Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có lũ sớm vẫn tăng sản xuất lúa thu đông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có lũ sớm vẫn tăng sản xuất lúa thu đông

Huỳnh Kim

 Có lũ sớm vẫn tăng sản xuất lúa thu đông
Ông Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị tại Cần Thơ sáng 23-6-2017. Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online)- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trương vẫn tăng sản xuất lúa thu đông năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mặc dù có dự báo lũ sớm sắp về với vùng này.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị “Sơ kết sản xuất lúa hè thu 2017, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2017 tại Đông Nam bộ và ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ sáng nay, 23-6, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh rằng năm nay mùa lũ có thể về sớm ở ĐBSCL, do vậy các tỉnh và ngành thủy lợi, thủy văn phải có dự báo, có kế hoạch chắn chắn để bảo đảm an toàn cho sản xuất vụ lúa thu đông.

Theo ông Doanh, thu đông nay đã là vụ lúa chính rất quan trọng của ĐBSCL trong khi giá lúa gạo đang tăng và sản lượng vụ đông xuân vừa rồi bị giảm do ảnh hưởng của thời tiết (mưa sớm, nắng giảm).

Báo cáo về kế hoạch này của ông Lê Thanh Tùng, đại diện Cục Trồng trọt, cho thấy năm nay ĐBSCL sẽ sản xuất 832.000 héc ta lúa thu đông, tăng 7.071 héc ta so với năm 2016; năng suất ước đạt  55,9 tạ/héc ta, tăng 4,93 tạ/héc ta; sản lượng ước đạt hơn 4,65 triệu tấn, tăng 446.410 tấn so với vụ thu đông 2016.

Theo ông Tùng, tăng lúa thu đông để bù đắp việc sụt giảm 226.095 tấn lúa trong vụ đông xuân rồi trong khi “tình hình xuất khẩu gạo có khả quan và nhiều triển vọng tăng trưởng về lượng và giá có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp”. Ông Tùng cũng cho biết cách nay 10 năm chỉ có 5 tỉnh ở ĐBSCL làm lúa thu đông, nay cả 13 tỉnh, thành trong vùng đã sản xuất lúa thu đông.

Về giải pháp né lũ sớm, ông Tùng nói: “Quan điểm chỉ đạo là ưu tiên sản xuất vụ thu đông ở những vùng an toàn đối với lũ; lấy mức lũ năm 2011 để bố trí sản xuất cho vùng ngập sâu ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên; hạn chế thấp nhất thiệt hại bằng các giải pháp đồng bộ về thời vụ, cơ cấu giống, hệ thống đê bao, cống đập, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Nam bộ, mùa lũ 2017 ở thượng nguồn sông Mêkông có thể đến sớm. Đến cuối tháng 7 tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang) có khả năng ở mức 2,5-3 mét, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) và một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức báo động 2-3 (sông Tiền tại Tân Châu từ 4-4,5 mét, sông Hậu tại Châu Đốc từ 3,5 – 4 mét).

Tình hình tiêu thụ lúa gạo

Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) lũy kế từ đầu năm đến 31-5-2017:

+ Lượng gạo xuất khẩu đạt 2,282 triệu tấn, trị giá FOB đạt 974,873 triệu USD, trị giá CIF đạt 1,012 tỉ USD, giá FOB bình quân 427,17 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2015, số lượng tăng 9,71%, trị giá FOB tăng 11,29%, trị giá CIF tăng 12,29% và giá FOB bình quân tăng 6,06 USD/tấn.

+ Hợp đồng đã đăng ký đạt 3,536 triệu tấn, giảm 0,2% so cùng kỳ năm 2015, hợp đồng chưa giao là: 1,254 triệu tấn, tồn kho doanh nghiệp là 1,151 triệu tấn.

Theo Cục Trồng trọt

Giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu 2017

Theo ước tính của Bộ Tài Chính, dự kiến giá thành sản xuất lúa kế hoạch của vụ Hè Thu 2017 ở ĐBSCL bình quân toàn vùng khoảng từ 3.148 đến 5.192 đồng/kg, tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao là Bến Tre, 5.192 đồng/kg; tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất là Cà Mau, 3.148 đồng/kg; các tỉnh còn lại bình quân 3.900 đồng/kg.

Giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ Hè Thu 2017 ĐBSCL bình quân khoảng 3.992 đồng/kg, tăng hơn 154 đồng/kg so với giá thành thực tế lúa Hè Thu năm 2016 (3.840 đồng/kg), tương đương với việc tăng thêm đầu tư khoảng 1.420 tỉ đồng trên tổng sản lượng lúa Hè Thu 2017 (150 đồng/kg X 9,5 triệu tấn lúa).

Theo Cục Trồng trọt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới