(KTSG Online) - Trong bối cảnh xuất khẩu của các doanh nghiệp lớn suy giảm, các hoạt động mua bán sỉ kênh B2B trên nền tảng trực tuyến vẫn có tín hiệu tăng trưởng tích cực.
- Hàng nông sản bán qua kênh thương mại điện tử toàn cầu hút người mua
- Xuất khẩu ‘không giới hạn’ và cuộc chinh phục rào cản của các doanh nghiệp Việt
- Bộ Công thương mở ‘Gian hàng Việt Nam’ trên Alibaba
Đẩy mạnh bán sỉ trực tuyến
“Chốt đơn”, khái niệm phổ biến trên kênh thương mại điện tử bán lẻ gần đây, nay đang được các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa sử dụng khi tiếp thị hàng hóa xuyên biên giới. Một trong những ví dụ điển hình có thể kể đến trường hợp của Công ty Hành Sanh, đơn vị sản xuất quạt điện thương hiệu San Kyo trụ sở tại TPHCM.
Thành lập năm 1996 và chủ yếu bán sỉ nội địa, Hành Sanh bắt đầu tham gia tìm kiếm khách hàng quốc tế từ năm 2019, bằng cách tham gia sàn thương mại điện tử Alibaba.
Ông Steven Tô, Phó giám đốc điều hành, Công ty Hành Sanh, kể lại đơn hàng đầu tiên đến từ việc “lục” hòm thư rác, do đối tác này gửi đồng loạt để tìm nhà sản xuất. Dẫn đoàn khách này tham quan nhà máy trong hai tuần, Hành Sanh sau đó "chốt đơn" xuất khẩu đầu tiên với trị giá 40.000 đô la mỹ sau hai tháng lên sàn. Cùng năm đó, doanh số xuất khẩu được nâng lên thành 150.000 đô la.
Đến giai đoạn 2020-2021, lợi thế giao dịch trực tuyến thể hiện rõ rệt hơn trong bối cảnh thế giới đương đầu với dịch bệnh Covid-19. Bộ phận “xuất khẩu 1 thành viên” là Steven, vẫn có thể làm việc, đảm trách từ khâu chăm sóc khách hàng, chốt đơn, cho đến giao hàng cho đơn vị vận chuyển, doanh số vẫn tăng đều đặn. Thị trường xuất khẩu mở rộng sang bốn nước, trong đó tỷ trọng lớn nhất là Myanmar.
Thuận lợi hơn với nhiều đơn hàng, quạt điện San Kyo bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào hoạt động bán sỉ, bằng cách xác thực tài khoản mua bán trên sàn. Sự xác minh của bên thứ ba giúp đơn vị không chỉ giúp đơn vị này gia tăng uy tín, mà còn giúp tăng lưu lượng truy cập.
Tính đến nay, đại diện thương hiệu San Kyo cho hay nhận được bình quân hơn 40 đơn hỏi hàng, 12.000 lượt view mỗi tháng. Nếu tính dựa vào tỷ suất lợi nhuận đầu tư (ROI) thì đây là khoản đầu tư "đáng làm", ông Steven kể lại.
Số liệu của Alibaba.com mới đây cho biết số lượng nhà mua hàng các sản phẩm của Việt Nam hàng ngày trên nền tảng này đã tăng 55% trong tháng 3-2023 so với cùng kỳ. Trong khi đó, số lượng sản phẩm Việt Nam có mặt trên các nền tảng cũng tăng 24%.
Nền tảng này cũng cho biết trong nửa đầu năm, tổng số giao dịch của các nhà mua hàng đã tăng 33% so với cùng kỳ. Trong cùng giai đoạn, sự gia tăng nhu cầu của nhà mua hàng được ghi nhận từ hơn 90% danh mục sản phẩm trên Alibaba, từ phương tiện sử dụng năng lượng mới đến xe du lịch cắm trại, bồn tăm hay các tấm vật liệu cách âm.
Ngoài ra, thị trường toàn cầu cũng đang chứng kiến mốc tăng trưởng tới 91% về lưu lượng truy cập trực tuyến, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như Đông nam Á.
“Các xu hướng tìm nguồn cung ứng trên Alibaba cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của nguồn cung kỹ thuật số của khách hàng toàn cầu, đem đến những cơ hội hấp dẫn ngay trước mắt cho các doanh nghiệp Việt Nam", ông Rogeu Lou, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Alibaba nói tại buổi chia sẻ thông tin mới đây.
Tận dụng lợi thế về sản xuất ra sao?
"Thị trường Việt Nam hiện là bộ phận quan trọng trong bản đồ thương mại điện tử của Alibaba", ông Roger Lou cho hay. Vị này cũng cho biết Alibaba hiện có kế hoạch ba năm tiếp theo nhằm tăng cường khả năng tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Theo đó, Alibaba sẽ mở rộng sự hiện diện tại các địa phương là trung tâm sản xuất mới nổi bên cạnh thị trường TPHCM và Hà Nội, bao gồm Bình Dương, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Alibaba cũng sẽ tuyển dụng nguồn nhân lực địa phương để cung cấp các dịch vụ phù hợp và hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu Việt Nam ở các khu vực này, từ đó kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo đại diện Alibaba, một trong những mấu chốt mà Việt Nam gần đây nhận được nhiều sự tìm kiếm nguồn cung từ các doanh nghiệp khác trên thế giới, là nhờ ưu thế giá rẻ, chi phí lao động có ưu thế nếu so sánh với các quốc gia xung quanh.
Mặt khác, Việt Nam cũng gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do nên được lợi về mặt thuế suất, trong đó các chính sách xuất khẩu cũng hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng không gặp nhiều khó khăn như nhà sản xuất Trung Quốc kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung diễn ra.
Lý do thứ ba là Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm mang tính độc đáo riêng có, chẳng hạn như cà phê hay nhiều loại hoa quả. “Những sản phẩm này góp phần tạo bức tranh phong phú cho thị trường Việt Nam”, ông Roger nói.
Trong gần bốn năm qua, tức từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các nền tảng thương mại điện tử quy mô toàn cầu lần lượt thâm nhập ngày càng sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Không chỉ có Alibaba, cả nền tảng thương mại điện tử bán lẻ Amazon (Mỹ) cũng làm việc nhiều với phía cơ quan quản lý nhằm triển khai nhiều hoạt động.
Số lượng các nhà bán hàng và giá trị bán hàng của Việt Nam cũng tăng lên đáng kể trên nền tảng của Amazon. Trong báo cáo hoạt động năm 2022 tại thị trường Việt Nam, Amazon Global Selling đánh giá doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C dự kiện tăng trưởng hơn 20% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026.
Theo đó, hướng đi chung các các nền tảng này là thành lập các đội ngũ chuyên trách, sau đó cung cấp kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ huấn luyện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng xuyên biên giới thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Tuy nhiên, mấu chốt của câu chuyện được các chuyên gia thương mại điện tử này đánh giá vẫn là câu chuyện về nhân lực, sự hiểu biết về nền tảng giao dịch. Tăng cường khả năng xuất khẩu qua kênh trực tuyến không phải là chuyện mới, nhưng qua kênh thương mại điện tử vốn có lượng truy cập cao vừa là một cơ hội, nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ đến siêu nhỏ.
Thực tế vẫn còn những rào cản nhất định đối với các doanh nghiệp sản xuất truyền thống vì cuộc chơi trực tuyến và ở phân khúc B2B (bán hàng cho doanh nghiệp) và B2C (bán hàng cho người tiêu dùng) cũng là hoàn toàn khác nhau.
Theo lãnh đạo Hàng Sanh, vấn đề cần chú ý là phải có sự hiểu biết về nền tảng để tăng lưu lượng (traffic), kinh nghiệm chăm sóc khách hàng, bởi doanh nghiệp có thể có khách sau hai tuần, nhưng cũng có khi cả năm mới xuất được một container. “Traffic là thứ đầu tiên cần phải lưu ý vì khách hàng không thấy mình thì không thể bán hàng được, tiếp sau đó sẽ là khả năng “chốt đơn”, ông Steven Tô, chia sẻ.