Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều rào cản với nhà đầu tư Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn nhiều rào cản với nhà đầu tư Nhật

Tư Hoàng

Còn nhiều rào cản với nhà đầu tư Nhật
Nhiều rào cản kinh doanh ở thị trường Việt Nam vẫn đang ngăn cản các nhà đầu tư Nhật. Ảnh: VCCI cung cấp.

(TBKTSG Online) – Dù Nhật Bản đang coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong khu vực, thì nhiều rào cản kinh doanh ở thị trường này vẫn đang ngăn cản các nhà đầu tư từ đất nước mặt trời mọc.

>>> Tỷ lệ nội địa hóa linh kiện chưa tới 30%

Đối tác kinh tế lớn nhất

Trao đổi tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản tổ chức ngày 5-9 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng nói ông phải tiếp suốt ngày các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam.

“Chúng tôi phải tiếp gần như là làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản từ lớn tới nhỏ quan tâm đến thị trường Việt Nam”, ông nói.

Đại sứ cho biết, tình hình trên diễn ra ở khắp nửa trong tổng số 47 tỉnh ở Nhật Bản mà ông có dịp đến thăm từ khi nhận công tác ở Tokyo.

Ông nói với đại diện hàng chục bộ, ngành trung ương tại diễn đàn: “Chúng tôi thiết tha đề nghị phía Việt Nam, các bộ, ngành cần tận dụng tốt cơ hội này làm sao để các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai được dự án tại Việt Nam”.

Phó chủ tịch điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Daisuke Hiratsuka cho biết, trong thời gian 1 năm tính đến tháng 3-2013, có tới 6.800 nhà đầu tư Nhật Bản đến Văn phòng Jetro tại Hà Nội (xếp thứ 2 trong tổng số các văn phòng của Jetro ở nước ngoài), và 5.700 người đến văn phòng ở TPHCM (xếp thứ 5).

Tổng số lượt truy cập vào phần Việt Nam của các nhà đầu tư Nhật Bản vào trang web của tổ chức này trong năm ngoái là 36.000, xếp thứ 3 sau Trung Quốc và Thái Lan.

“Những điều này cho thấy, người Nhật Bản quan tâm ngày một tăng tới Việt Nam”, ông nói.

Thống kê của Jetro cho biết, số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam lên tới 317 dự án năm 2012, cao hơn so với 234 dự án trong năm 2011.

Ông nói: “Đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là quy mô nhỏ và vừa, đang bùng nổ”. Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất, với số dự án chiếm tới 1/4 tổng vốn FDI giải ngân, và 1/2 vốn đăng ký.

Ông nhận xét, về lâu dài các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng vào việc mở rộng thị trường ở Việt Nam nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, và quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước.

Nói thẳng như người anh em

Bất chấp thực tế tốt đẹp trên, các nhà đầu tư Nhật Bản và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Việt Nam thừa nhận rào cản kinh doanh còn quá nhiều, làm nản lòng họ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Motonobu Sato nói: “Chúng ta là những người anh em, nên tôi xin trao đổi thật thẳng thắn”.

Ông nói, việc tăng lương ở Việt Nam quá nhiều đang làm các nhà doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại. “Lương cứ tăng suốt thì có khả năng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển đầu tư ra ngoài”.

“Các chính sách thường xuyên thay đổi, thiếu liên kết giữa các bộ ngành, trong khi thực thi chính sách thiếu đồng bộ làm mất lòng tin của nhà đầu tư Nhật Bản. Ví dụ, chúng tôi rất khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, hay ưu đãi thuế…Những điều này đang tác động tới thu hút và mở rộng đầu tư của Nhật Bản”, ông nói.

Ông nhận xét thêm, thiếu nhân lực quản lý, cung cấp điện không ổn định, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu cung ứng nguyên phụ liệu là những yếu điểm rất lớn mà các nhà đầu tư quan ngại.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki bổ sung, ông thường nghe các doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn về vấn đề thể chế ở Việt Nam.

“Vấn đề tồn đọng (sau thời gian 3 năm làm đại sứ) là cải cách thể chế. Nếu không có cải cách thể chế thì Việt Nam khó có thể thu hút được vốn bền vững từ Nhật Bản”, đại sứ nói.

Ông giải thích thêm, nếu Việt Nam tiếp tục chậm trễ trong cải cách doanh nghiệp nhà nước, thì kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. “Điều này sẽ tác động quan trọng trong thu hút FDI từ Nhật Bản”, ông nói.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận rằng, nếu Việt Nam không tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thì các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ lựa chọn Campuchia, Lào, Thái Lan hay Myanmar.

Ông kể lại việc cùng Đại sứ Tanizaki, và giáo sư Keinichi Ohno đến làm việc với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc phát triển ngành ô tô và chính sách cho ngành này .

Ông kể lại, giáo sư Ohno, một người có rất nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam nói với Phó thủ tướng là ngành công nghiệp ô tô được khởi động 10 năm trước với nhiều kỳ vọng nhưng chính sách thuế lại kìm hãm. Không có nước nào đánh thuế vào ô tô cao tới mấy trăm phần trăm như Việt Nam, làm người dân không thể mua được ô tô.

Bộ trưởng bình luận: “Mục tiêu của chúng ta một đằng, nhưng chính sách một nẻo, thế thì làm sao thực hiện được. Chính sách phải làm sao để giúp ngành công nghiệp phát triển, chứ không phải làm nó chết đi”.

Bộ trưởng đề nghị, phía Nhật Bản tiếp tục chia sẻ quan điểm thẳng thắn như vậy, vì “Nhật Bản rất được Việt Nam tin cậy, không có nước nào như vậy”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới