(KTSG Online) – Cần sớm chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo công cụ số cho doanh nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích hoặc chương trình đào tạo, qua đó tránh việc doanh nghiệp bỡ ngỡ, bất ngờ trước những khó khăn phát sinh trong quá trình chuyển đổi số.
- Hơn 90% doanh nghiệp chưa nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số
- Chuyển đổi số để tạo hệ sinh thái cho kinh tế nông nghiệp
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là vấn đề sống còn với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng hoạt động này tại Việt Nam mới chỉ ở phần nhận thức, chưa đi vào ứng dụng thực tế.
Doanh nghiệp Việt chưa ‘mặn mà’ với chuyển đổi số
Ông Nguyễn Trọng Đường, chuyên gia về chuyển đổi số thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho biết có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên Cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ TTTT. Nhưng chỉ khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của Chương trình để chuyển đổi số - chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.
Ngoài ra, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (Cổng DBI – PV) sau 1 năm tính từ thời điểm Bộ TTTT ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp vào cuối năm 2021. Chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp, thực hiện tư vấn đánh giá.
Tương tự, khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho thấy hơn 92% doanh nghiệp tại Việt Nam đã có sự quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chỉ có gần 10% doanh nghiệp nhận định rằng việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp.
Với nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả khảo sát cho biết thực trạng đổi mới sáng tạo và ứng khoa học công nghệ để chuyển đổi số còn chưa cao khi hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.
Với các doanh nghiệp ngành công thương, kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) do Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy mức độ chuyển đổi số tại doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất.
Những hạn chế, khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình Chuyển đổi số bao gồm: hạn chế về nhận thức, nhân lực triển khai Chuyển đổi số; hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường; hạn chế về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai chuyển đổi số; hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thức đẩy chuyển đổi số, bao gồm: chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán cũng như hạ tầng kết nối.
Chú trọng tới yếu tố con người
Để doanh nghiệp thực sự “chuyển mình” nhờ chuyển đổi số, ông Nguyễn Trọng Đường cho rằng doanh nghiệp, trước hết, cần biết mình đang ở đâu trên hành trình chuyển đổi số.
Theo ông Đường, phần lớn doanh nghiệp vẫn còn ngại vào Cổng BDI để đo lường mức độ chuyển đổi số. Với các doanh nghiệp thực hiện đo lường, điểm do doanh nghiệp tự chấm chỉ có độ chính xác khoảng 60% do barem điểm được xây dựng chung cho tất cả các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề các nhau. Điều này khiến các doanh nghiệp cảm thấy kết quả “đúng một chút nhưng không hoàn toàn chính xác".
Vì vậy, chuyên gia này khuyến nghị doanh nghiệp thuê chuyên gia tư vấn để xây dựng barem chính xác để phù hợp với từng ngành nghề để có mức điểm sát với thực tiễn của từng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó chủ tịch VINASA, cho rằng việc chuyển đổi số cần được tổ chức thực hiện trong doanh nghiệp, từ hoạt động chỉ đạo của các lãnh đạo doanh nghiệp đến việc thay đổi của các bộ phận chuyên môn.
“Khi chuyển đổi số, văn hóa kinh doanh, quy trình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp”, bà Giang nói tại một diễn đàn tổ chức cách đây ít ngày.
Tương tự, bà Bùi Thanh Hằng, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng chuyển đổi số không phải chỉ là nền tảng đưa lên để doanh nghiệp truy cập vào đó, mà cần đi từ vấn đề hạ tầng, thay đổi tư duy và nhận thức.
“Nhà nước hay các hiệp hội không thể nỗ lực làm thay cho doanh nghiệp, mà chính bản thân doanh nghiệp phải thấy được tác động của chuyển đổi số tới khả năng cạnh tranh của chính mình trên thị trường”, bà Hằng nói.
Với yếu tố con người, bà Hằng cho rằng đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong công tác chuyển đổi số. Để nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mới, cần chuẩn bị cho doanh nghiệp qua hoạt động đào tạo, để khi bắt tay vào công việc, họ không bị bỡ ngỡ trước những khủng hoảng.
“Năm 2023, chúng tôi cũng sẽ thí điểm với những khóa học đầu tiên tập trung ở một số lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và có thể đưa một số công nghệ vào. Trong đó, sẽ học hỏi những kinh nghiệm trên thế giới, từ các kinh nghiệm đã được học hỏi sẽ tập trung những phương pháp học trực tuyến, liên kết với một số các doanh nghiệp của Việt Nam để đưa người học đến thực hành trực tiếp ở Việt Nam.”, bà Hằng chia sẻ.
Còn ông Trần Đức Quyết, Giám đốc phát triển đối tác của Công ty TNHH Cốc Cốc, nhận định quá trình chuyển đổi số không thể thiếu người dùng số.
Theo ông Quyết, thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) dùng điện thoại với mục đích nhắn tin và giải trí phong phú, khác với Gen Y (sinh từ năm 1981 đến 1996) dùng điện thoại cho các tác vụ kết nối và thông tin. Cụ thể, khảo sát của Cốc Cốc cho thấy có 62% người dùng của thế hệ Gen Z đang dùng đa thiết bị với những vai trò khác nhau như điện thoại, máy tính để giải trí và mua sắm.
Ngoài ra, có 47% người dùng số đang mua sắm trực tuyến và thanh toán phi tiền mặt. Phần lớn người dùng trong số này sử dụng phương thức thanh toán hiện đại như thanh toán qua điện thoại, ví điện tử, thẻ nội địa, thẻ tín dụng.
“Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần có phương án tiếp cận đối tượng người dùng số trên không gian này. Đánh giá của Cốc Cốc trên 9 ngành hàng cho thấy, kênh quảng cáo trực tuyến được đánh giá là điểm chạm truyền thông số một”, ông Quyết nói.
Dẫn chứng trường hợp nhãn hàng Halida cho phép người dùng tương tác với quảng cáo trên kênh trực tuyến để tìm hiểu được nhu cầu của khách hàng khi ra mắt sản phẩm mới, ông Quyết cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng ba yếu tố: dịch chuyển sang các kênh trực tuyến; tiếp cận người dùng số; thấu hiểu người dùng.
Đồng quan điểm, ông Bùi Hải Hà, Giám đốc Trung tâm CNTT của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT, cũng nhấn mạnh “khả năng tiếp cận được yêu cầu của khách hàng nhanh nhất” khi nhắc tới câu chuyện Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu.
Cụ thể, năm 2022, FPT Long Châu đầu tư hệ thống bán hàng mới thay thế cho toàn bộ hệ thống bán hàng trước đó theo hướng tất cả tính năng của ứng dụng bán hàng đều được thực hiện theo yêu cầu của dược sĩ và khách hàng thay vì tập trung vào việc xây dựng hệ thống bán hàng thế nào và doanh thu của nhân viên bán hàng ra sao.
“Điều này giúp hệ thống bán hàng mới có khả năng tiếp cận được yêu cầu của khách hàng nhanh nhất”, ông Hà cho biết.
Bên cạnh những yếu tố trên, ông Nguyễn Ngọc Khiêm, Phó Viện trưởng Viện tin học Doanh nghiệp, VCCI, đề xuất sớm xần xây dựng, chia sẻ dữ liệu quốc gia và coi đây như "tài sản chung", thay vì thuộc sở hữu riêng của bất kỳ ngành, lĩnh vực nào. Đây là cơ sở để doanh nghiệp phân tích, lập chiến lược hoặc kế hoạch kinh doanh.
Ngoài ra, cần đặt vấn đề bảo mật thông tin thành ưu tiên hàng đầu.
“Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách khuyến khích hoặc chương trình đào tạo cho doanh nghiệp về bảo mật thông tin, dữ liệu, giúp họ yên tâm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số”, ông Khiêm nói.