Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ chế đặc thù cho TPHCM sẽ lan tỏa động lực tích cực cho cả vùng kinh tế

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về cơ chế đặc thù cho TPHCM đã đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới đang được kỳ vọng tạo nên sự đột phá cho thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất nước này. Đặc biệt là trong bối cảnh các chỉ số tăng trưởng của TPHCM cần được vực dậy mạnh mẽ hơn sau những tác động tiêu cực của đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu.

Trao đổi với KTSG Online về vấn đề này trước thềm kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5 năm này, chuyên gia kinh tế Trương Trọng Hiểu, giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, đánh giá sau 5 năm áp dụng Nghị quyết 54 thì dự thảo nghị quyết mới đã có cơ sở nghiên cứu kỹ cả về độ rộng, chiều sâu và mục tiêu từng phân đoạn để hướng đến một sandbox cho thành phố phát triển tối ưu hơn trong thời gian tới.

Nên xin mở cơ chế cho từng bước ngắn

KTSG Online: Trong sự biến động của kinh tế toàn cầu cùng những yếu tố phát sinh của nền kinh tế Việt Nam, kinh tế-xã hội của TPHCM cũng có nhiều chuyển biến. Vậy, khi lên dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, đã có những sự khác biệt gì trong công tác nghiên cứu và xây dựng chính sách, thưa ông?

Thạc sĩ Trương Trọng Hiểu: Có thể nói những biến chuyển của nền kinh tế toàn cầu và cả nước có sự tác động rất lớn đối với hành trình phát triển của thành phố. Cùng với cả nước, thành phố đã phải đối diện với cú “sốc” lớn từ đại dịch Covid-19. Từ chỗ đứng và nhu cầu của mình trên chặng đường phát triển mới, thành phố đã nhận thấy những thách thức vô cùng lớn trong khi tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác tối đa, cơ sở hạ tầng khi đối diện với nguy cơ quá tải nặng. Đà tăng trưởng của thành phố trong những năm gần đây đã bắt đầu giảm, chỉ còn 6,41%/năm so với 10,2%/ của năm ngoái và hơn 7% ở các năm trước. Kéo theo đó, chỉ số năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính cũng chưa đạt như kỳ vọng.

Chuyên gia kinh tế Trương Trọng Hiểu cho rằng sau 5 năm đầu sandbox với Nghị quyết 54 thành phố chọn phương án xin mở rộng cơ chế từng bước, cho từng giai đoạn ngắn là phù hợp. Ảnh: NVCC

Rõ ràng, điều này nếu không được khắc phục thì sẽ là rào cản lớn để thành phố có thể tiếp tục đóng vai trò trung tâm “kéo" đoàn tàu kinh tế cả nước đi lên. Đặc biệt là có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và nguồn thu đóng góp cho ngân sách. Đương nhiên, những vấn đề đó được phân tích khá kỹ trong Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết mới cho một khung chính sách đặc thù mới. Đề án đã bao quát cả lý do để thành phố có một cơ chế, chính sách mới lẫn việc tổ chức thực hiện phải triển khai như thế nào sau khi Nghị quyết được thông qua.

Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 54, nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết này đã trao quyền nhưng vẫn còn ràng buộc bởi các nghị định, thông tư, từ đó hạn chế tính sáng tạo và chủ động. Vì thế, nghị quyết mới sẽ tập trung vào vấn đề nào để khắc phục những điểm hạn chế, tạo cơ hội cho sự đột phá và sáng tạo, đồng thời nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm “dám nghĩ, dám làm”?

Phải thẳng thắn là chậm và thiếu chủ động trong triển khai Nghị quyết 54 của thành phố cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả. Nhưng cũng khó phủ nhận về những rào cản, chỗ vướng từ chính các quy định của luật và cả văn bản dưới luật hay các hướng dẫn của các bộ, ngành. Hiện tại, cả lĩnh vực đầu tư, đất đai, giao thông vận tải, xây dựng… đều cần đề sự hướng dẫn của các bộ, ngành nhưng có rất nhiều trường hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan đến nội dung quản lý lại khác nhau.

Đó là chưa kể đối với một số vấn đề mới, phức tạp lại cần rất nhiều thời gian đề tìm ra phương cách khả dĩ. Trong khi, đối với doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế, thời gian chờ đợi tự nó cũng đã là một khoản chí phí và khi chi phí tăng thì hiệu quả kinh tế giảm.  Đặc biệt, trong số những khoản “vướng” ấy, rất nhiều tình huống liên quan đến thủ tục hành chính mà nếu được “ủy quyền” thành phố có đủ khả năng, nguồn lực để thực hiện.

Rất vui là những trở ngại này lần này tiếp tục được thành phố kiến nghị để chờ Quốc hội chấp nhận một cơ chế mới. Nếu được thông qua thì có thể nói chính sách lần này khá “đột phá” vì trải dài ở cả sáu lĩnh vực trọng tâm.

Lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh rằng dự thảo Nghị quyết thay thế hướng đến các giải pháp đột phá. Vậy theo ông, những chính sách đang được đề xuất có đủ sức mạnh để giúp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những khó khăn, trở ngại trong hành trình phát triển bền vững của thành phố?

Xuất phát từ đặc trưng chung trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam, thành phố chọn phương án xin mở rộng cơ chế từng bước, cho từng giai đoạn ngắn. Tôi cho rằng, lựa chọn đó là phù hợp, vì dù gì thành phố cũng chỉ mới trải qua 5 năm đầu sandbox với Nghị quyết 54. Trong tương lai, thành phố có thể cần một luật riêng về đô thị đặc biệt ngoài Luật thủ đô dành cho Hà nội hiện nay. Nhưng ở giai đoạn hiện tại, một Nghị quyết cho một cơ chế, chính sách đặc thù mang tính thí điểm giai đoạn hai là lựa chọn khả dĩ nhất.

Điều quan trọng là, TPHCM xin trao quyền quyết định chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi thuế đối với các dự án và nhà đầu tư chiến lược, có chú trọng đến hoạt động đổi mới sáng tạo (R&D). Thành phố cũng xin cơ chế để triển khai dự án đầu tư theo hợp đồng BT theo Luật đầu tư và Luật xây dựng. Đây là đề xuất nhằm tháo gỡ khá nhiều vướng mắc hiện nay trong triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đương nhiên, thành phố cam kết sẽ bảo đảm hiệu quả và đặc biệt đưa ra tiêu chí không gây thất thoát ngân sách nhà nước đều được mở ra cánh cửa đó.

Hiện tại, một số nội dung đề xuất cũng đã được “mở đường” trong nội dung của một số dự luật hay văn bản khác, đặc biệt là Luật đất đai sửa đổi. Đó là một bước đệm khá thuận tiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chính sách đặc thù, phải gắn với các chiến lược/ dự án đột phá, trọng tâm trọng điểm, không đặt ra tham vọng tràn lan, dẫn đến phân tán nguồn lực, kém hiệu quả. Trong dự thảo nghị quyết mới, hàng chục cơ chế đột phá liên quan đến 7 nhóm chính sách được đề xuất, theo ông đâu là lĩnh vực ưu tiên để TPHCM tối ưu được nguồn lực của mình?

Khó có thể nói, đâu là lĩnh vực ưu tiên vì thật ra tất cả các lĩnh vực được chọn để xin cơ chế, chính sách mới hiện nay đều có vai trò quan trọng, thúc đẩy cỗ máy kinh tế - xã hội chung. Đặc biệt, các nội dung đề xuất gần như nhằm đề gỡ “vướng” các điểm nghẽn trong thực thi các chính sách, quy định và thủ tục hiện tại. Đề xuất được tiếp tục triển khai hiệu quả dự án qua hợp đồng BT vì vậy là nút mở rất quan trọng.

Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp tới. Ảnh minh họa: Minh Hoàng

Việc phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy R&D là chìa khóa nếu thành phố vẫn hướng đến một trung tâm phát triển kinh tế- công nghệ cao, thúc đẩy giá trị gia tăng. Thực tế hiện nay, chính sách hướng đến mũi nhọn này hiện nay được phản ánh  khá mờ, nhất là khi thành quả đầu tư chính sách không dễ để nhận diện trong một sớm một chiều.

Lấy một ví dụ cụ thể là phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế của khu vực, theo ông, cần những cơ chế đặc thù như thế nào để tạo nền tảng cho mục tiêu này? Những cơ chế đó là gì, và tính đặc thù mà TPHCM cần có như thế nào?

Nội dung này không đề cập trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, nếu theo dõi, chúng ta có thể nhận thấy, mục tiêu phát triển trung tâm tài chính quốc tế là một trong những trụ cột phát triển của thành phố Thủ Đức. Do vậy, TPHCM cũng đã xác dịnh rằng sau khi Nghị quyết được thông qua thì thành phố sẽ tiếp tục tiến đến bước xây dựng và trình Quốc hội phương án thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM.

Cơ chế đột phá sẽ tạo sự lan tỏa cho cả vùng kinh tế

Dự thảo nghị quyết lần này quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức và cá nhân. Nhìn nhận của ông về động lực cải thiện nguồn lực con người của TPHCM thông qua nghị quyết này ra sao?

Đánh giá kết quả năm năm thực hiện Nghị quyết 54, thành phố đã nhận ra mục tiêu thu hút chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt được. Nhưng có thể nói, cơ chế mà thành phố đang xin để có thể tự quyết về vấn đề này còn khá dè dặt. Dù vậy, cơ chế, chính sách được đề xuất cũng nổi lên một vài nội dung đáng chú ý, đặc biệt là đối với mục tiêu hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

metro trên đường ray. Ảnh: Minh Hoàng
Cơ chế đặc thù cho TPHCM sẽ có tác động lan tỏa tích cực cho cả vùng kinh tế phía Nam. Ảnh: Minh Hoàng

Đơn cử, thành phố xin được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và cả cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Thành phố cũng xin được tự mình quy định tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập dựa trên cơ sở trình độ, năng lực và yêu cầu công việc của đơn vị.

Tuy không phải là một trong những nội dung chính sách trụ cột trong cơ chế đặc thù lần này nhưng ít nhiều các đề xuất này cũng mở ra một đường hướng khả dĩ để thành phố đạt được mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho giai đoạn phát triển mới.

Thu hút nhân tài là một vấn đề quan trọng cho phát triển bền vững, trong đó có lực lượng Việt kiều. Như vậy, ngoài vấn đề tiền lương còn cần những chính sách đãi ngộ gì? Đâu là điều kiện quan trọng nhất để tập hợp nguồn lực vừa có tài lại có tâm cho mục tiêu xây dựng và phát triển TPHCM?

Thực ra, đây là công việc mà lâu nay chính quyền thành phố vẫn thường xuyên thực hiện. Huy động và tranh thủ đóng góp của các nhà khoa học và nhà đầu tư là từ cộng đồng kiều bào là chiến lược thành phố sẽ phải duy trì. Tuy nhiên, để có thể nhận được những chính sách đãi ngộ thì Việt kiều cần phải tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế - xã hôi của thành phố. Và như tôi đề cập ở trên, nếu triển khai các dự án thành phố ưu tiên, nếu tham gia vào hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và thậm chí là các hoạt động khoa học, quản lý khoa học thì những người này cũng sẽ được hưởng các sự ưu đãi như đã đề cập.

Nghị quyết mới không còn giới hạn trong địa bàn TPHCM mà có nhiều nội dung hướng đến liên kết vùng các dự án (liên kết vùng) để cùng đồng hành phát triển. Ông đánh giá thế nào về mức độ lan tỏa của nghị quyết mới khi được áp dụng?

Tôi cho rằng, đó là một hướng tiếp cận phù hợp. Thành phố cần thể hiện vai trò trung tâm, cầu nối và là điểm tựa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội các vùng phụ cận và cả vùng Đông Nam Bộ hay Nam bộ. Kinh nghiệm các nước như Nhật Bản và Hàn quốc cho thấy, sự tác động này là có và thậm chí là rất lớn. Cụ thể, với một chính sách đúng, Nhật Bản đã phát triển Osaka, Nagoya và vùng phụ cận ngoài Tokyo và vùng Kantoo. Đặc biệt, Hàn quốc cũng đã rất thành công khi có chiến lược và chính sách trọng điểm phát triển Seoul rồi rộng ra cả tỉnh Gyeonggi để làm đà kéo cho kinh tế cả vùng và cả nước.

Đương nhiên, điều này còn phụ thuộc cả chiến lược và mục tiêu phát triển kinh tế vùng của nước ta như thế nào.

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo TPHCM, dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù lần này được nghiên cứu kỹ lưỡng, và ở góc nhìn của một chuyên gia, ông kỳ vọng thế nào về sự phát triển của TPHCM sau khi dự thảo được thông qua?

Tôi cũng nhận thấy là thành phố đã chuẩn bị rất kĩ, như tôi có đề cập lúc đầu. Về kỳ vọng thì cho rằng, nếu được thông qua thì đây là một cơ hội tốt để thành phố tiếp tục phát huy tính chủ động và năng động của mình. Các vấn đề tồn đọng, là điểm nghẽn trong hành trình phát triển của thành phố coi như sẽ có đường hướng để thành phố chủ động xử lý và vượt qua.

Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, nếu thành phố có những đề xuất mạnh dạn hơn, ít nhất thì cũng trở lại với những phương án “vượt rào” như các phiên bản trước chứ không phải giải pháp mềm hóa, tránh xâm lấn với các quy định của các luật và dự luật hiện tại. Tại sao thành phố chỉ xin được quyết định đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm A trong khi điều này có thể giải quyết thông qua việc vận dụng Luật đầu tư công? Rõ ràng, nếu được quyết định đối với cả dự án thuộc nhóm B, và dự án ở các lĩnh vực đặc thù, thì khả năng thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế sẽ tích cực hơn nhiều.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cơ chế đặc thù không phải là cái được mong đợi lâu dài. Đó chỉ là một hình thức “sandbox”, mà TPHCM là nơi đi tiên phong mà thôi. Cái cần quan tâm hơn là sau những gì đã thử nghiệm, cần phải có kết luận và kết quả, từ đó hình thành nên thể chế mới đủ sức đưa toàn bộ nền kinh tế cất cánh. Nếu cứ kéo dài “sandox’ không chừ sẽ trở thành “a box”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới