Thứ ba, 12/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cơ chế nào bảo vệ những đứa trẻ được sinh ra?

Nguyễn Minh Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tình trạng con trẻ trong tình cảnh không cha, không mẹ hoặc không cả cha lẫn mẹ phải ở với ông bà có vẻ như ngày càng phổ biến. Chúng đối mặt với nhiều vấn đề về phát triển thể chất lẫn tinh thần, không được học hành tử tế, chịu nhiều rủi ro và tổn thương suốt đời. Hiện thực này là sự trớ trêu trong bối cảnh Nhà nước đưa ra các chính sách khuyến sinh hiện có.

Tôi là một giáo viên ở TPHCM. Và đây là năm đầu tiên tôi chứng kiến một lớp với hơn 10 học sinh rơi vào tình cảnh ở với ông bà, hoặc ở với mẹ. Các học trò ấy thiếu cha, thiếu mẹ hoặc thiếu cả cha lẫn mẹ vì cha mất, cha bỏ đi, hoặc cha mẹ đã chia tay.

Trong lý lịch, có trò ghi là có cha, nhưng nói riêng với thầy là trò thật sự không có cha vì “mẹ nói phải có giấy ly hôn, nếu không thì khó giải thích với nhà trường!”. Có trò để trống ô điền tên cha mẹ, chỉ ghi người nuôi dưỡng hoặc người giám hộ là ông hoặc ông bà.

Xã hội hiện nay không còn khắt khe chuyện cha hoặc mẹ sinh và nuôi con mà không cần tới hôn nhân. Đời sống hiện đại mang lại nhiều tự do lựa chọn cho các cặp đôi yêu thương nhau và trên tiến trình ấy, những đứa trẻ dường như là kết quả của một niềm yêu thương. Tuy nhiên, những cam kết của cuộc hôn nhân không quá ràng buộc thời nay đang đẩy những rủi ro cho những đứa trẻ thơ ngây chào đời sau đó, nó như mặt trái của cuộc hôn nhân không trọn vẹn.

Ở một số quốc gia, có sự ràng buộc trách nhiệm của người làm cha làm mẹ khi một đứa trẻ được sinh ra. Dù đứa trẻ ấy có là kết quả của một cuộc hôn nhân mỹ mãn hay không thì cha mẹ chúng phải có trách nhiệm với đứa trẻ, ADN của đứa trẻ ràng buộc trách nhiệm xã hội của cha mẹ chúng. Lưu ý rằng, ít nhất là trách nhiệm xã hội trong việc chu cấp nuôi dưỡng, học tập… cho đến lúc trưởng thành. Về khía cạnh đạo đức, thông qua những đứa trẻ ấy có thể nhìn nhận văn hóa khác nhau và cách tiếp cận con người theo chiều kích khác nhau, trong bài viết này tôi không dám lạm bàn.

Hiện nay, chính quyền một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam đang khuyến khích sinh đủ hai con hoặc sinh theo khả năng của từng gia đình để bù đắp mức sinh thay thế trong bối cảnh Việt Nam đang tiến gần đến tình trạng già hóa dân số. Một số thành phố còn đưa ra phương án miễn giảm học phí, thưởng tiền, hay thậm chí có đề xuất phạt người trẻ không kết hôn. Tuy nhiên, chính sách quan trọng mà các cấp chính quyền có thể không thấy, chưa thấy là đi kèm với chính sách khuyến khích sinh con là những cơ chế bảo vệ những đứa trẻ được sinh ra nhưng bị cha mẹ bỏ rơi.

Là một giáo viên suốt 10 năm nay, tôi cảm nhận rõ sự bất lực của giáo viên trong hoàn cảnh phụ huynh là ông hoặc bà, những đứa trẻ thiếu cha mẹ nên ông bà là người giáo dục chúng. Khoảng cách thế hệ đến 40, 50 năm tuổi có lẽ là sự khác biệt lớn trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt là những người ông người bà đã qua tuổi lao động, bản thân cũng đang có những vấn đề sức khỏe hoặc là những người không thường xuyên quan tâm tới giáo dục, sự học của cháu...

Sau hết, giáo dục một đứa trẻ cần cha mẹ thống nhất về định hướng con người tương lai của con trẻ theo một trục nào đó mà họ thấy phù hợp. Cha mẹ phải là người phác thảo về cuộc đời con trẻ, từ đó hoạch định và kết hợp với nhà trường nhằm xây dựng tính cách con trẻ, uốn nắn con trẻ, khơi gợi sự phát triển của con trẻ. Nền tảng đó giúp con trẻ bình tĩnh hơn, biết chọn lọc và thích ứng khi tiếp cận với xã hội bên ngoài gia đình, nhà trường, thậm chí là bước vào xã hội ảo nơi không gian mạng.

Buồn thay, hơi ấm từ cha mẹ là điều đứa trẻ khao khát, dù chúng không thốt lên thành lời nhưng trong ánh mắt, trong sự thèm muốn, và trong tương tác của mỗi đứa trẻ khiếm khuyết ấy hiện lên từng ngày trong tôi.

Ai cũng có thể thấy điều này rõ khi ghé thăm những trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Hôn nhân không thể trọn vẹn, điều đó là bất khả kháng. Tôi không có đủ thẩm quyền và tư cách để đưa ra lời phán xét về các cuộc hôn nhân tan vỡ, biết đâu sự chia tay đó là một lối thoát cho các cặp đôi như truyền thông hay nói tới. Nhưng tôi tin rằng, trách nhiệm xã hội về việc chu cấp, chở che và theo sát con cái là của họ chứ không phải của ông bà nội ngoại.

3 BÌNH LUẬN

  1. Mọi đứa trẻ sinh ra, lành lặn, mạnh khỏe, hay dù là khiếm khuyết, đều phải có nơi chốn để chăm lo đúng mức. Đó không chỉ là sứ mệnh, trách nhiệm pháp lý, mà còn là nghĩa vụ đạo đức cao cả. Trước hết là cha mẹ, gia đình, xã hội, và nhà nước phải cùng chung tay chung sức. Phải xây dựng được một khung pháp lý rường cột có tính hiệu lực và thực thi cao cho sứ mệnh vô cùng quan trọng này. Từ đó chúng ta mới có thể tự tin để đảm bảo rằng tương lai của đất nước luôn phụ thuộc vào tương lai của thế hệ trẻ VN.

  2. Con người là vốn quý nhất. Nhưng trong thực tế, vốn quý nhất chưa phải là con người. Đây là vấn nạn toàn cầu, chưa được thấu hiểu.

  3. Nói cho hay thôi. Làm chả được bao nhiêu. Thế giới này, mỗi ngày có quá nhiều trẻ em, không đếm xuể, đang phải đối mặt với chết chóc, bị thương, đói rét… vì chiến trận, tị nạn, bóc lột sức lao động…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới