Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia hiến kế cho Khu Công nghệ cao TPHCM thu hút nhân tài

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiều ngày 11-5, trong buổi làm làm việc của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa với Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), nhiều chuyên gia đề xuất, để SHTP phát triển hơn nữa, cần áp dụng trở lại cơ chế "một cửa" trong quản lý và kích hoạt chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân để thu hút nhân tài vào làm việc tại đây.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (đứng) phát biểu tại buổi làm việc tại SHTP vào chiều ngày 11-5. Ảnh: Lê Hoàng

Theo ông Nguyễn Anh Thi, bên cạnh những kết quả quan trọng về thu hút đầu tư, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước, SHTP đã hình thành nên những hệ sinh thái ngành mạnh và những cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ làm tiền đề cho sự phát triển của khu ở giai đoạn tiếp theo.

"Khu Công nghệ cao xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước", ông Thi nói.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất và hiến kế về việc thu hút và trọng dụng đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học... để phát triển SHTP.

Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Trưởng ban quản lý SHTP, cơ chế quản lý khu công nghệ cao hiện nay dường như “cái áo mặc đã quá chật”, cần phải có sự đổi mới trong khâu quản lý. Chẳng hạn, khi mới thành lập, với cơ chế một cửa, các công việc ở khu công nghệ cao được quyết rất nhanh. Tuy nhiên hiện nay, nhiều việc phải xin phép rất phiền hà. "Thậm chí còn xin các bộ, ngành vì Trung ương đang quản lý các khu công nghệ cao", ông nói.

Cũng theo ông, việc thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc ở khu công nghệ cao hiện chưa hiệu quả vì thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Vì vậy, cần có chính sách mở, cho phép có thu nhập vượt trội theo hiệu quả công việc.

“Trong cơ chế thu hút nhân tài, theo tôi, cần thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia trong 5 năm và nhiều hơn nữa thì mới có thể thu hút được đội ngũ này làm việc trong khu công nghệ cao và cả cho TPHCM”, ông Trực đề xuất.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để thu hút nhân tài, khu công nghệ cao cần có cơ chế tốt để những người này yên tâm làm việc. Ngoài ra, nhà nước cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cho rằng, trong thời gian tới, khu công nghệ cao cần xác định khâu đột phá và lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn để phát triển.

Ông lưu ý, điện tử và vi mạch bán dẫn là lĩnh vực được Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước phát triển rất quan tâm... Vì thế, các cơ quan quản lý cần quan tâm chiến lược phát triển trong các khu công nghệ cả trên cả nước nói chung và SHTP nói riêng. Với Khu Công nghệ cao TPHCM, chiến lược này cần gắn liền với Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù của thành phố và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, khu công nghệ cao thu hút được 160 dự án. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm tăng dần hàng năm, trong đó năm 2022 đạt 23 tỉ đô la Mỹ và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỉ đô la. Đến cuối năm 2022, tổng lao động trong các dự án khu công nghệ cao là gần 52.000 người.

Tính đến nay, số lượng chuyên gia khoa học công nghệ người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp tại SHTP khoảng trên 570 người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới