(KTSG Online) – Chi phí năng lượng tăng vọt khiến các công ty ở Mỹ bắt đầu thu hẹp các hoạt động sản xuất công nghiệp, đe dọa gây trì trệ hơn cho nền kinh tế.
- Tập đoàn Philippines chi 165 triệu đô la sở hữu 9 nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam
- Giá khí đốt ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 13 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại
Không cáng đáng nổi chi phí khí đốt và điện đắt đỏ, trong những tháng qua, hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón, thép và hóa chất ở châu Âu đã phải dừng hoạt động để tránh thua lỗ. Nhiều nhà máy sản xuất giấy, chế biến đậu nành và sản xuất hàng điện tử ở châu Á cũng phải dừng hoạt động vì thiếu điện. Giờ đây, cỗ máy sản xuất công nghiệp của Mỹ cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Hôm 22-6, 600 công nhân tại nhà máy nhôm lớn thứ hai ở Mỹ ở Hawesville, bang Kentucky được thông báo cho nghỉ việc vì nhà máy không đủ khả năng cung cấp chi trả hóa đơn điện tăng gấp 3 lần chỉ trong vài tháng. Công ty Century Aluminium, cho biết nhà máy này sẽ tạm dừng hoạt động tối đa là một năm.
Ít nhất hai nhà máy thép lớn ở Mỹ cũng bắt đầu tạm ngừng một số hoạt động để cắt giảm chi phí năng lượng. Hồi tháng 5, một tổ chức đại diện cho các nhà máy trên khắp miền Trung Tây của Mỹ cảnh báo các cơ quan quản lý năng lượng liên bang rằng một số nhà máy sẽ đóng cửa trong mùa hè này hoặc lâu hơn do chi phí điện “bất hợp lý”. Họ yêu cầu được miễn hoàn toàn một số chi phí điện năng, một yêu cầu mà nếu được chấp thuận, sẽ là một tiền lệ chưa từng có.
Không khó hiểu vì sao giá điện ở Mỹ lại tăng nhanh. Vào đầu tháng 6, giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ đã tăng gấp 3 lần so với một năm trước đó, khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở một số khu vực phải trả hóa đơn điện cao nhất từ trước đến nay. Vào mùa hè này, giá điện tính cho các khách hàng công nghiệp ở Mỹ sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử, dự báo của chính phủ Mỹ.
Số giờ làm thêm trong ngành sản xuất của Mỹ đã giảm trong 3 tháng liên tiếp, đợt suy giảm dài nhất kể từ năm 2015. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ trong tháng 6 rơi đến mức thấp nhất trong 2 năm khi lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm.
Một tuần sau thông báo đóng cửa nhà máy của Century Aluminium, đến lượt nhà sản xuất nhôm lớn nhất Mỹ, Alcoa Corp. cũng cho biết sẽ giảm 1/3 công suất tại một nhà máy ở bang Indiana vì gặp “những khó khăn trong hoạt động”.
Lĩnh vực sản xuất không phải là động lực tăng trưởng kinh tế hàng đầu của nền kinh tế Mỹ như trước đây. Cách đây 70 năm, các nhà máy của Mỹ sử dụng hơn một phần ba lực lượng lao động của cả nước nhưng hiện chỉ sử dụng khoảng 8% lực lượng lao động phi nông nghiệp. Suy thoái công nghiệp tự nó sẽ không đẩy nền kinh tế vào cơn suy thoái, nhưng điều này vẫn có thể xảy ra nếu kết hợp với sự yếu kém trong các lĩnh vực khác. Mặc dù sức mạnh của cổ máy công nghiệp Mỹ đã suy yếu đáng kể trong những năm qua, nó vẫn chiếm hơn 1/10 GDP của đất nước.
Các nhà máy đang cố gắng hoạt động hiệu quả hơn để giảm hóa đơn điện, nhưng số tiền họ có thể tiết kiệm sẽ bị hạn chế. Ở nhiều khu vực, các khách hàng công nghiệp không chỉ trả tiền cho điện năng mà họ sử dụng mà còn trả tiền cho “phí công suất”, về cơ bản là một chính sách bảo hiểm để giúp giữ đủ sản lượng điện trên lưới điện trong những ngày nhu cầu lên đỉnh điểm. Và với giá năng lượng bán buôn gần mức cao nhất kể từ năm 2008 và nhiều nhà máy điện cũ kỹ dừng hoạt động, phí bảo hiểm đó đang tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là ở các bang nằm ở khu vực trung tâm của đất nước, nơi có nhiều hoạt động công nghiệp.
Katie Coleman, luật sư của Hiệp hội các nhà sản xuất ở bangTexas, cho biết, các thành viên hiệp hội này có ba yếu tố chi phí lớn: thuế, điện và lao động. Ba yếu tố này thay đổi theo thời gian nhưng hiện tại, điện là một yếu tố gây ra chi phí lớn hơn bình thường.
Coleman cho biết một công ty có nhiều nhà máy đang cố gắng duy trì hoạt động trong mùa hè nhưng một số công ty có thể quyết định đóng cửa nhà máy vĩnh viễn.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự gia tăng giá năng lượng ở Mỹ trong năm nay: tác động từ cuộc chiến Nga-Ukraine, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang các thị trường nước ngoài tăng mạnh, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, các nhà máy điện già cỗi ngừng hoạt động với tốc độ kỷ lục. Tất cả những vấn đề đó xảy ra đúng vào lúc nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục hồi mạnh mẽ ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.
Trong nhiều tháng qua, một tổ chức có tên gọi “Người tiêu dùng năng lượng công nghiệp Mỹ” (IECA), đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden hạn chế lượng khí đốt mà các nhà cung cấp năng lượng Mỹ bán ra nước ngoài. IECA cảnh báo hoạt động xuất khẩu cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong nước. Nhưng một biện pháp như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và đe dọa hàng tỉ đô la đầu tư vào các kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng được xây dựng dọc theo bờ biển của Mỹ.
Theo Bloomberg