Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu tài chính toàn cầu mất 465 tỉ đô la vốn hóa vì biến cố Silicon Valley Bank

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chỉ trong ba ngày qua, cổ phiếu tài chính toàn cầu tổn thất 465 tỉ đô la Mỹ giá trị thị trường khi giới đầu tư cắt giảm tiếp xúc với các ngân hàng từ New York cho đến Nhật Bản sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).

Các nhân viên giao dịch theo dõi bảng điện trên Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 13-3. Ảnh: AP

Đà giảm giá cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nới rộng trong phiên giao dịch sáng nay (14-3) với Chỉ số tài chính MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm tới 2,7% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29-11. Cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) giảm tới 8,3%, còn cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Hana (Hàn Quốc) và Ngân hàng ANZ (Úc) lần lượt giảm 4,7% và 2,8%.

Cổ phiếu ngân hàng ở châu Á chưa thể “cầm máu”  khi cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch hôm qua. Giới đầu tư vẫn hoài nghi về việc liệu kế hoạch giải cứu hệ thống ngân hàng của chính phủ Mỹ có ngăn chặn được nhiều hậu quả hơn từ cuộc khủng hoảng của SVB hay không.

Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 13-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) Martin Gruenberg cam kết bảo toàn tiền gửi của khách hàng tại SVB và Signature Bank, hai ngân hàng bị đóng cửa và được đặt dưới sự tiếp quản của FDIC. Đồng thời, Fed cam kết cung cấp thêm nguồn vốn cho các ngân hàng để đảm bảo họ có khả năng đáp ứng nhu cầu của tất cả những người gửi tiền.

Hôm 13-3, Tổng thống Joe Biden kêu gọi người dân yên tâm và khẳng định hệ thống ngân hàng Mỹ an toàn nhờ hành động ứng phó nhanh chóng trong những ngày qua.

Nhưng với với tâm lý lo sợ về những cú sụp đổ tiếp theo, giới đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu ngân hàng ở Phố Wall. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Mỹ mất khoảng 90 tỉ đô la giá trị thị trường trong phiên giao dịch hôm 13-3, nâng tổn thất vốn hóa của họ trong ba phiên giao dịch gần nhất lên gần 190 tỉ đô la.

Các ngân hàng khu vực của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cổ phiếu của First Republic Bank giảm giá hơn 60%. Trong khi đó, cổ phiếu của hai ngân hàng Western Alliance Bancorp và PacWest Bancorp lần lượt giảm 47% và 21%.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, chỉ số ngân hàng STOXX ở châu Âu giảm 5,7%, với cổ phiếu ngân hàng Commerzbank của Đức lao dốc 12,7% và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ giảm 9,6%, xuống mức thấp kỷ lục.

Giá trị vốn hóa thị trường kết hợp của Chỉ số tài chính MSCI thế giới và Chỉ số tài chính MSCI thị trường mới nổi đã giảm khoảng 465 tỉ đô la trong ba ngày qua.

Các nhà băng châu Á đã được cho là ít chịu rủi ro trực tiếp hơn từ biến cố SVB. Nhà phân tích Francis Chan của Bloomberg Intelligence nhận định hầu hết các ngân hàng lớn ở khu vực Bắc Á chỉ có rủi ro tối thiểu về việc tiền gửi đột ngột cạn kiệt tương tự như tình huống khiến SVB sụp đổ. Điều này là nhờ các khoản tiền gửi, hỗn hợp tài sản và thanh khoản vững chắc của họ.

“Nhưng những ngân hàng nhỏ hơn ở khu vực này có khả năng chứa đựng rủi ro về thanh khoản và tín dụng mà có thể dễ dàng bị phớt lờ”, Chan lưu ý.

Vẫn có những lo ngại rằng các ngân hàng ở châu Á có thể cảm nhận tác động của rủi ro từ các khoản đầu tư lớn của họ vào trái phiếu và các công cụ tài chính khác trong bối cảnh tâm lý thị trường hỗn loạn do SVB gây ra. Hôm 13-3, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm đã giảm mạnh trong một ngày lớn nhất kể từ đầu thập niên 1980 khi giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất do những bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng.

Michael Makdad, nhà phân tích tại Morningstar, cho rằng cổ phiếu tài chính ở Nhật Bản giảm giá mạnh quá đà.

Ông nói: “Chúng ta cần thẩm định rủi ro nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng và xác suất Fed xoay trục chính sách lãi suất. Nếu những điều này không xảy ra, diễn biến cổ phiếu tài chính của Nhật Bản trong hôm nay dường như là phản ứng thái quá”.

Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng Bắc Mỹ của Capital Economics, cho rằng ngay cả khi một số ngân hàng cỡ vừa ở Mỹ sụp đổ, điều này cũng không phát triển thành một cuộc khủng hoảng hệ thống toàn diện, mà chỉ có khả năng cao là gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới