Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi tư duy là ‘lực đẩy’ giúp nông nghiệp lập kỷ lục

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Năm 2022, ngành nông nghiệp một lần nữa lại lập kỷ lục mới về xuất khẩu, với hơn 53 tỉ đô la Mỹ, vượt mục tiêu Chính phủ giao. Đây là kết quả đáng khích lệ của ngành nông nghiệp cả nước nói chung và ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, thể hiện cho việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đang dần định hình rõ nét hơn.

Xung quanh câu chuyện nêu trên, KTSG Online đã có cuộc phỏng vấn với TS Trần Hữu Hiệp, một chuyên gia kinh tế ở ĐBSCL.

TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ĐBSCL. Ảnh: CTV

Bước chuyển từ “lượng” sang “chất” rõ hơn

KTSG Online: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra con số xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2022 đạt kỷ lục trên 53 tỉ đô la Mỹ, vượt mục tiêu Chính phủ giao hồi đầu năm. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

TS Trần Hữu Hiệp: Trước khi đánh giá con số xuất khẩu nông sản cũng như phân tích về nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tôi muốn nhìn bức tranh tổng thể về kinh tế của vùng trong năm 2022.

Sau hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có ĐBSCL đã bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Thậm chí, riêng vùng ĐBSCL còn chịu tác động không nhỏ bởi hạn mặn, tuy người dân đã có sự chủ động ứng phó nên ít thiệt hại hơn nhưng cũng bị tác động rất lớn.

Dù chịu tác động khá nặng nề nhưng kinh tế của ĐBSCL đã có những “điểm sáng” đáng ghi nhận, đặc biệt là từ cuối năm 2021 đến năm 2022.

Đầu tiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của hầu hết các địa phương trong vùng đều vượt hơn kỳ vọng. Trong đó, ở tốp 10 tỉnh, thành tăng trưởng cao của cả nước, có sự góp mặt của nhiều địa phương ở khu vực này.

Điểm sáng thứ hai là nông nghiệp có đóng góp đáng kể cho quốc gia, mà cụ thể năm 2022 xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục 53,22 tỉ đô la Mỹ, vượt cả mục tiêu 50 tỉ đô la do Chính phủ giao. Trong đó, khu vực ĐBSCL gần như đóng vai trò chủ lực với các sản phẩm chính như lúa gạo đạt gần 4 tỉ đô la Mỹ, thuỷ sản vượt 11 tỉ đô la Mỹ.

Mặt được lớn hơn, đó là không chỉ tăng về sản lượng hay kim ngạch xuất khẩu mà ngành nông nghiệp đang có bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ lượng sang chất nhằm tăng giá trị. Tư duy này ngày càng được định hình rõ hơn.

Ngành nông nghiệp cũng đã tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại thế hệ mới để vào các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản… Trong đó, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu lúa gạo sang Mỹ đã tăng 65,6% về lượng và 63,3% về giá trị trong 11 tháng đầu năm 2022; tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu đã không còn tái diễn trong dịp Tết năm nay.

Tất cả những điều đó cho thấy, nông nghiệp đang có bước chuyển. Người nông dân không chỉ sản xuất mà bước đầu đã “bắt” được những tín hiệu của thị trường và ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều hơn. Ý thức hợp tác của người nông dân cũng được nâng lên khi tự nguyện liên kết, hợp tác thành hợp tác xã, doanh nghiệp. Con em nông dân học hành rồi quay về quản lý công việc gia đình cũng nhiều hơn.

Rõ ràng, những chuyển ở đây không chỉ nhìn từ bề nổi là đầu ra của xuất khẩu nông sản mà đang chuyển từ khâu sản xuất, từ ứng dụng công nghệ và chuyển từ ý thức tổ chức hợp tác cho các ngành hàng.

Thêm vào đó, một sự chuyển biến đáng khích lệ nữa là tính thích ứng của việc bố trí cây trồng, vật nuôi cũng phù hợp hơn. Cụ thể, nếu như trước đây thứ tự ưu tiên là lúa gạo, trái cây và thuỷ sản thì bây giờ là thuỷ sản, trái cây và lúa gạo. Lúa gạo không mất đi vai trò quan trọng mà được cơ cấu theo hướng ít hơn về lượng nhưng giá trị không ít hơn.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Doanh nghiệp nội tạo “kỳ tích” xuất khẩu nông sản

KTSG Online: Trong bức tranh xuất khẩu chung của cả nước, khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm ưu thế nhưng với ngành nông nghiệp của ĐBSCL thì doanh nghiệp nội địa lại giữ vai trò chủ đạo. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Đó là một trong những khác biệt của các nhóm hàng trong giá trị xuất khẩu. Trong tổng thể kim ngạch xuất khẩu của cả nước, các mặt hàng như điện tử, may mặc chiếm giá trị lớn mà các doanh nghiệp FDI lại nắm vai trò chủ lực trong những mặt hàng này. Vì vậy, có thời điểm tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI chiếm trên 70%.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐBSCL thì lại khác, phần lớn đến từ các doanh nghiệp trong nước (kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản có khoảng 92-95% do doanh nghiệp trong nước tạo ra- PV). Điều này có tính hai mặt, một mặt là doanh nghiệp trong nước tạo ra giá trị là đúng theo định hướng khuyến khích. Mặt khác cho thấy, việc thu hút đầu tư FDI của ĐBSCL còn hạn chế.

Vì vậy, trong việc hoạch định chính sách kêu gọi đầu tư, khu vực này cần khuyến khích FDI vào những ngành đòi hỏi công nghệ cao, hỗ trợ cho thế mạnh nông nghiệp của ĐBSCL và tạo môi trường đầu tư tốt cho doanh nghiệp.

Thay đổi để loại bỏ “sức ì” trong cạnh tranh nông sản

KTSG Online: Bên cạnh những điểm sáng, ngành nông nghiệp vẫn còn những “nút thắt”? Theo ông, cần làm gì để tháo gỡ những "nút thắt" này?

Điểm sáng tôi vừa nói là một bước chuyển về tư duy và cách tiếp cận đúng nhưng vẫn còn những thách thức rất lớn ngành nông nghiệp vùng đồng bằng vươn mình mạnh mẽ hơn.

Nếu nhìn về nông nghiệp và thuỷ sản, khu vực này vẫn còn thách thức lớn về đầu vào. Cụ thể, nếu như trước đây ĐBSCL có lợi thế về tài nguyên đất và nước thì hiện tại phải đối mặt với sự khan hiếm, thiếu hụt nguồn nước sông Mê Kông, tạo ra những tác động rất lớn cho nông nghiệp của vùng.

Vì vậy, phải có sự chuyển dịch phù hợp về cách thức sản xuất khi đầu tư phát triển nông nghiệp, thuỷ sản. Chẳng hạn, việc dụng nước sẽ không còn thoải mái như trước mà phải bố trí cho hiệu quả và tiết kiệm.

Mặt khác, đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tuy có chuyển biến tốt về khả năng đáp ứng nhưng giá thành của việc sử dụng vật tư nông nghiệp như phân, thuốc còn quá lớn, là gánh nặng tạo ra “sức ì” về cạnh tranh của nông sản.

Sự dịch chuyển của nông sản dù đang có bước chuyển trong áp dụng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhưng cần phải đẩy nhanh hơn để không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu đòi hỏi cao về chất lượng mà còn là thị trường trong nước.

Kế đến, trong quá trình sản xuất bài toàn liên kết cần được làm mới hơn. Chẳng hạn, trong ngành lúa gạo, mô hình cánh đồng lớn cần phải chuyển sang giai đoạn khác. Nếu trước đây chỉ là cánh đồng vật lý thì bây giờ phải thay đổi, không chỉ là không gian vật lý mà phải được tích hợp các giá trị, tức là phải đưa yếu tố công nghệ, số hoá vào đồng ruộng, xây dựng thương hiệu hạt gạo, tổ chức liên kết để thật sự mang lại giá trị chứ không phải cánh đồng lớn là được. Đó là những vấn đề cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Cần một chương trình về vốn và công nghệ để hỗ trợ cho ngành nông, thuỷ sản phát triển tiếp. Ảnh: Trung Chánh

 Cần chương trình thúc đẩy công nghệ và vốn cho doanh nghiệp

KTSG Online: Như vậy, cần phải làm gì cho ngắn hạn trong năm 2023 và dài hạn sau này, thưa ông?

Theo tôi, trong tầm nhìn dài hạn thì đã rõ, tức phải chuyển đổi mô hình phát triển và tư duy phát triển mới.

Tuy nhiên, với năm 2023 thì phải nhìn từ cơ hội lẫn thách thức. Trong đó, cơ hội là cần tiếp tục phát huy những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trong thực thi chính sách “zero Covid-19”.

Trung Quốc mở cửa là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam nhưng để khai thác hiệu quả thị trường này thì cần phải làm ăn bài bản, xuất khẩu chính ngạch, chứ không thể suy nghĩ theo lối mòn đây là thị trường dễ tính.

Trong năm nay, thị trường thế giới vẫn chịu thách thức bởi tác động của lạm phát, kinh tế chững lại, có thể đến nửa đầu năm 2023 chưa phục hồi được nhưng vẫn có những thị trường ngách có tiềm năng mà vùng có thể tập trung khai thác.

Thị trường nội địa cũng là cơ hội cho ngành nông nghiệp vì Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có thị trường bán lẻ năng động nhất thế giới.

Tuy nhiên, dù khai thác thị trường nào thì thách thức vẫn là vốn và công nghệ cho doanh nghiệp và nông dân ở ĐBSCL. Do đó, chính sách thúc đẩy cần có là một chương trình tín dụng hoặc đổi mới công nghệ cho vùng vì muốn tiếp đà tăng, phát huy hơn nữa lợi thế thì cần phải “bơm” tiếp để tạo lực đẩy. Nhiều doanh nghiệp, thậm chí những tập đoàn thuỷ sản lớn cũng đang thiếu vốn.

Chính vì vậy, cần nghiên cứu 1-2 chương trình cho ĐBSCL để hỗ trợ ở hai lĩnh vực là khuyến khích đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ mới mang tính thiết thực nhất và vốn cho doanh nghiệp.

KTSG Online: Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới