(KTSG) - Tuần vừa qua nổi lên hai thông tin liên quan đến việc công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế (sau đây gọi tắt là “công bố quốc tế”).
- Trường đại học tìm cách nâng cao chất lượng bằng kiểm định quốc tế
- Học phí đại học từ 12-800 triệu đồng mỗi năm
Thông tin thứ nhất liên quan đến thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả kiểm tra một số hoạt động mà chủ yếu trong đó là hoạt động khoa học công nghệ của hai trường Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Duy Tân.
Theo thông báo này, trong giai đoạn 2019-2021, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã dành 10-14% nguồn thu từ học phí cho việc công bố quốc tế nhưng có đến 70% công bố không dựa vào nguồn lực thực chất của trường mà do ký kết với các nhà nghiên cứu bên ngoài, cả trong nước và ngoài nước (gọi chính xác là “mua bài”)(1). Thông tin thứ hai về việc nhiều nhà nghiên cứu đăng công bố trên các tạp chí “dỏm” nhưng nhận tiền thưởng thật từ trường chủ quản(2).
Có thể thấy trong khoảng năm, bảy năm trở lại đây, vấn đề công bố quốc tế được bàn luận khá nhiều trên các diễn đàn, từ chính thức tới phi chính thức. Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam cũng đã tăng vọt so với khoảng mười năm trước mà có lẽ không phải do trình độ nghiên cứu của chúng ta tăng lên mà là do được sự “thúc đẩy” từ các quy định. Chẳng hạn quy định phải có bài báo quốc tế để có thể bảo vệ luận án tiến sĩ, hoặc để được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Có những trường đại học ra quy định khen thưởng rất cao cho các bài báo quốc tế và làm cơ sở cho việc chi trả thu nhập. Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học của chúng ta chạy theo các bảng xếp hạng quốc tế mà trong đó, số lượng công bố quốc tế là một tiêu chí có trọng số lớn, ảnh hưởng đến thứ hạng. Vì thế, những trường “đam mê xếp hạng” đã dùng cách tăng lượng bài công bố một cách phi liêm chính xét về mặt khoa học.
Một điều cũng cần phải suy nghĩ là nếu chỉ cố gắng công bố quốc tế để đạt đến những mục tiêu như nêu trên thì có mang lại ích lợi thực sự cho nền khoa học công nghệ hay sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hay không?
Thật ra, thứ hạng của một trường đại học của một quốc gia có thể rất cao, nhưng điều đó không đương nhiên quốc gia đó có nền khoa học hay nền kinh tế mạnh. Như Đại học Quốc gia Singapore gần như năm nào cũng xếp hạng cao hơn đại học số một của Nhật Bản là Đại học Tokyo, nhưng không có nghĩa là Nhật Bản kém hơn Singapore về khoa học công nghệ hay về kinh tế. Chẳng qua là vì người Nhật công bố các nghiên cứu bằng tiếng Nhật, ít người đọc, ít người trích dẫn, thành ra xếp hạng thấp hơn mà thôi.
Nhìn cách nào đó, nếu các trường đại học của chúng ta tiêu tốn quá nhiều tiền bạc, công sức cho các công bố quốc tế theo cách hiện nay vì những mục tiêu như để bảo vệ luận án, hay để thăng hạng… thì đó là một sự lãng phí, thậm chí gây ra những hiện tượng lệch lạc như mua bán bài, hoặc công bố bài trên những tạp chí kém uy tín.
Cần phải xem việc công bố nghiên cứu như một hoạt động đương nhiên của người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy và phải gắn các nghiên cứu với mục tiêu thực chất là mang lại những tri thức mới, những kiến giải mới cho những vấn đề trong cuộc sống. Chỉ khi đó, các công bố quốc tế mới thật sự hữu ích cho giáo dục - đào tạo và sự phát triển của quốc gia.
(1) https://thanhnien.vn/truong-dh-ton-duc-thang-chi-10-14-tu-hoc-phi-cho-cong-bo-quoc-te-post1513054.html
(2) https://tuoitre.vn/vu-tap-chi-dom-tien-thuong-that-van-nan-dem-bai-thuong-tien-20221022012042099.htm
Bài học về phát huy nội lực không bao giờ cũ. Khoa học luôn cần đến sự hợp tác của quốc tế. Muốn đạt được điều này, phải hiểu luật chơi. Một là tôn trọng bản quyền, nghĩa là phải chấp nhận tốn kém chi phí. Hai là, bản thân ta phải có nội lực thì mới có sức hấp dẫn. Đối tác nếu chỉ chơi với người “tay không bắt giặc”, đặc biệt là những đối tác tri thức, sẽ nhanh chán và bỏ cuộc. Các trường của ta phần lớn muốn tạo dựng thương hiệu thông qua “mua bán” bản quyền tri thức hơn là tập trung vào chiến lược xây dựng nội lực. Đó là điều tối kỵ, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.