Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cơ chế không tự ‘đi vào cuộc sống’

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thứ Bảy tuần rồi, hai ngày trước Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay 27-2-2023, báo mạng vietnamnet đăng phóng sự ảnh giật tít “Cảnh tượng chưa từng thấy ở Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Cảnh tượng gì chưa từng thấy? Xin thưa đó là cảnh bệnh viện này vắng vẻ bệnh nhân. Và đó là điều lạ lùng hiếm gặp, nếu không nói là “chưa từng thấy”.

Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM là một bệnh viện “hạng đặc biệt”, hay nói theo ngôn ngữ của dân mê bóng đá Anh là “ngoại hạng” trong hệ thống y tế Việt Nam. Đó là phòng tuyến cuối cùng chống lại các loại bệnh tật mà các thấy thuốc ở các bệnh viện khác từ các tỉnh phía Nam đã chịu thua. Nói cách khác, Chợ Rẫy chính là chiếc phao cứu sinh chót còn sót lại của nhiều bệnh nhân vẫn níu kéo hy vọng sống.

Chợ Rẫy lúc nào cũng tràn ngập người khám bệnh ngay từ sáng sớm. Về đêm, cảnh đông đúc ở bệnh viện này dịu đi chỉ để rộ lên như cũ ngay từ rạng sáng hôm sau.

Thế mà nay Chợ Rẫy lại vắng bệnh nhân! Xin thưa rằng không hoàn toàn là như thế. Bình thường, mỗi ngày Chợ Rẫy khám khoảng 6.000 bệnh nhân ngoại trú, nay chỉ còn chừng 2.000. Vắng là do lý do này. Nguyên nhân là vì rất nhiều thiết bị kỹ thuật cao của bệnh viện đã cũ, hỏng hóc không kịp sửa chữa, thay thế. Vậy là bệnh nhân được chỉ định thực hiện ở một bệnh viện khác có loại thiết bị đó.

Cũng vào sáng thứ Bảy tuần rồi, một đoàn công tác do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đến chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Nhân dịp này, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện, đã trình bày tình trạng nan giải ở Chợ Rẫy. Khó khăn lớn nhất đối với bệnh viện do ông lãnh đạo hiện nay là do… cơ chế đấu thầu trang thiết bị, hóa chất(1).

Theo ông Thức, chuyện đấu thầu theo quy định phải có ba báo giá là gần như không thể thực hiện được. Ông kiến nghị Bộ Y tế có thể tham mưu, xem xét cho phép các bệnh viện như Chợ Rẫy được quyền chọn mua thiết bị nhằm khai thông bế tắc hiện nay(2).

Người dân, người bệnh đọc đến đây lại phát hiện rằng câu chuyện đi chữa bệnh ở nước mình vốn đã rắc rối từ lâu thì nay lại càng thêm… rối rắm. Thầy thuốc, dù giỏi đến mấy, cũng bó tay, không thể chữa bệnh. Chẳng phải là do độc lực của vi trùng hay tiên lượng quá xấu gì cả mà do một bệnh lạ mà quen mang tên “cơ chế”.

Một ngày trước khi bác sĩ Thức nêu các kiến nghị của mình với đoàn công tác trung ương, tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Y tế “hoàn thiện thể chế theo tinh thần bám sát thực tiển”(3). Theo ông, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để gỡ khó về đấu thầu, mua sắm thuốc men và các vấn đề khác.

“Phải giải quyết dứt điểm việc thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải mua ngoài”, ông Chính nhấn mạnh(4).

Đối chiếu đề nghị của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và chỉ đạo của Thủ tướng, có thể thấy người đứng đầu Chính phủ đã nhận ra vấn đề và yêu cầu phải giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những gì diễn ra trước đây thì buổi họp hôm thứ Sáu tuần trước không phải là lần đầu tiên Thủ tướng tỏ ra kiên quyết đòi hỏi các bộ phận liên quan phải chấm dứt tình trạng này. Điều đáng nói là mặc dù đã có chỉ đạo từ Thủ tướng - và mặc cho bệnh nhân, thầy thuốc, báo chí kêu gào - tình trạng ách tắc nêu trên vẫn tồn tại.

Và đến đây, người viết bài không khỏi liên tưởng đến việc dường như có cái gì đó giống nhau giữa nạn khan hiếm xăng tại các trạm xăng và nạn thiếu thiết bị thuốc men ở các bệnh viện. Ít nhất, tình trạng khan hiếm đó đều liên quan đến điều chúng ta gọi là “cơ chế”.

Vậy thì, ai phải chịu trách nhiệm về nạn kham hiếm này?

Không thể bắt cơ chế chịu trách nhiệm nhưng cơ chế không tự nó “đi vào cuộc sống”, mà phải có ai đó đặt ra nó. Và đó chính là địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm.

Trở lại với Chợ Rẫy, giá như đoàn công tác trung ương đến thăm hôm thứ Bảy cũng mang theo kế hoạch giải quyết khó khăn cho bệnh viện là “niềm hy vọng cuối cùng” này, chắc bác sĩ Thức đã mừng lắm, mừng hơn cả khi ông nhận được các lẵng hoa chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

_____________

(1), (2)https://tuoitre.vn/giam-doc-cho-ray-de-nghi-benh-vien-hang-dac-biet-duoc-lua-chon-thuong-hieu-mua-thiet-bi-20230225162429886.htm

(3), (4)https://vnexpress.net/thu-tuong-hoan-thien-the-che-de-can-bo-y-te-yen-tam-lam-viec-4574478.html

3 BÌNH LUẬN

  1. Điểm đặc biệt ở ngành y tế VN là công tư lẫn lộn. Bệnh viện công ở các nước là kinh phí nhà nước cấp, ngân sách giành cho y tế mỗi năm rất rõ ràng , bệnh nhân bất kể giàu nghèo đều được miễn phí viện phí, dĩ nhiên dịch vụ ở cấp thấp nhất, người giàu có tiền không vào bv công vì chê dịch vụ ở đây, chỉ trừ khi bv tư bó tay không chữa được thì đưa vào bv công thường do bác sĩ bv công giỏi hơn . Còn ở VN, bệnh viện công có hai giá, một giá cho bhyt rẻ hơn chớ không miễn phí, còn một giá dành cho dịch vụ cao hơn nhưng rẻ hơn bv tư. Cuối cùng bn nghèo lãnh đủ, thí dụ bn giàu muốn nằm bv công vì bác sĩ giỏi hơn, bn trả tiền cao thì được nằm riêng một phòng máy lạnh, được bác sĩ giỏi chăm sóc, còn bn nghèo phải chen chúc nhau nằm một phòng nhiều người, thậm chí một giường hai người hoặc nằm ngoài hành lang.

  2. Phải thôi. Bệnh nhân đang tháo chạy về bệnh viện tư. Một cuộc đổi ngôi ngoạn mục. Không riêng gì Chợ Rẫy, nhiều bệnh viện công hàng đầu quốc gia đã phải thúc thủ, gần như toàn diện. Mọi đề xuất, thậm chí kêu cứu, không rõ đến khi nào mới giải quyết xong. Tình huống quản lý mà ở đó người chịu trách nhiệm cao nhất không dám, không muốn, không thể… ra quyết định, là thực tế vô cùng lạ lùng. Chỉ có một cách giải quyết mà thôi. Ngừng ngay cách làm “truyền thống’, sớm đoạn tuyệt với kiểu hình thức, sáo mòn/ sáo ngữ/ sáo rỗng. Tất cả phải đi vào thực chất.

  3. Trong xã hội luôn tồn tại 3 nhân vật trụ cột. Một là, nhà quản lý, sứ mệnh lớn nhất là mang lại sự công bằng và hiệu quả. Hai là, nhà kinh doanh, biết làm ra tiền, biết cách tiêu tiền. Ba là, nhà phục vụ, luôn tận tâm trong phục vụ cộng đồng, luôn yên tâm trong công việc của mình. Xử lý hài hòa 3 khâu này thì xã hội luôn an yên. Ngược lại, xã hội mãi không yên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới