cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp”, chắc hẳn ai cũng nhầm tưởng đó phải tầm cỡ đề tài cấp bộ, hay luận án tiến sĩ.

Đã có nhiều người trong cuộc lên tiếng chỉ trích về sự biến tướng của một cuộc thi ý nghĩa, đến mức nếu không phải là giáo viên (hoặc thậm chí chuyên gia cao cấp hơn) cầm tay chỉ việc, dự án đi thi chưa nộp hồ sơ cũng biết rớt. Biến học sinh thành thiên tài bất đắc dĩ để chạy theo hư danh không chỉ làm xói mòn đạo đức, liêm chính khoa học, mà còn đặt ra những rủi ro pháp lý về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tranh chấp về đồng tác giả, hay thậm chí việc phân chia và hưởng tiền thù lao nếu “chẳng may” một nghiên cứu khoa học nói trên được thương mại hóa.

Chuyện… chưa kết luận bao giờ

Quay trở lại câu chuyện đạo văn, như đã nói, những lùm xùm đạo văn đến hẹn lại lên, ầm ĩ trên khắp các phương tiện truyền thông trong chốc lát rồi cũng dần trôi vào quên lãng. Thực trạng này một phần xuất phát từ những khó khăn dưới góc độ pháp lý. Kết luận hành vi đạo văn, tưởng dễ nhưng lại khó vô cùng.

Dễ đó là với hành vi đạo văn một cách trắng trợn, sao chép nguyên xi toàn bộ hoặc phần lớn tác phẩm của người khác. Nhưng nhiều hành vi đạo văn lại diễn ra tinh vi hơn, góp nhặt nơi này nơi kia, chỉnh sửa đôi chút về câu từ, và tất nhiên là “quên” trích dẫn nguồn.

Trường hợp này sẽ khó đưa ra được kết luận, bởi cần biết rằng quyền tác giả chỉ bảo hộ cho hình thức thể hiện, không bảo hộ cho ý tưởng. Vậy nên, cùng một ý tưởng mà có cách thể hiện khác nhau thì vẫn được xem là hai tác phẩm độc lập. Mà tri thức khoa học suy cho cùng cũng là ý tưởng, không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai.

Kể cả khi kết luận được hành vi đạo văn, pháp luật Việt Nam không có các chế tài thích hợp để xử lý triệt để vấn đề này, ngoài các phương thức xử lý kỷ luật theo quy chế nội bộ của đơn vị. Về bản chất, quyền sở hữu trí tuệ không phải là quyền sở hữu đúng nghĩa, mà thực ra là một dạng quyền phủ định (negative), cho phép chủ sở hữu ngăn chặn người khác thực hiện các hành vi xâm phạm đến thành quả sáng tạo của mình. Sao chép quyền tác giả có thể gây thiệt hại tinh thần hoặc vật chất, nhưng không tước đoạt trạng thái chiếm hữu của một người đối với tài sản trí tuệ của họ.

Nói cách khác, hai hoặc nhiều người cùng có thể khai thác một tác phẩm mà không làm xói mòn đến tác phẩm đó. Điều này hoàn toàn khác với tài sản hữu hình. Nếu A và B chỉ có một quyển sách, việc A sử dụng quyển sách này sẽ loại trừ việc sử dụng của B. Tuy nhiên, nếu A có ý tưởng viết ra một cuốn sách, điều này không loại trừ việc B phát triển một ý tưởng tương tự.

Cũng chính bởi vậy, việc so sánh hành vi đạo văn với hành vi trộm cắp tài sản là khập khiễng; mặc dù về mặt tác động xã hội, hành vi đạo văn đáng bị lên án và xử lý mạnh tay hơn nhiều vụ án ngớ ngẩn ngoài thực tiễn.

Trong một vụ việc hiếm hoi mà cơ quan chức năng đưa ra được kết luận, kết luận đó sau cùng lại bị hủy bỏ. Đó là vụ việc liên quan đến quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế vì lý do sao chép 52,5/159 trang của luận án. Tuy nhiên, khi ông Quế kiện ra tòa, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên xử quyết định nói trên là trái pháp luật.

Theo đó, hình thức xử lý thu hồi bằng tiến sĩ không được pháp luật quy định; còn hành vi sao chép thì phải kỷ luật, hoặc xử phạt hành chính(2). Nhưng xử phạt hành chính đối với đạo văn cũng vô cùng vướng mắc nếu đặt trong bối cảnh sao chép tinh vi (không phải sao chép nguyên văn) như đã đề cập ở trên.

Hiện nay, Việt Nam không có quy định xử phạt đối với hành vi không trích dẫn nguồn. Trong trường hợp “đạo văn” ngược, chẳng hạn như thầy viết hộ trò để dự thi, quy định xử phạt về nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả có thể được vận dụng.

Tuy nhiên, trong phạm vi hiểu biết của người viết, chưa có trường hợp đạo văn nào bị xử lý bằng biện pháp hành chính.

Chuyện không của riêng “ta”

Không phải chỉ ở Việt Nam mà hành vi đạo văn cũng không phải là vấn đề ngoại lệ ở các nước phương Tây. Năm 2021, Bộ trưởng Gia đình Đức - bà Franziska Giffey - nộp đơn từ chức vì những ồn ào liên quan đến cáo buộc về luận án tiến sĩ của bà năm 2010. Nền tảng giám sát học thuật VroniPlag đã khẳng định rằng khoảng 49 trong số 265 trang luận án của bà Giffey có các trích dẫn không được ghi nguồn và sao chép từ các tác phẩm khác.

Đại học Tự do Berlin, nơi cấp bằng tiến sĩ cho bà đã thu hồi bằng tiến sĩ của Giffey sau đó(3). Trước Giffey, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg và Bộ trưởng Giáo dục Đức Annette Schavan cũng từng bị buộc phải từ chức vào năm 2011 và 2013 do các cáo buộc đạo văn.

Gần đây nhất, một giáo sư Đại học Cambridge (Anh) về lịch sử cận đại đã bị buộc tội sao chép một bài tiểu luận của sinh viên và sử dụng nó trong một nghiên cứu khoa học xuất bản trên tập san Lịch sử Áo-Mỹ vào năm 2018. Việc đạo văn được phát hiện vào năm 2021 khi sinh viên nói trên tình cờ đọc được bài nghiên cứu. Người này ngay lập tức báo với nhà trường và cung cấp bằng chứng rằng vài trang của bài nghiên cứu copy y hệt hai bài luận của mình.

Tuy nhiên, sau hai năm điều tra, bất chấp hành vi đạo văn, vị giáo sư này vẫn được giữ lại trường sau khi hội đồng kỷ luật nhà trường kết luận rằng việc đạo văn của ông là “sản phẩm của hành vi cẩu thả nhưng không cố ý”(4). Đáng tiếc là, hội đồng không cho biết dựa trên cơ sở nào để kết luận hành vi của giáo sư là vô tình. Hậu quả duy nhất mà vị giáo sư này phải gánh chịu đó là việc bài báo đã bị rút khỏi tập san với ghi chú cho biết, tài liệu trong bài báo “được trình bày mà không ghi nguồn”.

Từ ta đến tây, đạo văn là một khối ung nhọt khó chữa. Nhưng ít nhất cũng có dấu hiệu cho thấy rằng, đối với nhiều nước phương Tây, hành vi đạo văn là một đòn chí mạng kết liễu sự nghiệp học thuật, chính trị của một giảng viên hay một chính trị gia. Còn tại Việt Nam, các vụ việc cứ như những cơn sóng biển, chưa kịp vào bờ đã vỡ tan thành bọt. Chưa bàn đến góc độ pháp lý, bất kỳ nghi vấn nào về học thuật cũng cần được giải quyết triệt để bằng các hình thức minh bạch. Bởi lẽ, mọi nền khoa học đều phải đi lên trên con đường liêm chính, chứ không phải là ảo tưởng hư danh.

(*) Thạc sĩ luật giảng viên trường Đại học Luật, Đại học Huế.

(**) Giảng dạy môn Luật SHTT, khoa Luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

 (1)“Trở lại vụ ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn vẫn được phong Giáo sư: Vấn đề liêm chính khoa học chứ không phải tranh chấp bản quyền, chia nhuận bút!” (Người đưa tin, 2019) https://www.nguoiduatin.vn/tro-lai-vu-ong-nguyen-duc-ton-dao-van-van-duoc-phong-giao-su-van-de-liem-chinh-khoa-hoc-chu-khong-phai-tranh-chap-ban-quyen-chia-nhuan-but-a419557.html

(2) Ông Hoàng Xuân Quế thắng kiện cựu Bộ trưởng Giáo dục (Vnexpress, 2018) https://vnexpress.net/ong-hoang-xuan-que-thang-kien-cuu-bo-truong-giao-duc-3854189.html

(3) “German family minister quits over plagiarism scandal” (DW, 2021) https://www.dw.com/en/germany-family-minister-giffey-quits-amid-plagiarism-scandal/a-57580334

(4) “Cambridge professor remains in post despite plagiarism” (Financial Times, 2023) https://www.ft.com/content/ae7f16ae-95ab-4aae-a676-0748e3e61b6d

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới