Thứ tư, 11/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ phần hóa quá khó khăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phần hóa quá khó khăn

Trong ảnh là quang cảnh lễ hạ thủy tàu VTC Dragon tại Hải Phòng - Ảnh: VINASHIN

(TBKTSG Online) - Kế hoạch cổ phần hóa năm 2008 chỉ đạt 25% kế hoạch với 74/262 doanh nghiệp. So với tỷ lệ 23% của năm 2007 và các năm trước - có thể nói rằng số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa trong năm 2008 là thấp nhất từ trước đến nay.

Điều đó cho thấy tiến trình cổ phần hóa chưa hết trở ngại so với mục tiêu mong muốn.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Trần Văn Tá trong cuộc trò chuyện hôm 16-1 với các phóng viên cho biết: “Năm 2008, số lượng doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận từ các bộ, địa phương chỉ là 42 doanh nghiệp”.

Ông Tá giải thích: “Số lượng các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao ít do kết quả cổ phần hóa năm 2007 cả nước đạt thấp. Thứ hai, theo quy định mới, các công ty TNHH một thành viên được các bộ, địa phương chủ quản giữ lại để thực hiện cổ phần hoá rồi mới chuyển giao”.

Để đôn đốc việc chuyển giao, Tổng công ty đã phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) có công văn số 10375/BTC-TCDN ngày 05-9-2008 của Bộ Tài chính gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị tổng hợp tình hình chuyển giao. Hiện nay đã nhận được số liệu báo cáo từ 45 bộ, địa phương và theo đó số doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao là 135, trong đó 57 doanh nghiệp đã quyết toán vốn nhà nước.

Con số được Bộ Tài chính công bố hồi cuối tháng 11-2008 cho thấy, tính từ đầu năm 2008, cả nước đã sắp xếp được 121 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 73 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; các hình thức khác (giao, bán, giải thể, phá sản, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn) được thực hiện với 45 doanh nghiệp.

Tính đến ngày 31-12-2008, tổng số doanh nghiệp còn lại trong danh mục đầu tư của SCIC là 805 doanh nghiệp với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 8.139 tỉ đồng.  Theo loại hình doanh nghiệp, trong số 805 doanh nghiệp thuộc danh mục của SCIC có 20 công ty TNHH một thành viên, một công ty TNHH hai thành viên và 784 công ty cổ phần.

Ông Tá cũng cho hay, công tác đối chiếu, đôn đốc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp (267/784 công ty cổ phần) chưa được các bộ, địa phương phê duyệt quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần (quyết toán vốn nhà nước lần 2) nên khó đối chiếu nợ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chiếm dụng vốn vào sản xuất kinh doanh, hiện nay gặp khó khăn và không trả được nợ.

Tính đến 31-12-2008, SCIC đã thực hiện bán vốn nhà nước tại 70 doanh nghiệp (trong đó bán vốn toàn bộ tại 55 doanh nghiệp) với giá trị ghi sổ phần vốn bán là 122 tỉ đồng, giá trị thực tế thu về là 211 tỉ đồng.  Nhìn chung, những biến động kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường chứng khoán năm 2008 đã ảnh hưởng tới lượng cầu đầu tư vào các doanh nghiệp bán vốn của SCIC cũng như tiến trình cổ phần hóa.

“Dự báo trong năm 2009, SCIC có thể khó khăn trong việc thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thành viên gặp khó khăn trong huy động vốn kinh doanh, hiệu quả kinh doanh bị suy giảm, tác động đến cổ tức cho cổ đông Nhà nước”, ông Tá nói.

Trong giai đoạn 2008 - 2010, kế hoạch của Chính phủ là sắp xếp 1.535 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 948 doanh nghiệp. Vậy, tính đến thời điểm này thì trong hai năm 2009 và 2010 chúng ta sẽ phải cổ phần hóa xong trên 800 trường hợp nếu muốn hoàn thành kế hoạch.

Đây là một chỉ tiêu vô cùng khó thực thi nếu không nói là bất khả thi.

HỒNG PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới