Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có nên trữ lúa, gạo?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên trữ lúa, gạo?

Hồ Hùng

Kho trữ lúa, gạo của một doanh nghiệp ở Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Những ngày gần đây, theo đà mua lúa gạo tạm trữ của các doanh nghiệp xuất khẩu theo chỉ đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhiều hàng xáo, doanh nghiệp tư nhân (DNTN), thậm chí cả nông dân cũng âm thầm trữ lúa, gạo. Liệu giá lúa, gạo những tháng tới có tăng vọt như kỳ vọng của những người tích trữ?

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, những ngày qua đã có dấu hiện trữ lúa, gạo từ những hàng xáo, DNTN… tại Đồng Tháp. Không mua vào đại trà, mà họ chỉ chọn loại lúa gạo tốt, còn nếu mua lúa IR 50404 thì cũng chỉ chọn loại hạt chắc… Điều này đã góp phần nâng giá lúa tại tỉnh này nhóng lên đôi chút, từ 50-100 đồng/ki lô gam.

Còn ở Cần Thơ, nhiều DNTN, chủ kho gạo tại tuyến lộ Vòng Cung cũng đang mua trữ khá nhiều lúa, gạo. Những nông dân khá giả, cũng không vội bán lúa, ngoại trừ một số nông dân trồng lúa IR 50404 nhưng chất lượng hạt không tốt buộc phải “ôm” vì hàng xáo chưa chịu mua. Phần lớn những người trữ lúa, gạo đều có chung nhận định rằng giá hiện tại đã là khá thấp nếu so hồi cuối năm 2009, nên việc bỏ vốn tích trữ cầm chắc sẽ thu lãi.

Giá gạo sẽ khó tăng mạnh?

Theo nhận định của các chuyên gia lúa, gạo, El Nino sẽ ảnh hưởng mùa màng vào tháng 4 và tháng 5 tới, thậm chí có khả năng kéo dài đến tháng 6, tháng 7. Do đó, các nước sản xuất lúa sẽ gặp khó khăn về sản lượng. Nhằm ngăn ngừa trước ảnh hưởng khó khăn từ mùa màng, mới đây Thái Lan cũng đã lên kế hoạch kiểm tra, ngăn tích trữ lúa, gạo và đầu cơ giá.

Tuy nhiên, giá gạo trên thị trường thế giới trong hai tuần qua không tăng, thậm chí có lúc giảm khoảng 5 đô la Mỹ/tấn. Nguyên nhân chính là cầu chưa có dấu hiện gia tăng, dù đã có thông tin Philippines sẽ nhập khẩu thêm khoảng 0,6 triệu tấn gạo. Bởi Thái Lan vẫn đang tồn kho lượng gạo khá lớn và vẫn đang triển khai mua vào cho nông dân, do đó nguồn cung tiềm ẩn vẫn khá dồi dào khiến áp lực cung cầu chưa xuất hiện để nâng giá gạo đi lên…

Cầu không tăng cũng là lý do mà trong hơn một tháng qua, các hợp đồng xuất khẩu gạo thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị ách tắc. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, phía nhà nhập khẩu luôn đòi hỏi phải hạ giá, trong khi theo chỉ đạo của VFA là phải kiên quyết giữ giá xuất cho gạo Việt Nam, nên giữa hai bên mua và bán chưa đạt thỏa thuận.

Đến thời điểm này, Ấn Độ vẫn chưa có kế hoạch nhập khẩu gạo như các nhà xuất khẩu kỳ vọng hồi cuối năm 2009. Còn tại châu Phi, một thị trường tiêu thụ lúa, gạo khá lớn, do thời gian qua giá gạo tăng và nếu so sánh thì sử dụng lúa mì sẽ hiệu quả hơn, nên người tiêu dùng đang có khuynh hướng thay thế lúa, gạo bằng lúa mì. Dù Indonesia, Malaysia, Philippines… đều có thể phải nhập khẩu gạo trong thời gian tới và đây là điều có thể khiến giá gạo gia tăng, nhưng vấn đề ở đây là khi nào các nước này sẽ nhập? Theo nhiều dự đoán, việc nhập khẩu gạo của các nước này chỉ có thể xuất hiện sau tháng 6-2010, do đó, từ đây đến giữa năm, giá gạo xuất khẩu khó lòng tăng mạnh.

Trong quí 2-2010, giá chỉ tăng cao trong trường hợp xấu xảy ra là thiên tai ảnh hưởng nặng nề và tình trạng mất mùa làm tăng mạnh nhu cầu mua. Nhưng đây là yếu tố không lấy gì làm chắc chắn và nếu đứng trên quan điểm nhà đầu tư, phần lớn sẽ không bỏ tiền ra mua trữ lúa, gạo nhằm hy vọng giá sẽ lên vì điều này.

Khó đạt lợi nhuận như mong muốn

Phần lớn những người trữ gạo đều hy vọng giá gạo sẽ tăng trong những tháng tới và đó là lúc họ sẽ bán ra để thu lợi. Nhưng giả như giá có tăng, liệu họ có dễ bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu?

Theo VFA, tồn kho hồi cuối năm chuyển sang khoảng 1,45 triệu tấn gạo. Và sau khi triển khai việc mua tạm trữ theo chỉ đạo của VFA, theo số liệu công bố hồi cuối tuần rồi thì các doanh nghiệp đã mua được khoảng 0,7 triệu tấn. Cộng thêm lượng mua vào “rải rác” trong hai tháng đầu năm, thì riêng lượng mua vào của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay nhiều khả năng cao hơn một triệu tấn. Nếu như trong tháng 4 tới, các doanh nghiệp mua tiếp để đạt con số một triệu tấn mua tạm trữ theo chỉ đạo, thì vẫn còn hơn hai triệu tấn gạo vụ đông xuân này sẽ nằm trong kho của những người trữ lúa, gạo là các DNTN, hàng xáo và chính nông dân.

Trong khi đó, tính đến hai tuần đầu tháng 3, các doanh nghiệp mới xuất được tổng cộng hơn 845.000 tấn với kim ngạch hơn 402,6 triệu đô la Mỹ. Như vậy, nếu tính theo số liệu báo cáo và chưa kể lượng gạo sẽ mua vào trong những ngày tới, thì các doanh nghiệp vẫn còn tồn kho ít nhất 1,6 triệu tấn!

Lượng gạo tồn kho này đủ để các doanh nghiệp ung dung xuất đến hết quí 2-2010 và không vội gì mua vào nếu giá tăng đột biến. Do vậy, giả như thị trường biến động lớn, giá gạo xuất khẩu có tăng mạnh trong những tháng tới, thì chưa chắc những người trữ lúa, gạo trong thời điểm này được hưởng lợi ngay. Chính vì những nhận định này, theo một số chuyên gia, nếu trữ lúa, gạo trong thời điểm này thì đến tháng 6-2010, dù không lỗ, nhưng lợi nhuận sẽ không cao và thậm chí lỗ nếu tính đủ lãi suất ngân hàng, chi phí lưu kho, thất thoát…

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, lý do họ vẫn mua tạm trữ là theo chỉ đạo của VFA, nhằm cản đà suy giảm của giá lúa. Lợi thế của các doanh nghiệp này là được hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất có khi chỉ 12%/năm. Nếu có rủi ro khi giá gạo giảm, họ buộc phải chấp nhận, nhưng nếu giá gạo tăng thì họ sẽ được hưởng lợi trước do chủ động về đầu ra, với lượng gạo vẫn còn trong kho. Do đó, nếu các DNTN, hàng xáo, nông dân… cùng trữ lúa, gạo theo họ thì khó lòng căng sức để chờ đến khi giá gạo tăng mạnh và doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường mua lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới