Có một màu tím ấy
Công Thắng
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) - Tôi mê bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan từ thời còn học phổ thông. Hồi đó, trước 1975 bài thơ này được phổ biến rộng rãi ở miền Nam cùng với những bài thơ nổi tiếng khác của Quang Dũng, Hoàng Cầm… sáng tác thời kháng chiến chống Pháp.
(Để tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan vừa qua đời)
Thuộc và ngâm nga các tác phẩm này hoài nhưng cũng có những chỗ chưa rõ về xuất xứ và những tình tiết liên quan đến nội dung của chúng. Cho nên có một thời gian tôi vẫn đinh ninh rằng nhân vật “nàng” trong Màu tím hoa sim chết vì bom đạn thời chiến mà không hề chú ý là trong cả bài thơ không có câu chữ nào thể hiện rõ hay ám chỉ điều này!
Có lẽ tại cái nếp nghĩ thường tình đã điều kiện hóa chính mình: trong chiến tranh khốc liệt thì chuyện chết vì bom rơi đạn lạc vẫn xảy ra hàng ngày, có chừa ai đâu. Với lại, thơ văn thời ấy cũng thường ghi lại những cái chết đau thương như vậy. Như thơ Quang Dũng có đoạn: “Mẹ tôi em có gặp đâu không; Những xác già nua ngập cánh đồng; Tôi cũng có thằng con bé dại; Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông…” (Đôi mắt người Sơn Tây).
Là tôi đã tưởng như vậy, hồi ấy. Sau này, khi được biết rõ hơn về hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, tôi mới tự trách mình chủ quan và ngây ngô thật. Nhà thơ cho biết “nàng” chết vì bị nước cuốn, chết trôi, không phải chết vì bom rơi đạn lạc. Thực tế là như vậy, cái biến cố tạo nên nguồn cảm xúc mãnh liệt để Hữu Loan cầm bút viết nên Màu tím hoa sim là như vậy.
Biết vậy rồi, trí có ngỡ ngàng đôi chút nhưng lòng yêu thích Màu tím hoa sim thì vẫn vậy. Ngẫm lại, dù bởi nguyên nhân gì thì cái chết đột ngột của một phụ nữ còn quá trẻ, hiền hòa, khả ái, lấy chồng mà chưa được mấy ngày sống yên vui hạnh phúc cùng chồng, cũng là nỗi mất mát lớn, nỗi đau khổ lớn cho những người thân yêu. Vả lại, cái chết không trực tiếp bởi chiến tranh ấy thực ra lại có sự can dự nhiều của cuộc chiến: ngày cưới, chàng “mặc đồ quân nhân, đôi giày đinh bết bùn đất hành quân”, rồi “cưới nhau xong là đi”.
Từ ấy, chàng thì “từ chiến khu xa nhớ về ái ngại, lấy chồng đời chiến chinh, mấy người đi trở lại…”, còn “người gái nhỏ hậu phương” thì “đèn khuya bóng nhỏ, nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa”. Và bi kịch xảy ra lúc chàng đang ở chiến trường, nghe tin vợ chết, quay về không kịp nhìn thấy mặt lần cuối; và thêm ba người anh cũng đang ở chiến trường “được tin em gái mất, trước tin em lấy chồng”. Bi kịch tình yêu của họ, do vậy, vừa mang tính chất riêng tư vừa gắn với khung cảnh thời chiến.
Nhưng cuộc chiến ở đây là cuộc kháng chiến hào hùng của cả dân tộc đứng lên giành độc lập, chính do vậy mà nỗi đau của một người vệ quốc quân tuy nhiều chất bi nhưng không là bi lụy, có đau đớn đến nát lòng nhưng không oán trách, tuyệt vọng: chàng vẫn nhịp bước hành quân cùng đồng đội. Ở khía cạnh này, Màu tím hoa sim là khúc tình ca mang chất bi tráng.
Nhưng Màu tím hoa sim lay động mạnh lòng người không chỉ bởi tiếng khóc được nén lại ấy mà còn bởi cái không gian thơ thăm thẳm ngậm ngùi một màu tím của hoa sim. Cái không gian ấy bắt đầu mở ra từ buổi chiều tác giả “hành quân qua những đồi sim” và tâm trí trở ngược về với hình ảnh ký ức: “Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím, áo màu tím hoa sim” để rồi bùng vỡ trong cảm xúc ngập tràn: những đồi hoa sim giờ như chạy dài mải miết đến vô tận và màu tím hoa sim giờ đã nhuộm tím thẫm cả một khung trời hoang vắng, mờ mịt. Người thơ như tan vào không gian tím tiếc thương quay quắt ấy:
“Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt…”
Trước Hữu Loan, trong thơ ca Việt Nam chưa thấy ai nhắc đến hoa sim, trừ một vài câu ca dao. Có lẽ bởi nhiều người xem nó quê mùa, hoang dại. Cho nên thật bất ngờ khi hoa sim cùng với màu tím của nó xuất hiện và trở thành một hình tượng nổi bật trong một bài thơ trữ tình, lãng mạn. Người “em gái” yêu hoa sim tím quê mùa, hoang dại đó thật dung dị, đáng yêu và nhà thơ viết về những đồi sim và màu tím hoa sim vừa quen thuộc vừa kỳ diệu ấy cũng quá tài hoa.
Bao nhiêu người đã biết đến hoa sim, đã nhìn nó với con mắt khác, và hơn nữa, đã yêu màu tím sim sau khi đọc bài thơ này? Chính Hữu Loan đã vinh danh nó, thăng hoa nó, tạo cho nó một đời sống khác, một nhan sắc bất tử. Cũng từa tựa Nguyễn Bính với “giậu mồng tơi”, TTKH với “hai sắc hoa ti gôn”, Huy Cận với “vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu”, Hàn Mặc Tử với “lá trúc che ngang mặt chữ điền”, hay Lưu Trọng Lư với “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”…