Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ góp vốn cộng đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghệ góp vốn cộng đồng

Anh Vũ

Công nghệ góp vốn cộng đồng
Góp vốn cộng đồng là một kênh đầu tư mới dựa trên nền tảng kỹ thuật web.

(TBVTSG) – Dịch vụ góp vốn cộng đồng đang tạo nên một phong trào trên mạng Internet. Đây được xem là một kênh đầu tư hữu hiệu sau khi ngành công nghệ thông tin nhập cuộc với việc thiết lập các nền tảng web cho phép thực hiện trọn vẹn các dịch vụ này. Thành công của các trang góp vốn cộng đồng như Indiegogo, Kickstarter, RocketHub… đang làm thay đổi quan niệm và cách thức lựa chọn đầu tư cho một dự án.

Có thể nói các trang góp vốn cộng đồng đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các dự án nhỏ mang tính sáng tạo nhưng nhiều rủi ro, đặc biệt là các dự án mà nhà sáng lập chưa từng có kinh nghiệm quản lý như giới nghệ sĩ, giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu khoa học và sinh viên-học sinh khởi nghiệp.

Một trào lưu mới

Không chỉ hướng đến việc thu hút vốn từ cư dân mạng toàn cầu, một làn sóng thành lập các trang góp vốn địa phương cũng đang nổi lên, nhắm đến các mục tiêu phát triển cộng đồng dân cư. Đơn cử trường hợp các trang góp vốn chuyên ngành như Solar Mosaic đang góp phần thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng sạch cho các thành phố thông qua các dự án góp vốn lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời.

Cùng với sự lớn mạnh của phong trào và sự hoàn thiện về mặt công nghệ, nhiều chính quyền thành phố đang mạnh mẽ ủng hộ mô hình góp vốn cộng đồng kể trên. Tại Mỹ, đạo luật JOBS được Tổng thống Obama ban hành vào tháng 4 năm ngoái đã tạo nên hành lang pháp lý cho phép các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ tham gia vào hệ thống góp vốn cộng đồng trên nền tảng web. Trái với thông lệ góp vốn đầu tư trước đây, khi chỉ có một số công ty, tổ chức tài chính hay cá nhân (giàu có) góp những khoản tiền lớn vào một dự án để chia phần lợi nhuận, kênh góp vốn cộng đồng là nơi để đông đảo cá nhân có thể đóng góp những khoản tiền nhỏ, thậm chí rất nhỏ để đầu tư cho một dự án. Trong hình thức này, lợi nhuận trở thành thứ yếu. Mục đích chính là những người góp vốn tài trợ cho một ý tưởng sáng tạo, cho ra đời một sản phẩm hay tác phẩm mà họ ưa thích, hay đơn thuần là để thực hiện một công trình công ích.

Ở nhiều nước như Việt Nam, nơi mà hệ thống đầu tư ngân hàng còn nằm ngoài tầm với của các dự án khởi nghiệp, dự án công ích hay dự án nhỏ mang nhiều tính rủi ro, cũng là nơi mà các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa được phát triển, thì việc góp vốn cộng đồng vào các mục tiêu hay dự án nhất định là một giải pháp có tính khả thi. Trên thực tế, từ nhiều năm nay việc góp vốn cộng đồng đã trở thành truyền thống hay thói quen tại nhiều vùng miền trong cả nước. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có hàng ngàn đoạn đường, hàng ngàn cây cầu kiên cố bắc qua kênh rạch và nhiều công trình phúc lợi khác đã được hình thành từ nguồn vốn góp tự nguyện của các cá nhân xa gần trong cũng như ngoài nước.

Tuy nhiên, ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có những trang web phục vụ hoạt động huy động vốn góp cộng đồng và cũng chưa có quy định quản lý loại hình dịch vụ mới này một khi nó được hình thành. Nhu cầu phát triển các ý tưởng sáng tạo và áp lực đầu tư cho lĩnh vực công ích mỗi ngày một lớn nên công nghệ góp vốn cộng đồng hay các trang web góp vốn sẽ là giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh dòng vốn.

Công nghệ góp vốn cộng đồng trực tuyến

Nhiều công trình phúc lợi được đầu tư qua công nghệ góp vốn cộng đồng.

Công nghệ góp vốn cộng đồng, tức dùng nền tảng kỹ thuật web để thực hiện việc kêu gọi và gom vốn cho các dự án, đã được hình thành từ năm 1997 bởi nhóm nhạc rock Marillion tại Anh và lan sang Mỹ năm 2000 với việc thành lập công ty góp vốn cộng đồng ArtistShare. Nhưng phải đến năm 2006, nền tảng công nghệ góp vốn cộng đồng này mới được hoàn thiện với sự ra đời của một loạt trang web góp vốn nổi tiếng như Sellaband (2006), Indiegogo (2008), Pledge Music (2009), Kickstarter (2009), RocketHub (2009), InvestedIn (2010), GoFundMe (2010), Rock The Post (2011)… Chỉ sau ba năm hoạt động, nền tảng góp vốn kickstater.com đã tài trợ cho hàng chục ngàn dự án trong các lĩnh vực khác nhau và ở các quy mô đầu tư khác nhau, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Nhìn vào danh sách một số dự án lớn tiêu biểu tính đến giữa năm 2012, có thể thấy được số người tài trợ cho một dự án rất lớn và số tiền thu được nhiều khi vượt khá xa nhu cầu ban đầu của chủ dự án.

Một cuộc chuyển hướng quan trọng đang diễn ra trong nền kinh tế, từ việc chỉ có các tập đoàn hay công ty lớn độc quyền đầu tư các công trình sáng tạo hay những công nghệ mới, nay cả cộng đồng đã có thể cùng góp vốn để đầu tư vào các công trình hay sản phẩm mà họ quan tâm. Các cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng khởi động bằng các khoản tài trợ của rất nhiều người dưới hình thức hiến tặng, và rất có thể chính những người đó sẽ là khách hàng thân thiết trong tương lai.

Sự khác nhau giữa các trang web huy động vốn cộng đồng càng làm phong phú thêm môi trường phát triển các dự án. Người ta đang nghĩ đến một hình thức kinh tế cộng đồng sẽ trở thành đối trọng với sự độc quyền của các tập đoàn kinh tế và sự lũng đoạn của các thương hiệu lớn. Nhưng trước hết, giải pháp này giúp cho dòng tiền trong xã hội được luân chuyển, giải phóng được sức lao động và trí sáng tạo của rất nhiều người, tạo thành một lực lượng mới phát triển nền kinh tế.

__________________________________________________

Tài liệu tham khảo:

– Crowd funding: http://en.wikipedia.org/

– 10 Emerging Technologies 2012: Crowdfunding: http://www2.technologyreview.com/

– Innovation Funding: http://www.technologyreview.com/businessreport/innovation-funding/

Việt Nam có trang web gọi vốn cộng đồng

Công ty ig9 vừa giới thiệu trang web ig9.vn hoạt động theo mô hình gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding), một mô hình khá phổ biến trên thế giới trong thời gian gần đây.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, đồng sáng lập viên của ig9.vn, khái niệm gọi vốn cộng đồng còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng trên thực tế, hoạt động “góp vốn cùng làm” luôn diễn ra hằng ngày trong thế giới công nghệ. Do đó, ig9.vn sẽ đóng vai trò liên kết các cá nhân hoặc tổ chức có ý tưởng dự án cần vốn và những nhà đầu tư cá nhân hoặc tập thể. Về phần mình, công ty sẽ thu phí dịch vụ là 10% trên tổng số vốn huy động được trên mỗi dự án.

Tất cả các chủ dự án hợp pháp ở Việt Nam thuộc các lĩnh vực hội họa, truyện tranh, khiêu vũ, thiết kế, thời trang, điện ảnh, ẩm thực, trò chơi, âm nhạc, nhiếp ảnh, xuất bản, công nghệ, kịch và cộng đồng đều có thể hợp tác với ig9.vn trong việc huy động vốn. Về phía người góp vốn, công ty cũng không quy định mức đóng góp tối đa của mỗi cá nhân và quyền lợi của họ sẽ phụ thuộc vào quyết định của chủ dự án.

Ông Bình hy vọng thế giới trực tuyến không có khoảng cách về mặt địa lý sẽ thúc đẩy các hoạt động gọi vốn cho các dự án mang tính sáng tạo cao. Hiện tại, có bốn dự án đang kêu gọi vốn trên trang ig9.vn.

Công Sang

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới