Thứ tư, 7/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Có phải là “em ơi, Sài Gòn phố”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có phải là “em ơi, Sài Gòn phố”?

Nguyễn Thị Ngọc Hải

(TBKTSG) - Vào dịp kỷ niệm lễ hội 1.000 tuổi Thăng Long, đã có một đêm Phan Vũ trình diễn bản trường ca Em ơi Hà Nội phố. Đến trước Tết này, anh sẽ trình diễn tại TPHCM một bản trường ca anh cho là “tùy bút thơ về Sài Gòn”.

Đọc thơ Em ơi Hà Nội phố, Phan Vũ bỏ phong cách ăn mặc bụi của nghệ sĩ ngày thường, diện bộ đồ lớn trên nền tiếng đàn guitar tung hoành dữ dội của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Buổi trình diễn nghệ thuật dưới ánh nến lung linh trước hàng trăm trí thức, văn nghệ sĩ thủ đô đã tạo được một ấn tượng đẹp.

Bài thơ suốt nửa thế kỷ, cứ thỉnh thoảng lại sửa, không bản nào hoàn toàn giống bản nào. Nhà thơ bảo đây là dịp cuối cùng anh nói một lời chính thức với người Hà Nội về bài thơ hoàn chỉnh của mình.

Còn bài thơ về Sài Gòn có tên Bao giờ là mãi mãi - anh lặp đi lặp lại câu hỏi thảng thốt của người vợ đầu (diễn viên điện ảnh Phi Nga) khi bà sống ở đất Bắc: Bao giờ về Sài Gòn? Bà hỏi câu ấy suốt quãng đời đi tập kết, đóng phim trong chiến tranh, và cả khi đất nước được thống nhất, được về lại Sài Gòn. Nó ám ảnh bà trong lúc đau ốm liệt giường, trước khi mất, khi tỉnh, khi mơ. Bởi bà là người con gái Sài Gòn, nỗi nhớ khắc khoải như tất cả những người đi xa nhớ Hà Nội vậy.

Bài thơ về Sài Gòn này, Phan Vũ đọc và muốn một giọng nữ Sài Gòn cùng đọc. Anh thuyết phục vợ mình, nhà báo Diễm Chi, cũng là một cô gái Sài Gòn, “nhưng cô ấy còn suy nghĩ, thường dễ thay đổi ý kiến lắm”. Buổi trình diễn thơ sẽ diễn ra ở cà phê Văn Thánh do hai nghệ sĩ Cao Lập - Lê Triều Điển tổ chức.

Người đệm guitar là một doanh nhân trẻ đi học ở Anh về, tên là Toàn. Toàn cho biết sẽ dùng nhạc Trịnh Công Sơn, đoạn mở đầu là bài Em còn nhớ hay em đã quên. Khúc kết thúc sẽ là Này em có nhớ với các ý thơ Chúa, Phật đã bỏ loài người, này em xin cứu một người... bài thơ nỗi niềm cứu người thi sĩ... Anh bạn doanh nhân làm cái việc đệm đàn như một nghệ sĩ, bởi anh yêu bài thơ này của Phan Vũ “không màu mè, không nhiều trang sức, nó chính là thơ”...

Hà Nội - hoài niệm. Sài Gòn - sự thật bi hùng. Trường ca Sài Gòn này nói gì vậy? Sài Gòn hiện ra có đẹp và da diết hoài niệm như Hà Nội phố? Nhà thơ Phan Vũ: tôi viết năm 1996 - bài thơ ám ảnh câu hỏi của Phi Nga, cô gái rời bỏ Sài Gòn lúc 16 tuổi ra bưng biền, đi tập kết. Gần như ngày nào cô ấy cũng nói chuyện Sài Gòn và hỏi: Bao giờ về Sài Gòn hả anh? Thậm chí khi có đảo chính ở chính quyền Sài Gòn cũ, cô ấy nghĩ sắp được về Sài Gòn giải phóng - một sự ám ảnh quê hương “rất kỳ dị”.

Khi đất nước giải phóng, vừa về đến quê thì cô bị tai biến ngã gục ngay trên phố Sài Gòn và sống câm lặng, những tháng cuối cùng sống đời sống thực vật - tới gần 10 năm mới mất.Ám ảnh từ câu hỏi nhớ nhung tha thiết ấy, nhà thơ đã viết bản trường ca mà anh gọi là tùy bút thơ.

Nhưng nó lớn hơn nhiều một kỷ niệm cá nhân. Nó là nỗi đau thương và quật khởi của một thành phố, một dân tộc.Nó có thể được coi là một “Em ơi Sài Gòn phố” không? Phan Vũ: “Nặng ký hơn nhiều. Tôi không thể không viết Sài Gòn. Hà Nội là hoài niệm xa da diết, là nuối tiếc, nhẹ nhàng nhòa vào kỷ niệm. Sài Gòn là sự thật, bi tráng. Nói đúng nghĩa thì tôi yêu Sài Gòn quá nhiều, bởi theo tôi tất cả những gì tôi có là do Sài Gòn...”.Anh sống với Sài Gòn, với Nam bộ nhiều hơn.

Chúng ta biết Phan Vũ là một thi sĩ, Trưởng đoàn Kịch Nam bộ, một trong số những người đầu tiên ở Ban chấp hành đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, là đạo diễn sân khấu, điện ảnh, viết báo, “có đóng vài phim lăng nhăng, nghề cuối cùng là vẽ” (lời Phan Vũ). Nhưng thuở đầu tiên, anh chính là bộ đội cụ Hồ. Không ai có thể ngờ Phan Vũ từng là chỉ huy trưởng quân sự một tỉnh nhiều cọp nhất ở Campuchia thời chống Pháp. Anh cũng từng chỉ huy một đơn vị bộ đội năm 1946 đeo ba lô đem vàng, tiền từ Trung ương vào Nam bộ. Mỗi người lính đeo một cái thùng hàn gắn miệng hoặc đeo hai cát tút và hai bao đạn đựng vàng.

“Kháng chiến, tôi ở Đồng Tháp Mười bưng biền vẫn mơ ước về cái vầng sáng từ Sài Gòn thương nhớ”. Có thời kỳ anh làm trong phòng dân quân của ông Lê Duẩn. “Sài Gòn dính dáng đời tôi nhiều lắm”. Anh tiếp xúc với những trí thức Sài Gòn như Phạm Ngọc Thuần, Phạm Văn Bạch, Kha Vạng Cân, Ca Văn Thỉnh... Họ tự nguyện ra bưng biền, bỏ cuộc đời sung sướng về với dân tộc. Anh nói: Sài Gòn tính dân chủ mạnh. Làm gì ở đâu có cái đặc sắc như ký giả đi ăn mày, phong trào sinh viên học sinh, tiểu thương Phật giáo như ở Sài Gòn những năm tranh đấu.

Trong bài thơ Sài Gòn hiện ra “Em sẽ tìm hàng me... Và tà áo trắng bay”, nhớ quá phố chợ xưa Bà Chiểu! Mới ngày nào vang tiếng hát lên đàng. “Ba cầm tầm vông đi trong hàng ngũ, má che dù, tất tả...”. Những tiếng rao đêm, “nhớ sầu riêng măng cụt, ra bến sông ngắm những con tàu...”. Sài Gòn còn hiện ra với cuộc tranh đấu, với những mất mát hy sinh đau thương dũng cảm.

Có hẳn một chương Phan Vũ đặt câu hỏi: “Bao giờ có một Sài Gòn ngang tầm với những hiến dâng?”. Anh bảo không thể né tránh những vấn đề không đụng tới được. Cảm xúc của những phố Sài Gòn năm Mậu Thân, suy nghĩ về cái chết của người ở chiến tuyến bên kia.

Bốn mươi năm nhỏ máu hiến dâng, Sài Gòn hôm nay còn chưa làm được câu trả lời xứng đáng. Đó là một câu trả lời day dứt khôn nguôi. “Sài Gòn, tôi yêu thương nhiều. Đẹp của Sài Gòn không chỉ là kỷ niệm tình đất tình người mà còn là nỗi đau, mất mát nhiều lắm, không bi quan mà hoành tráng lớn lao...”, Phan Vũ nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới