Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu bất động sản bị bán tháo, ngân hàng đỡ thị trường

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau sự kiện hủy giao dịch gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, dòng tiền bán tháo được kích hoạt mạnh mẽ, nhưng thị trường cuối phiên không giảm sâu nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ngay từ đầu giờ, thông tin về Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc và xin rút khỏi dự án Thủ Thiêm cùng sự kiện “bán chui” cổ phiếu FLC đã kích hoạt dòng tiền bán tháo ở nhiều cổ phiếu bất động sản và ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Tâm lý hoang mang có thể thấy rõ trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán được ví như đi “tàu lượn” khi đảo chiều liên tục. Chỉ số VN-Index có lúc giảm gần 25 điểm nhưng chốt phiên lại tăng hơn 18 điểm, lên mức 1.510 điểm. Tâm điểm của sự đảo chiều này nằm ở hai nhóm cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu ngân hàng.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đều giảm sàn, dư bán đồng loạt vài chục triệu cổ phiếu. Cổ phiếu FLC giảm sàn về mức 18.550 đồng/cổ phiếu, trong khi hơn 39 triệu cổ phiếu "xếp hàng" chờ bán nhưng không khớp lệnh.

Đà bán tháo và dư bán sàn cũng diễn ra tương tự ở những cổ phiếu thuộc “họ FLC”  như HAI, ROS, ART, AMD. Như vậy tình trạng dư bán sàn vài chục triệu đơn vị vẫn tiếp diễn từ khi ngày 10-1, sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thị trường cuối phiên trở lại tình trạng cân bằng sau khi bán tháo vào phiên sáng. Nguồn: Vietstock

Ở nhóm cổ phiếu liên quan đến sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm cũng diễn ra tình trạng “nằm sàn” từ đầu phiên giao dịch. Chẳng hạn như các cổ phiếu CII (Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM) giảm sàn về mức 59.700 đồng/cổ phiếu ngay từ đầu phiên sáng, cuối phiên dư bán sàn gần 20 triệu cổ phiếu.

Đáng lưu ý là phiên giao dịch ngày hôm nay khối lượng khớp lệnh khá thấp, như lượng giao dịch khớp lệnh của CII chưa tới 1 triệu cổ phiếu, trong khi 2 ngày liền kề trước đó (ngày 10 và 11-1 vừa qua) bình quân khoảng hơn 16,5 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Điều này nghĩa là lượng người bán chiếm áp đảo so với bên mua.

Tương tự, nhiều cổ phiếu đã tăng nóng theo giá đất Thủ Thiêm nay cũng giảm sàn, dư bán vài chục triệu đơn vị, khối lượng giao dịch giảm rất mạnh. Chẳng hạn các nhóm cổ phiếu được quan tâm gần đây như SCR, HQC, QCG, NBB, CEO, DIG đều giảm sàn.

Tình trạng bán tháo ồ ạt các mã bất động sản trong phiên sáng tiếp tục được duy trì trong phiên chiều. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, dòng tiền bất ngờ chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau tâm lý ngập ngừng trong phiên sáng.

Theo đó, các cổ phiếu ngân hàng như BID, STB, TPB đều tăng trần, ở trong trạng thái “trắng bên bán”. Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng rất mạnh khi kết phiên chiều như HDB (5,6%), MBB (4,7%), TCB (4%), VPB và CTG (tăng hơn 3%). Dòng cổ phiếu chứng khoán cũng khởi sắc trở lại sau nhiều phiên giảm mạnh, như mã VCI (tăng 2,5%), VND (4,7%), SSI (5%), SHS (4,7%).

Nhìn chung, dòng tiền cũng trở lại nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn. Chỉ số VN30 quay trở lại tăng mạnh 2% với 20/30 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh, 2 mã ở mức tham chiếu và 8 mã giảm giá. Dẫn đầu trong nhóm này là ngân hàng với 3 mã tăng trần.

Kết quả thị trường chung ngày hôm nay trở lại cân bằng, dù số lượng mã giảm vẫn chiếm ưu thế với 267 mã giảm, nhưng cũng có 200 mã tăng trên sàn HSX. Theo Mirae Asset, lực cầu mạnh được kích hoạt khi VN-Index rơi về dưới ngưỡng 1.470 điểm và đã giúp cho VN-Index quay đầu phục hồi nhanh và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Thanh khoản khớp lệnh vẫn được duy trì ở mức cân bằng so với phiên trước đó, với khoảng 1,1 tỉ cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 34.626 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới