(KTSG) - Năm 2020, nước Pháp có 7.629 ki lô mét đường đi bộ do các vườn quốc gia bảo trì, nhưng nếu tính tất cả các đường đi bộ dài ngắn được đánh dấu ở mọi nơi trên đất Pháp thì tổng chiều dài thực sự là hơn 180.000 ki lô mét. Đi bộ phổ biến ở đất nước này như một nét văn hóa, nhưng đó không phải là văn hóa “độc quyền” quốc gia mà là của nhân loại, vì ai cũng có khả năng dấn bước trên con đường dài nào đó, ở đâu đó vào một lúc nào đó. Đi bộ cũng tạo ra một đời sống kinh tế - xã hội ẩn hiện trên cung đường đi, không náo nhiệt mà thâm trầm và không ngoa khi nói rằng, con đường đi bộ cũng là những bảo tàng văn hóa, xã hội sống động.
- Phố đi bộ và chợ đêm đầu tiên của Hải Dương sẽ khai mạc vào ngày 28-4
- Tạm gỡ bỏ cầu đi bộ để phục vụ việc xây đường nối vào sân bay Tân Sơn Nhất
Đi bộ là hoạt động thể dục hàng đầu ở Pháp, với tỷ lệ người dân thực hành lên đến 56% (27 triệu người từ 18 tuổi trở lên), bỏ xa tỷ lệ thực hành xe đạp (34%) và bơi lội (30%). Năm 2016, nước Pháp có 6.666 ki lô mét đường đi bộ do các vườn quốc gia bảo trì, đến năm 2020 con số này lên đến 7.629 ki lô mét. Như vậy, chỉ trong năm năm, chiều dài tổng cộng dành cho đường đi bộ tăng thêm 1.000 ki lô mét. Nhưng đó chỉ là con số được các vườn quốc gia bảo trì, nếu tính toàn bộ tất cả các đường đi bộ dài ngắn được đánh dấu ở mọi nơi trên đất Pháp thì tổng chiều dài thực sự là hơn 180.000 ki lô mét.
Có khoảng 1.580 máy đếm sinh thái (Eco-compteur) được cài đặt trên đa số các nẻo đường đi bộ để cung cấp số liệu nhằm phục vụ cho việc phân tích, quản lý, bảo vệ di sản kiến trúc và môi trường cho chính quyền các cấp. Thêm vào đó, hệ thống thông tin về đường đi, độ dốc, dịch vụ (quán ăn, quán nước, điểm cắm trại, nhà nghỉ…) được phát triển gần như toàn diện.
Tuy nhiên, tất cả những phương tiện vật chất và tiện nghi nêu trên sẽ không có giá trị gì đáng kể nếu không có những con người tâm thức rộng mở khi bước đi và sinh sống tại những ngôi làng dọc theo các con đường ấy.
Đi: tâm thức rộng mở, hội ngộ với chính bản thân
Đọc ký sự và trải nghiệm những cuộc đi bộ, có lẽ điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể cô đọng lại là sức mạnh chữa lành và tạo ra nhựa sống cho những ai thực hành và chiêm niệm nó. Có được điều này là nhờ người đi bộ ý thức được sự hòa mình, biết xúc động và cảm thán trước thiên nhiên.
Trên đường đi, người ta cảm nhận sỏi đá dưới gót giày, nghe chim hót, ngắm nhìn trời mây, hít thở sâu bầu không khí trong veo không mùi khói bụi. Không gian khi nằm gọn dưới vòm cây, lúc lại mở ra bao la bát ngát, trải dài trước mắt như mời gọi người đi bộ đón nhận tặng phẩm tuyệt vời của tạo hóa. Không chỉ cho người đã trưởng thành, mà đối với trẻ em, những cuộc đi bộ được cha mẹ hoặc người lớn đồng hành còn là cách truyền lại, chia sẻ và giúp trẻ biết chia sẻ tâm tình, khám phá, quan tâm đến những sinh vật bé nhỏ xung quanh… Tất cả những diễn tiến này trên đường đi là cơ hội thiết thực khơi dậy lòng trắc ẩn, yêu thương, gợi mở khả năng đón nhận sự đa dạng, đầy màu sắc của sự sống… để cuối cùng là chuyển hóa chúng thành những sáng tạo tích cực cho bản thân. Đó là hành trang giúp trẻ thiết lập một đời sống quân bình khi lớn lên trong xã hội.
Cụ bà người Pháp Simone Hivert - có 5 người con, 9 người cháu gọi bằng bà và 12 cháu gọi bằng cố - đã mừng sinh nhật lần thứ 100 của mình bằng cuộc đi bộ hơn 20 ki lô mét trên một phần của con đường hành hương huyền thoại Saint Jacques de Compostelle. Đồng hành cùng bà là vài người bạn, trong đó có bác sĩ gia đình. Cụ bà Simone Hivert bắt đầu làm những chuyến đi bộ xuyên nước Pháp khi bước vào tuổi 78. Bà nói: “Đi bộ là cách chia sẻ, là tình bạn, là lắng nghe người khác… Khi đi bộ, chúng ta gặp rất nhiều điều ngạc nhiên, gặp những con người trên đường mỉm cười thân thiện dù họ mang nặng trên vai. Cảm nhận sự can đảm, lòng nhân hậu của họ để thấy mình rất nhỏ bé”.
Cũng trên con đường Compostelle này, cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin (từ tháng 5-2002 đến tháng 5-2005, dưới thời Tổng thống Jacques Chirac) mỗi năm đi một chặng hơn 200 ki lô mét, trong bảy năm liên tiếp và kết thúc vào năm 2013 với số ki lô mét là 1.650. Trừ vài chặng có bạn đồng hành, J-P Raffarin chỉ đi một mình như một người vô danh. Ông chia sẻ: “Khi bắt gặp ai đó trên đường, chúng ta chào nhau lần đầu tiên. Đó là lời chào bình đẳng, mọi người ai cũng như ai. Lần thứ hai, chúng ta nhận ra nhau và cảm thấu rằng mỗi người đang trải qua những gian khó giống nhau. Chúng ta là bạn. Lần thứ ba gặp lại. Chúng ta là anh em”.
Ngoài cảm thán sự trong trẻo của thiên nhiên, gặp gỡ và trở thành bạn bè với người chưa từng quen biết, người dấn bước trên một chuyến đi bộ tương đối dài, từ vài ngày đến vài tháng, đều có lý do riêng.
Có người xem đây là một thử thách cá nhân, có người đi để làm dịu nỗi đau từ một sự mất mát nào đó, có người đi vì sức khỏe, đi để suy tư, có người đi để tìm về chính mình. Tất cả những mục tiêu này khiến người ta đi theo nhịp độ của bản thân, một cách tự nhiên, không vội vã. Người đi nhanh, người đi chậm sẽ có lúc nhìn thấy nhau trên đường. Điểm chung của họ là thiện chí và nhờ đó có thể trở nên thân thiện khi vô tình gặp nhau. Những cuộc gặp gỡ, đôi khi chỉ là ánh mắt, nụ cười, là cái gật đầu hay vài câu chào, hỏi ngắn ngủi. Thế nhưng sự thân thiện chốc lát ấy thường đọng lại rất lâu trong ký ức, để mỗi khi nó trỗi dậy, người ta ước muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho tha nhân.
Sâu hơn nữa là sự gặp gỡ với chính bản thân. Một sự chuyển hóa nội tâm thường xảy ra với nhiều người đi bộ, đặc biệt là những ai đi một mình trên những chặng đường dài. Khi chọn lựa bước đi, người ta muốn vứt mọi phiền não và áp lực của cuộc sống mưu sinh nên cũng sẵn có tâm thế gột rửa bản thân, rũ bỏ oán trách, tị hiềm, sân hận. Sự chậm rãi và mở lòng giúp người ta tận hưởng, phân định để hiểu cội nguồn một vấn đề hay trắc trở trong cuộc sống… để tiếp đến là nhìn ra chân ngã của mình.
Nổi tiếng nhờ biết gìn giữ thiên nhiên, kiến trúc địa phương
Ngoại trừ một số thành phố, địa phương là điểm hành hương hay du lịch nổi tiếng, thì “nhựa sống” trên những con đường đi bộ không làm cho tất cả mọi nơi giàu lên một cách nổi bật và náo nhiệt, mà thâm trầm hơn, nó như một chất keo gắn kết sinh hoạt kinh tế và xã hội cho mọi thành phần liên đới.
Những người đi đoạn đường dài thường mang ba lô nặng, họ không có ý mua những món đồ không thiết yếu để chất thêm trên vai, vì vậy hoạt động kinh doanh ở những nơi này đa số không rầm rộ và mang tính tiêu thụ đại trà, kiểu cái gì cũng có và giá nào cũng có như trong các đô thị lớn. Bề nổi của kinh tế địa phương dọc theo những tuyến đường đi bộ thường khá chọn lọc, như bán sản phẩm chuyên dụng (giày dép, quần áo, nón, gậy, dù…), bán sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở quán ăn, quán nước, nhà nghỉ…
Với đa số các làng nổi tiếng, sự nổi tiếng của họ thường không nằm ở chỗ có nhiều cửa hàng hay dịch vụ mà nằm ở sự giữ gìn thiên nhiên, nét văn hóa hay kiến trúc địa phương. Nhiều người đi bộ sẵn sàng dừng chân để tìm hiểu bản sắc của ngôi làng họ đi qua. Như vậy, con đường đi bộ còn có chức năng của một bảo tàng văn hóa, xã hội sống động. Hầu hết các làng có kiến trúc cổ từ thế kỷ thứ 11, thứ 12 của nước Pháp được bảo tồn nguyên vẹn, như Conques, Auvillar, Saint-Jean-Pied-de-Port… với những ngôi nhà xây trên vách đá, những con đường nhỏ hẹp uốn quanh, những tháp chuông, nhà thờ với bề mặt chạm trổ tinh vi hay những kính màu rực rỡ.
Sự giữ gìn kiến trúc cổ và các làng nghề truyền thống được tiếp nối qua nhiều đời thường đi đôi với nhau. Với phương tiện truyền thông hiện đại, nhiều làng nghề kết nối với mạng lưới châu Âu hoặc quốc tế để phát huy bản sắc độc đáo của sản phẩm địa phương, như nghề làm ren tại Le Puy-en-Velay, nghề đất nung tại làng Lauzerne, nghề dệt lông cừu và sản xuất những sản phẩm từ lông cừu như mền, gối, áo choàng, nón… tại làng Esquièze-Sète (vùng núi Pyrénées). Các xưởng thường có giờ mở cửa cho khách tham quan, nghe giải thích quy trình sản xuất, đặc biệt là để khách nhìn thấy tận mắt - qua từng công đoạn - sự đam mê, lòng yêu nghề, yêu thú vật và thiên nhiên, lan tỏa tại nơi họ vừa làm việc, vừa sinh sống.
Bài viết ngắn nhưng súc tích và đi vào lòng người khi đã đọc. Cám ơn tác giả !