Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có ai mua cảng biển không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có ai mua cảng biển không?

Quang Chung

Có ai mua cảng biển không?
Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) – Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa được Thủ tướng phê duyệt, từ nay đến năm 2014, các cảng cấp 1 thuộc sở hữu nhà nước như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sài Gòn, Quy Nhơn… sẽ phải cổ phần hóa – bán một phần vốn từ 25-49%.

Bán một phần cảng biển

Triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015, giữa tháng 3-2013, Vinalines đã chọn cảng Quy Nhơn là cảng đầu tiên thực hiện cổ phần hóa trong hệ thống cảng biển của Vinalines, với phương án Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ, theo ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Vinalines.

Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Cảng Quy Nhơn đang đánh giá lại tài sản của công ty, lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc… cho việc cổ phần hóa. “Cổ phần hóa sẽ được thực hiện nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Hữu Phúc, Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn, khẳng định tại buổi làm việc với Vinalines mới đây.

Theo ông Phúc, các thủ tục cổ phần hóa cảng Quy Nhơn sẽ hoàn tất trước ngày 30-6-2013, để từ 1-7-2013, cảng Quy Nhơn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, từ thực tế tại ba cảng (Quy Nhơn, Hải Phòng, Nha Trang) của Vinalines thực hiện cổ phần hóa trong năm 2013 này, ông Nguyễn Cảnh Việt cho rằng, việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý lao động dôi dư sau khi cổ phần hóa gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng ý với ông Việt, ông Bùi Chiến Thắng, Phó tổng giám đốc cảng Hải Phòng, cho biết tiến trình cổ phần hóa các cảng biển lớn, đó trong có Hải Phòng, còn rất nhiều việc phải làm như định giá tài sản doanh nghiệp, quyết toán các dự án sử dụng vốn ODA… “Đây là những việc phức tạp, cần nhiều thời gian nhưng thời gian lại không còn nhiều”, ông Thắng nói.

Đối với các cảng thực hiện cổ phần hóa trong năm 2014 như cảng Sài Gòn, cảng Quảng Ninh, cảng Đà Nẵng… thời gian có thong thả hơn, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Tới, Thư ký Hội đồng thành viên cảng Sài Gòn, việc đánh giá lại tài sản của các cảng lớn như cảng Sài Gòn mất rất nhiều thời gian vì phức tạp.

“Vướng mắc chủ yếu trong công tác cổ phần hóa các cảng thời gian qua là việc xác định giá trị doanh nghiệp. Nhưng riêng đối với cảng Sài Gòn, còn có một khó khăn nữa là việc cổ phần hóa ngay trong giai đoạn di dời cảng từ nội thành ra Hiệp Phước. Do đó, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa cần phải được sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp có thẩm quyền”, ông Tới nói.

Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn, đến tháng 6-2014 cảng Sài Gòn mới bắt đầu cổ phần hóa. Theo chỉ đạo của Vinalines, sau khi cảng Sài Gòn cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ.

Ai mua cảng biển không?

Ông Nguyễn Cảnh Việt cho rằng, cổ phần hóa hàng loạt cảng cấp 1 như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang… sẽ giúp Vinalines từng bước tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn 2012-2015.
Vì theo ông Việt, việc cổ phần hóa sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của khối cảng biển và mang lại nguồn vốn, lợi nhuận để hỗ trợ cho ngành vận tải biển trong giai đoạn khó khăn hiện nay do lượng hàng và cước phí vận chuyển bị giảm mạnh.

“Cổ phần hóa các cảng cấp 1 được xem là giải pháp mạnh nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư vào phát triển hệ thống cảng biển, qua đó giảm bớt đầu tư của Nhà nước, để dành vốn cho các lĩnh vực thiết yếu hơn”, ông Bùi Chiến Thắng nói.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, cổ phần hóa hệ thống cảng cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, qua đó hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu ngành hàng hải, bù đắp các khó khăn cho lĩnh vực vận tải biển hiện nay. “Cổ phần hóa – bán một phần vốn nhà nước tại các cảng cấp 1 – sẽ dẫn đến việc đổi mới mô hình quản lý, điều hành… nâng hiệu quả kinh doanh của các cảng”, chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, ông Lê Công Minh cho rằng, trong điều kiện việc cổ phần hóa toàn bộ các cảng biển lớn ở Việt Nam chưa từng có tiền lệ nên “hiện nay chúng tôi chưa thể nhận xét đánh giá được cơ hội và chiến lược phát triển sau cổ phần hóa cũng như các vấn đề liên quan đến công tác cổ phần hóa”.

Dù vậy, ông Minh cho rằng, muốn cổ phần hóa thành công thì các cảng cần có đối tác – nhà đầu tư – mua 25% vốn (hoặc 49% tùy cảng) của các cảng bán ra. “Chúng tôi đang tìm đối tác để bán vốn nhưng chưa tìm được”, ông Minh nói.

Theo kế hoạch của Vinalines, từ nay đến năm 2014, sẽ có gần chục cảng cấp 1 và các đơn vị khác (trực thuộc Vinalines) tiến hành cổ phần hóa. Điều này có nghĩa nhiều ngàn tỉ đồng vốn nhà nước sẽ được chào bán. “Trong bối cảnh hiện nay, để hấp thụ hết nguồn vốn này, tức tìm người mua, là điều không hề dễ”, ông Bùi Chiến Thắng nhận định.

Cảng dời đi, đất sẽ dùng vào việc gì?

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-4-2013, từ nay đến năm 2020 cảng Sài Gòn chỉ di dời các cảng trực thuộc trên địa bàn quận 4 là khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội; đối với các cảng tại quận 7 (cảng Tân Thuận và Tân Thuận 2) thì vẫn tiếp tục sử dụng theo hiện trạng.

Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 định hướng không gian kiến trúc khu vực bờ Tây sông Sài Gòn (trong đó có khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội của cảng Sài Gòn), sau khi di dời khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, nơi đây sẽ trở thành khu vực giáo dục, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, giải trí, khách sạn, khu dân cư, khu phức hợp ga tàu khách quốc tế, quảng trường, cây xanh, phố đi bộ…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản cho phép cảng Sài Gòn chủ trì thành lập công ty cổ phần để triển khai dự án chuyển đổi công năng cảng Nhà Rồng – Khánh Hội – tạo nguồn vốn phục vụ di dời và giữ lại một phần khu vực cảng Khánh Hội làm bến tàu khách du lịch và trung tâm hàng hải.

 

Vấn đề là thời điểm, lộ trình

Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, cho rằng chủ trương cổ phần hóa – bán một phần các cảng biển cấp 1 như cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Quảng Ninh… của Chính phủ là đúng và là hướng đi tốt cho các cảng.

Để minh chứng, ông Lân dẫn ra trường hợp thành công của cảng Đoạn Xá (Hải Phòng) khi cổ phần hóa. Theo đó, thời điểm trước năm 2001, doanh thu của cảng Đoạn Xá cao nhất cũng chỉ khoảng 8 tỉ đồng/năm; và cảng Hải Phòng (Đoạn Xá trực thuộc cảng Hải Phòng) thường phải bù lỗ cho Đoạn Xá mỗi năm 1-2 tỉ đồng.

Năm 2001, Chính phủ cho cảng Đoạn Xá thực hiện cổ phần hóa thí điểm. Tháng 11-2001, Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá ra đời với 51% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước, 18% thuộc sở hữu của cán bộ công nhân viên và 31% thuộc sở hữu của các cổ đông ngoài công ty.

Là cảng biển đầu tiên của cả nước thực hiện cổ phần hóa, tài sản ban đầu của Đoạn Xá chỉ có một cầu dẫn 200 mét, vài chục ngàn mét vuông bãi đá nhựa và một số phương tiện vận tải cũ với tổng giá trị khoảng 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, bằng cách huy động nguồn vốn từ các cổ đông, phát hành thêm 25 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ lên 35 tỉ đồng, công ty đã có đủ lực để đầu tư và phát triển.

Sau ba năm thực hiện cổ phần hóa, từ chỗ thua lỗ, Đoạn Xá đã có lãi. Kết thúc năm 2004, Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá đạt doanh thu trên 40 tỉ đồng, lợi nhuận 8 tỉ đồng…

Theo ông Lân, trong năm 2012, doanh nghiệp chỉ có một cầu cảng này lãi trên 103 tỉ đồng, chia cổ tức tới 70%. “Kết quả này có được là nhờ mô hình quản lý của doanh nghiệp cổ phần phù hợp với thực tiễn kinh doanh cảng biển”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Lân cũng cho rằng, Đoạn Xá thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn nền kinh tế đang tăng trưởng cao, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào cảng biển, nên đã thành công.

Bây giờ, với việc cổ phần hóa ồ ạt các cảng biển lớn, với tình hình hiện tại của nền kinh tế thì việc tìm đối tác (nhà đầu tư) để huy động vốn quả là bài toán khó. Vì vậy, ông Lân cho rằng, việc bán một phần các cảng biển lớn cần có lộ trình phù hợp chứ không nhất thiết phải làm cho bằng được trong năm nay và năm 2014.

Q.C

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới