Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cơn mưa và những chuyến về quê

Nhân tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sáng nay thức dậy thấy cơn mưa nặng hạt mà thương cho những phận người.

Đêm hôm qua, 5-10, anh Huy Nguyễn, một Facebooker về thời tiết khá nổi tiếng hiện nay, đăng dòng thông tin về thời tiết trên cá nhân của mình, ẩn trong đó là nỗi xót xa.

Anh dự báo trong ba ngày từ 6 đến 8-10, mưa lớn bắt đầu diễn ra khắp dải đất miền Trung từ Phú Yên tới Quảng Ngãi, lan ra Quảng Nam đến Huế, Quảng Trị đến Nghệ An.

Với kịch bản mưa như vậy thì không biết các địa phương và các cơ quan chức năng có kế hoạch gì tiếp sức hỗ trợ, thiết lập nơi trú chân tạm thời cho mấy ngàn người di chuyển bằng xe máy về miền Trung trong tổng số 14.000 người di chuyển trong những ngày này.

Việc di chuyển dưới trời mưa nặng hạt, gió to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, xe cộ chở hàng cồng kềnh và đặc biệt là có thể có các em bé đi cùng, sẽ rất vất vả và nguy hiểm.

Những lo ngại của anh cũng là nỗi lo của nhiều người khi sáng nay, 6-10, những cơn mưa nặng hạt bắt đầu xuất hiện và kéo dài chưa biết khi nào chấm dứt.

Các đây hai ngày, hình ảnh bà con ùn ùn di chuyển bằng xe máy về quê vừa gây thương cảm và lo lắng. Thương cảm vì liệu họ có về quê an toàn hay không. Lo lắng vì dịch bệnh sẽ bùng phát bất cứ lúc nào tại các trạm kiểm soát ra vào khu đô thị các địa phương.

Và hôm nay, hình ảnh bà con càng trở nên đáng thương hơn khi họ phải chạy xe máy hàng trăm cây số trong cơn mưa.

Nhiều người vui một chút khi đọc thông tin lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ cho các đoàn từ các địa phương phía Nam về quê đi qua địa phận Đà Nẵng bằng cách trung chuyển và dẫn đoàn từ chốt kiểm soát giáp ranh với Quảng Nam đến giáp ranh với Thừa Thiên Huế để đảm bảo an toàn theo một cung đường, nhằm phòng tránh dịch.

Một số nhóm thiện nguyện đứng dọc quốc lộ để sẵn sàng sửa xe và cứu trợ lương thực cho hết đoàn người này đến đoàn người khác.

Nhưng có người đặt vấn đề: “Rồi sao nữa? Quốc lộ rất dài. Tai nạn chết người của hai mẹ con vừa qua là một bài học”.

Người khác thì nêu câu hỏi tại sao không tổ chức những chuyến tàu hỏa đưa những người này về quê an toàn vì tàu hỏa có thể chứa được cả người, xe máy và hàng hóa.

Facebooker Huy Nguyễn thì khuyên những người dân miền Trung có ý định về quê mà dự định muốn về bằng xe máy nhưng chưa khởi hành nên đợi sau ngày 12-10 hãy về. Gắng trụ thêm một tuần nữa để qua đợt mưa.

Có người đứng trên khía cạnh an toàn phòng chống dịch tỏ ra quan ngại. Những đoàn người này về sẽ là gánh nặng cho y tế địa phương khi phải chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung. Cho dù có thêm phương án cho phép cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú thì cũng phải cần lực lượng y tế và dân quân hỗ trợ và giám sát. Quá tải là điều có thể dự báo trước và dịch lại bùng phát tại các địa phương “xanh” lâu nay.

Những cơn mưa vẫn sẽ tiếp tục. Hết đợt mưa này sẽ còn đợt mưa khác từ đây đến cuối năm vì là “đặc sản” của miền Trung.

Những dòng người từ phương Nam "hồi hương" về miền Trung vẫn sẽ tiếp tục. Họ về vì đã cạn kiệt, không còn nguồn để sống. Họ về để phụ giúp gia đình chống chọi qua mùa mưa bão. Với họ, đơn giản về quê còn trồng lúa, ra đồng bắt tôm cá để ăn qua ngày.

Facebooker Huy Nguyễn kiến nghị Chính phủ nên chỉ đạo các tỉnh thành thiết lập các đường dây nóng hỗ trợ người di tản, thiết lập các trạm trú chân tạm thời là các trường học ven đường quốc lộ, nhà thi đấu thể thao với nước uống và đồ ăn khô để phòng khi người dân phải lưu trú tạm thời qua giai đoạn thời tiết cực đoan rồi đi tiếp.

Nhưng còn về lâu dài thì sao? Một câu hỏi mở cho Chính phủ và những người có trách nhiệm liên quan, bao gồm cả người "hồi hương" vì hoàn cảnh bế tắc sau thời gian bị phong tỏa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới