Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con đường bánh phở

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con đường bánh phở

Uyên Viễn

Chị Nguyên thao tác trên máy làm bánh phở của Công ty Hai Thiền. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG) – Không đi theo con đường sản xuất bánh phở gia truyền phải mất 7.200 phút mới làm được sợi bánh phở tươi ngon, chị Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hai Thiền đã đi tìm một phương thức sản xuất mới. Làm bánh phở chỉ trong 1 phút.

Từ một chuyện tình cờ

Đã nhiều năm trôi qua, hình ảnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton dùng món phở tại tiệm phở 2000 nằm kế bên chợ Bến Thành, TPHCM, khi sang thăm Việt Nam vào cuối năm 2000, vẫn gợi những cảm xúc cho chị Nguyên. Chuyện Tổng thống Mỹ ăn phở ngẫu nhiên trở thành sợi dây xâu chuỗi những ý tưởng kinh doanh và quảng bá bánh phở Việt Nam với người tiêu dùng trên thế giới mà chị từng ao ước. “Hình ảnh đó đã tạo cho tôi nhiều cảm xúc và động lực để theo đuổi con đường mình sẽ đi”, chị nói.

Sợi bánh phở vốn đã gắn bó với gia đình chị Nguyên ở Hàm Tân (nay là thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận) từ năm 1983 với “thương hiệu” Hai Thiền (ông Nguyễn Văn Thiền, cha chị). Mỗi ngày lò bánh phở Hai Thiền cung cấp cho các quán phở, hàng ăn ở thị xã Lagi 450 ki lô gam bánh phở (khoảng 10 tấn/tháng).

Từ năm lên tám tuổi, chị đã được ba mẹ, anh chị hướng dẫn cách thoa dầu, ủ bánh, sắp bánh… trong quy trình sản xuất bánh phở. Để làm ra sợi bánh phở, lò bánh phải mất năm ngày, tương đương 7.200 phút, trải qua các công đoạn vo gạo – làm sạch – ngâm nước – xay bột – ngâm bột (lắng và gạn tách nước) – tráng bánh – làm nguội – thoa dầu – cắt bánh thành sợi.

Máy làm bánh phở mini của Công ty Hai Thiền, giá khoảng 90 triệu đồng, sử dụng gas, công suất 25-30 ki lô gam/giờ. Máy cỡ vừa, giá khoảng 175 triệu đồng, công suất 50-100 ki lô gam/giờ. Máy loại lớn, công suất từ 150 ki lô gam/giờ.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành tài chính – kế toán tại TPHCM, năm 1998, chị làm quản lý kho hàng mì ăn liền “Ma ma” nhập từ Thái Lan. Ở đây, chị biết được sự khắt khe của vấn đề “an toàn vệ sinh thực phẩm” trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp nước bạn.

“Những người bạn nước ngoài đã giải thích cho tôi hiểu vì sao khi chế biến mì gói phải mang găng tay dạng lưới để ngăn những sợi lông tay rớt vào thực phẩm, cách thiết kế trang phục lao động tuy ôm sát người nhưng lúc xoay trở làm việc lại rất thuận tiện… Những kinh nghiệm học hỏi được từ doanh nghiệp Thái Lan, cũng như các bạn đồng nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành hành trang quý báu cho tôi trong chặng đường sản xuất bánh phở sạch về sau”, chị Nguyên chia sẻ.

Những năm sau đó, giai đoạn đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới, cơ hội làm ăn cũng dần mở ra đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cách chị Nguyên chọn để thực hiện giấc mộng làm giàu là cùng lúc làm giám đốc doanh nghiệp may gia công đồng phục và doanh nghiệp quảng cáo. “Suốt bảy năm liền “đứng mũi chịu sào” cả hai công ty, tôi giống như người đang đứng cùng lúc trên hai chiếc thuyền, chỉ cần một chiếc bị trục trặc là té nhào! Có những lúc vì tập trung cho công việc bên công ty quảng cáo, xao lãng bên công ty may gia công, kết quả là giao hàng chậm, bị khách than phiền…”, chị nhớ lại.

Đến thực hiện giấc mơ

Nhận thấy mình không thể tiếp tục đi “hàng hai” như vậy, nhất là hình ảnh khó quên kể trên không ngừng thôi thúc chị nghĩ đến một hướng đi khác trong thương trường khi mà món phở Việt Nam ngày càng được người nước ngoài như Mỹ, Úc, Hàn Quốc… ưa chuộng.

Đầu năm 2007, chị Nguyên bán hai doanh nghiệp may gia công và quảng cáo để quay lại với nghề làm bánh phở truyền thống. Những người thân của chị cảm thấy hụt hẫng, như mất đi một điều kỳ vọng về đứa con gái út trong số 11 người con. “Sau một thời gian phản đối kịch liệt nhưng vẫn không xoay chuyển được tôi, gia đình đã tôn trọng để tôi đi tiếp con đường đã vạch ra”, chị nói.

Mặc dù nắm rõ bí quyết gia truyền làm ra sợi bánh phở tươi ngon, hạn sử dụng tối đa trong ba ngày, nhưng chị lại không chấp nhận “quy trình sản xuất năm ngày” rất phức tạp và cơ cực mà các lò bánh phở đang làm. “Tại sao không tìm cách làm ra bột phở có thể chế biến bất cứ lúc nào, thời hạn sử dụng đến một năm?”, chị tự hỏi!

Tháng 2-2007, Nguyên thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Hai Thiền. Trong suốt một năm, chị và người anh đã đi khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ để tìm mua chiếc máy sấy bột từ các cơ sở chế tạo máy có thể khắc phục được nhược điểm trong sản xuất bánh phở là dễ gãy nát và thời gian bảo quản không được lâu.

Qua khảo sát thực tế, chị nhận thấy các loại máy sản xuất bánh phở, sản xuất bún trên thị trường do các cơ sở, công ty cơ khí chế tạo, vì thiếu kinh nghiệm thực tế nên chất lượng sản phẩm không đồng đều. Còn loại máy do các lò bún, phở mua về rồi bắt chước sản xuất theo để bán tuy có được yếu tố kinh nghiệm trong sản xuất nhưng lại không đáp ứng được những yêu cầu cải tiến kỹ thuật của người mua máy!

Để tạo sự khác biệt cho sản phẩm, trên cơ sở máy móc của gia đình đang sản xuất ở thị xã Lagi và các yêu cầu cải tiến, chị đã đặt hàng doanh nghiệp sản xuất thiết kế một loại máy làm bánh phở gọn nhẹ, hội đủ các tiêu chuẩn về an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm thời gian và không thải nước gây ô nhiễm môi trường. Chị cho biết, phải mất tới sáu tháng mới hiểu được “tính nết” của bột, cũng như nắm rõ kỹ thuật sấy bột phối hợp với bí quyết của gia đình để làm ra bánh phở, bánh ướt không sử dụng chất tạo dai, không hàn the, không formon chỉ trong vòng… một phút từ dây chuyền thuộc quyền sở hữu của công ty!

Từ những trải nghiệm suốt gần một năm rưỡi với mức “học phí” đã chi ra khoảng 1,5 tỉ đồng, chị Nguyên cho rằng bánh phở do công ty sản xuất hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Tính đến tháng 8-2009, Công ty Hai Thiền đã hoàn thiện quy trình chế tạo ba loại máy sản xuất bánh phở mini, loại vừa và loại lớn tùy thuộc vào nhu cầu của khách, nguồn nhiên liệu đa dạng tùy theo từng vùng miền. “Máy làm bánh phở của Hai Thiền nếu bán cho khách ở miền Tây thì thiết kế dùng trấu để đốt, miền Trung thì dùng mạt cưa, khu vực TPHCM hoặc vùng lân cận thích hợp với than, củi hoặc điện, khách nước ngoài thì dùng gas”, chị Nguyên cho biết.

Theo kế hoạch, cuối tháng 8 này, Công ty Hai Thiền sẽ chính thức vận hành nhà máy ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM, chuyên sản xuất bột phở, bánh phở tươi và chế tạo máy sản xuất bánh phở, đồng thời đưa ra thị trường dòng sản phẩm bánh phở khô được làm từ khoai môn, bắp, gạo lứt, cũng như bánh phở, bánh hỏi, bánh ướt được làm từ bột phở trộn với các nguyên liệu như gấc, bí đỏ, cải xanh… “Chính sách giá của chúng tôi sẽ thấp hơn khoảng 20-30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường”, chị Nguyên cho biết.

Chị Nguyên cho biết thêm, khoảng tháng 9-2009, Hai Thiền sẽ khai trương một nhà hàng chuyên bán những món ăn Việt Nam được chế biến từ những sản phẩm của công ty và hoàn tất trang web www.haithienfood.vn.

——————–

Công ty TNHH Thực phẩm Hai Thiền, 17 I Nguyễn Thị Tần, phường 2, quận 8, TPHCM. ĐT: 62711201 – 62607950 Fax: 38512890E-mail: nguyen@phohaithien.vn; Website: www.haithienfood.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới