Thứ năm, 17/04/2025
27 C
TPHCM

Còn nương nhẹ thì khó chấm dứt ‘phát ngôn không chuẩn mực’

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - "Cả gia đình nhà mày chết tao đi tù cũng được" là câu nói của ông Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Ninh Bình tại buổi làm việc với người dân. Những kiểu phát ngôn "mày, tao" kiểu này của cán bộ với dân đã xuất hiện khá nhiều lần và thường được xem là "phát ngôn không chuẩn mực". Cách gọi giảm nhẹ như vậy không thể hiện đúng bản chất sự việc và là một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh này không suy giảm trong hàng chục năm qua.

Vụ việc mới nhất xảy ra hôm 6-9, sau đó bị người dân tố cáo và đến hôm 16-10, đại diện UBND tỉnh này đã xác nhận với báo chí là đúng sự thật. Đoạn video từ camera an ninh nhà người dân đứng đơn tố cáo cung cấp cho thấy, sau khi đến nhà người dân bị nứt do hoạt động của một mỏ đá gần đó để kiểm tra hiện trường, khi ra đến trước cổng nhà, vị phó giám đốc sở này liên tục xưng "mày, tao" với người dân. Chưa hết, vị cán bộ này còn nói những câu như "nhà mày chết tao đền", "không lấy tiền tao không cho nữa" và "cả gia đình nhà mày chết tao đi tù cũng được"(1).

Báo điện tử VOV dẫn lời một lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, sáng 17-10, vị phó giám đốc sở đã "nhận sai, cầu thị, xin nghiêm túc rút kinh nghiệm trước toàn cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình".

Còn theo Tuổi Trẻ Online, đến chiều 17-10, một phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết vị phó giám đốc sở này đã lên nhà người dân để xin lỗi nhưng người dân đi vắng nên ông này đã viết thư xin lỗi và nhờ lãnh đạo xã chuyển lại.

Thông tin do UBND tỉnh cung cấp cho báo chí cho rằng vị cán bộ này đã cầu thị và nhận sai.

Tuy nhiên, liệu có thể dùng chữ "cầu thị" khi mà vụ việc xảy ra từ ngày 6-9 nhưng đến sáng 17-10, tức 40 ngày sau thì mới diễn ra cuộc họp mà vị cán bộ này nhận sai và chiều cùng ngày mới đi tìm người dân để xin lỗi.

Và cũng cần nói thêm, cuộc họp rút kinh nghiệm chỉ diễn ra sau khi đoạn video clip có đầy đủ âm thanh được người dân cung cấp cho cơ quan chức năng để làm bằng chứng khiếu nại.

Để trở thành cán bộ lãnh đạo cấp sở tất nhiên phải là người trí thức được học hành, đào tạo bài bản không chỉ về chuyên môn mà còn về đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử.

Vì vậy, nếu xem những phát ngôn của vị lãnh đạo sở này chỉ là "phát ngôn không chuẩn mực" trong lúc nóng giận thì không thỏa đáng.

Càng không thỏa đáng hơn nếu sắp tới đây vụ việc này dừng lại ở chỗ kiểm điểm và rút kinh nghiệm, hạ bậc thi đua của đương sự.

Khi khoác áo cán bộ công chức mà phát ngôn kiểu chợ búa thì họ không chỉ xúc phạm người dân mà còn làm xấu cả bộ mặt chính quyền và vi phạm đạo đức công vụ.

Nếu tiếp tục xem những phát ngôn như trường hợp này chỉ là "vạ miệng" thì những chuyện tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, như báo chí đã phản ánh trong nhiều năm qua. Cần mạnh tay xử lý những cán bộ công chức phát ngôn coi thường, xúc phạm người dân, tùy mức độ nặng nhẹ mà có thể là sa thải, cách chức, giáng chức, không đề bạt trong một thời hạn nhất định.

Ngoài ra cũng phải chấm dứt luôn cách dùng cụm từ "phát ngôn không chuẩn mực" vừa không gọi đúng bản chất sự việc vừa mang tính bao biện, giảm nhẹ. Nếu cán bộ lăng mạ, xúc phạm người dân thì cần dùng cách gọi đúng bản chất sự việc không né tránh. Phải chấp nhận thuốc đắng dã tật, không thể để kéo dài việc hình ảnh bộ máy công quyền bị những vụ việc đơn lẻ làm cho xấu xí, méo mó.

--------------------

(1) https://thanhnien.vn/yeu-cau-pho-giam-doc-so-tn-mt-ninh-binh-xung-may-tao-xin-loi-nguoi-dan-185231017164412682.htm

Bình luận

  1. Nói bậy/ dối/ hỗn/ láo… đang trở thành căn bệnh trầm kha của thời nay. Nhất là trên mạng xã hội. Gốc gác của vấn đề là truyền thống răn dạy và làm gương về đạo đức và văn hóa, vừa yếu, vừa thiếu. Tiên học lễ, hậu học văn, là nền tảng quan trọng. Nhưng quan trọng nhất là phải luôn nuôi dưỡng nền tảng đạo đức và văn hóa, học ăn/ nói/ gói/ mở… ngay từ lúc còn nhỏ, ngay từ gia đình, cho đến nhà trường, văn phòng, công sở… Thậm chí khi đã đến tuổi trưởng thành, trở về già, vẫn còn phải “học và hành” mãi câu chuyện này.

  2. Nếu không có clip được đăng lên mạng cho tất cả mọi người đều biết thì vụ này đã không ai biết, nhiều vụ vi phạm pháp luật đã được phát hiện nhờ các clip này . Nên tôi băn khoăn khi có một ngành cấm đăng các clip cán bộ vi phạm trên mạng, chỉ được gửi cho các cấp có thẩm quyền giải quyết, ai mà đăng lên sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Nếu clip gửi đi cho người có thẩm quyền mà người có thẩm quyền cho chìm xuồng luôn thì làm thế nào.

  3. Viết nhẹ quá. Sao Sài Gòn mà không goi thẳng tên sự việc: Cán bộ sai từ nhận thức pháp luật và thi hành pháp luật (tức là sai từ gốc để làm cán bộ), đến sai hành vi. Mà cả các đồng chí chưa bị lộ cũng bao che, cần lôi ra nốt.
    Sai từ trong đầu đến hành động, thì làm cán bộ sao được?
    Về!
    Người đủ năng lực và đạo đức chưa bao giờ thiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới