Cơ hội cho người nuôi cá tra hẹp dần
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Người nuôi cá tra tại ĐBSCL vẫn phải tiếp tục chịu lỗ, dù diễn biến trên thị trường đang có lợi họ, đặc biệt khi nguồn cung nguyên liệu đang sụt giảm và thị trường nhập khẩu dần “ấm” lên. Viễn cảnh trên cho thấy người nuôi cá tra thật sự đã hết cơ hội với nghề này.
Sản lượng cá tra thiếu hụt, xuất khẩu “ấm” lên nhưng người nuôi cá vẫn phải chịu lỗ. Trong ảnh là công nhân đang chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gò Đàng, Tiền Giang (ảnh minh họa) - Ảnh: Trung Chánh |
Cung thiếu, người nuôi cá vẫn lỗ
Theo quy luật cung- cầu của thị trường: khi cung ít- cầu nhiều, tất nhiên bên bán sẽ ở thế chủ động, có quyền quyết định bán ra sao với mức giá nào và ngược lại.
Tuy nhiên, đối với ngành cá tra ĐBSCL, quy luật cung- cầu ấy dường như không tồn tại khi thị trường cá tra nguyên liệu trong nước đang thiếu hụt, trong khi doanh nghiệp đang cần mua nhiều để chế biến xuất khẩu nhưng giá cá tra nguyên liệu hiện vẫn đủng đỉnh ở mức dưới giá thành sản xuất (chỉ 21.000 – 23.000 đồng/kí lô gam), tức nông dân vẫn đang phải chịu lỗ.
Thực tế, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương (Tiền Giang), cho biết kết quả khảo sát của VASEP, cho thấy hiện có khoảng 70% số hộ nuôi cá tra đang giảm nuôi, trong khi đó, về phía doanh nghiệp, có khoảng 60-70% rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu phục vụ chế biến.
Qua báo cáo của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cũng cho thấy dấu hiệu nguồn cá tra nguyên liệu đang sụt giảm. Theo đó, tổng sản lượng cá tra nguyên liệu được 8 doanh nghiệp thủy sản lớn của tỉnh sử dụng để chế biến xuất khẩu (trong tuần cuối tháng 8-2013) chỉ đạt 5.466 tấn, giảm 431 tấn so với tuần trước đó.
Về tình hình xuất khẩu, tính đến ngày 15-8-2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam có giảm khoảng 1,1% so với cùng kỳ năm trước với kim ngạch đạt trên 1,055 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, đánh giá về nhu cầu thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước khẳng định sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Ông Minh của Hùng Vương, cho biết do thiếu nguyên liệu nên có nhiều doanh nghiệp không dám nhận thêm hợp đồng xuất khẩu của những khách hàng mới.
Hết đường sống với cá tra
Đầu năm 2013, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đổ lỗi xuấqt khẩu khó khăn, giá nguyên liệu trong nước xuống thấp, đẩy nông dân vào cảnh lỗ do sản lượng nguyên liệu dư thừa nhiều.
Xuất phát từ lý do trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì nhiều cuộc họp, hội nghị ngay sau đó để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra ĐBSCL, trong đó, yêu cầu phải kéo giảm sản lượng nguyên liệu xuống còn khoảng 800.000 – 900.000 tấn/năm, từ mức khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, hiện dù nguồn cá tra nguyên liệu trong nước đang thiếu hụt và giá xuất khẩu sang Mỹ, khoảng 0,5 – 0,7 đô la Mỹ/kí lô gam. Thế nhưng, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn không phục hồi được.
Như vậy, bài toán “giảm lượng, tăng giá” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra và kêu gọi triển khai hồi đầu năm 2013 cũng chẳng thể vực dây được giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL, không cứu được người nuôi cá thoát khỏi cảnh lỗ lã đã tồn tại trong hơn 2 năm nay.
Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL (đề nghị không nêu tên), cho biết giá cá tra nguyên liệu trong nước không tăng trở lại là do nông dân đang bị ép giá. “Muốn ngành cá tra ĐBSCL phát triển bền vững, doanh nghiệp phải biết chia sẻ rủi ro và lợi nhuận với người nuôi, chứ một bên có lãi, một bên lỗ như hiện nay, người nuôi cá sẽ không có đường nào sống được với con cá tra cả”, vị này cho biết.