Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rèn luyện trong biến cố

Vũ Thị Huyền Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây khi đã đẩy con người vào biến cố bất ngờ. Con người bị buộc phải linh hoạt để thích nghi trước những rủi ro, phức tạp và những biến động luôn tiềm ẩn. Chúng ta không chỉ cần có khả năng tự chữa lành mà còn cần phải rèn luyện để tốt lên trong biến cố.

Bạn kể những ngày này không gì khó chịu hơn việc nhìn thấy chồng mình cứ nằm dài ngủ từ ngày này sang ngày khác. Chồng bạn làm kỹ sư công trình, hai năm nay công ty rơi vào khó khăn, không một khoản lương thưởng nào được trả. Bỏ thì thương, vương thì tội, chồng bạn cố gắng bám trụ cho đến khi công ty chuẩn bị giải thể, cán bộ công nhân viên cũng đã nghỉ việc gần hết.

Cái nghề kỹ sư ở tuổi năm mươi như chồng bạn rất khó xin việc. Trong những ngày mệt mỏi, loay hoay chưa biết phải làm sao, chồng bạn trở về nhà ngủ triền miên như một cách trốn chạy thực tại. Bạn khuyên chồng nhân thời gian rảnh rỗi hãy đọc sách, trau rồi kiến thức, rèn luyện bản thân. Hoặc đi thăm người thân, bạn bè vun vén yêu thương. Từ tâm thế bị động hãy biến thành chủ động. Để có thể biến nguy thành cơ. Trong biến cố sẽ nảy ra cơ hội. Bạn không muốn chồng tự nhấn chìm mình trong khó khăn. Nếu hôm nay không cố gắng thì đợi đến bao giờ?

Tôi thường hay nghĩ về sự xuất hiện trở lại của một người nào đó sau biến cố. Còn nhớ năm 2014 khi hoa hậu Kỳ Duyên vừa đăng quang đã vướng phải xì căng đan liên tiếp, từng bị đề nghị tước vương miện. Thay vì biện minh cho những sai lầm trong quá khứ, nàng hậu đã chọn cách im lặng ở ẩn một thời gian tránh trở thành tâm điểm của những ồn ào để rồi tái xuất đầy ngoạn mục. Cô trở lại showbiz với vai trò người mẫu thời trang được mọi người đón nhận.

Từ “hoa hậu xì căng đan” thành biểu tượng thời trang. Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng bộc bạch trên trang cá nhân rằng: “Nếu các bạn hỏi tôi làm sao để vượt qua những ngày đen tối trong cuộc đời nhanh như vậy. Thì tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu để trả lời. Tôi chỉ nhớ như in lời thuyết giảng của một vị sư rằng: “Khi mê bùn vẫn là bùn. Ngộ ra mới biết trong bùn có sen”. Nàng hậu quan niệm rằng dù thế nào đi nữa mọi chuyện luôn đến từ bản thân trước tiên. Muốn mọi thứ tốt đẹp thì không có cách nào khác ngoài việc bản thân phải trở nên tốt đẹp hơn.

Nếu để tâm chúng ta sẽ thấy thi thoảng sẽ có một ai đó thân quen tự nhiên “biến mất” trong im lặng. Sau này ta mới biết có người vừa mất mẹ. Có người làm ăn thua lỗ, vỡ nợ phải bán cả gia tài để chèo chống. Có người mất đi đứa con còn chưa kịp chào đời. Có người bị vợ bỏ, gia đình tan vỡ. Tôi hay tự hỏi bây giờ họ ở đâu? Cuộc sống thế nào? Liệu họ có tìm được gì đủ vui để quên đi những đau đớn, mất mát trong quá khứ? Họ đã bắt đầu lại chưa? Vực dậy bằng cách nào? Có ai đó ở bên họ hay không?

Cho đến khi tôi ngừng thắc mắc về sự biến mất đó thì họ đột nhiên trở lại. Một vài người trong số họ đã cân bằng lại cảm xúc, cố gắng sống tích cực, phấn đấu vì mục tiêu phía trước. Vài người ủ rũ, suy sụp, không thể nào vượt qua được biến cố cuộc đời. Lại có người xuất hiện trước mặt tôi với dáng hình, phong thái hoàn toàn khác, tươi mới, vui vẻ và năng động.

Trong những giai đoạn chênh vênh nhất tôi thường chọn cách im lặng, thu mình, rèn luyện bản thân. Tôi tập trung vào hiện tại, không quá lo lắng về tương lai hay ám ảnh về quá khứ, để có thể tận hưởng cuộc sống và đối mặt với mọi biến cố một cách bình tĩnh nhất.

Tôi nhận ra khi nhìn nhận biến cố từ góc độ tích cực thì sẽ tìm thấy cơ hội học hỏi, rèn luyện, thích nghi và phát triển. Tôi cũng dễ học được cách tha thứ giúp giảm bớt đau khổ, giải phóng những cảm xúc tiêu cực để nhẹ nhõm hơn. Tôi bắt đầu tìm hiểu về thiền. Khi nhận ra thiền định có thể giúp cải thiện sự tĩnh tâm, tăng cường kiểm soát về tâm trí và tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống. Tôi muốn khi mình gặp lại bạn bè, người thân sẽ tràn đầy năng lượng sống. Hay mỗi khi trở lại văn đàn bằng một tác phẩm văn chương mang màu sắc mới. Hoặc chí ít tôi đã không còn là tôi bấn loạn, loay hoay trong cơn hoang mang, bĩ cực.

Còn nếu bạn loay hoay chưa biết làm gì trong biến cố, vậy thì hãy thử dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, học nấu những món ăn ngon vừa miệng chồng con. Tỉ mẩn chăm sóc cây cối trong vườn để nhận ra mình đã từng bỏ bê chúng (thân tâm mình nữa) đến cằn cỗi. Nhận ra niềm vui của một người làm vườn tận tụy khi thấy tán xanh, hoa thơm, trái ngọt. Hoặc có thể tìm đến sách để tích lũy kiến thức. Tìm đến tập yoga để thư thái đầu óc, cải thiện sức khỏe.

Khi viết những dòng chữ này, tôi tình cờ đọc được những chia sẻ của một chị nhà văn trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện với thiền sư. Khi được hỏi: làm cách nào để con đi qua những biến cố mà không quá đau khổ? Ngài nói: “Việc gì đến cũng đều tốt, những chuyện xảy ra đều là những chuyện cần xảy ra. Nếu bình yên mãi, con là ai, con sẽ không biết. Con chỉ biết mình khi đứng giữa sự lựa chọn đối nghịch. Đón nó đi, không thể nào khác được”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới