Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ thay đổi cuộc chơi âm nhạc

Trịnh Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nhạc không có bản quyền từng là vấn đề nhức nhối với giới nghệ sĩ, khi các đĩa nhạc lậu được in ấn và phát hành tràn lan cả bản vật lý và trên mạng Internet. Vài năm trở lại đây, vấn đề này dường như đã hoàn toàn biến mất.

Ngành công nghiệp âm nhạc dần thay đổi

Là một người nghe nhạc “chuyên nghiệp”, anh Long – nhân viên văn phòng tại TPHCM trang bị cho mình một hệ thống loa nghe nhạc chuyên dụng, âm ly và máy nghe nhạc nhập khẩu từ Đức. Anh cũng dành tiền để sưu tầm các đĩa nhạc trong và ngoài nước, với những đĩa nhạc không phân phối trong nước, anh sẵn sàng đặt hàng từ nước ngoài chuyển về. Tuy nhiên thói quen này của anh đã dần thay đổi. “Hai, ba năm nay mình chẳng mở đĩa nhạc, toàn bật trên ZingMP3”, anh Long chia sẻ.

Anh Long không phải là trường hợp hiếm hoi của việc thay đổi thói quen nghe nhạc. Số liệu từ Liên đoàn quốc tế về ngành công nghiệp ghi âm (IFPI – International Federation of the Phonographic Industry) cho thấy thói quen tiêu thụ nhạc số qua các nền tảng phát nhạc trực tuyến đã thay đổi chóng mặt trong 10 năm trở lại đây. Năm 2011, doanh thu từ việc phát nhạc số chỉ khiêm tốn ở mức 0,6 tỉ đô la Mỹ, đến năm 2021, con số này là 16,9 tỉ đô la Mỹ – tăng gần gấp 30 lần trong 10 năm. Đây cũng trở thành nguồn doanh thu chính cho các hãng thu âm – chiếm 65% doanh thu.

Dấu ấn của nền tảng phát nhạc trực tuyến

Ra đời từ khoảng hơn 15 năm trước, ban đầu, các nền tảng phát nhạc đóng vai trò như một kênh phân phối nhạc có bản quyền, chất lượng cao. Tại thời điểm đó, nền công nghiệp âm nhạc đang gặp phải làn sóng nghe nhạc không có bản quyền. Các đĩa nhạc sau khi được phát hành đã ngay lập tức được đưa lên Internet chỉ sau vài ngày và được lan truyền rộng rãi. Việc này gây ra tổn thất không nhỏ cho các hãng thu âm và các nghệ sĩ. Do được lan truyền trên môi trường Internet, việc kiểm soát trở lên rất khó khăn trong bối cảnh các quy định về bảo vệ bản quyền ở nhiều quốc gia còn đang rất sơ khai.

Theo thời gian, các nền tảng phát nhạc trực tuyến dần trở nên lớn mạnh. Từ chỗ là một kênh phát nhạc chiếm tỷ trọng nhỏ, giờ đây các nền tảng phát nhạc trở thành nhân tố chính để đưa ngành âm nhạc phát triển mạnh mẽ trở lại.

Công nghệ thay đổi cuộc chơi

Sở dĩ các nền tảng phát nhạc có thể làm được điều này là do yếu tố về công nghệ. Ở những giai đoạn ban đầu, các nền tảng này chỉ đơn thuần là nơi tổng hợp danh sách các bài hát. Khi người nghe nhạc muốn nghe bài hát hay ca sĩ nào, họ sẽ sử dụng thanh tìm kiếm để tìm được bài hát mong muốn. Theo thời gian, sự phát triển của các thuật toán giúp cho người nghe nhạc trên các nền tảng này có nhiều sự lựa chọn hơn.

Về yếu tố công nghệ, hiểu đơn giản, các thuật toán dựa trên hai yếu tố là thói quen, hành vi nghe và dòng cảm xúc (mood) khi nghe, từ đó có thể giới thiệu được cho người nghe nhạc bài hát đúng sở thích, đúng cảm xúc và đúng thời điểm. Khi đó, việc nghe nhạc của mỗi người sẽ được cá nhân hóa.

Các thuật toán dựa trên hai yếu tố là thói quen, hành vi nghe và dòng cảm xúc (mood) khi nghe, từ đó có thể giới thiệu được cho người nghe nhạc bài hát đúng sở thích, đúng cảm xúc và đúng thời điểm. Khi đó, việc nghe nhạc của mỗi người sẽ được cá nhân hóa.

Với kho dữ liệu hàng triệu bài hát và thuật toán gợi ý tinh vi, các nền tảng phát nhạc trực tuyến có khả năng giữ người nghe nhạc ở lại nhiều tiếng đồng hồ để khám phá những bài hát mới. Nói cách khác, việc tìm kiếm các bài nhạc không có bản quyền trở nên không cần thiết với người nghe nhạc. Thay vào đó, họ được giới thiệu đến với trải nghiệm âm nhạc dành riêng cho mình, với mức phí có thể chi trả được, hoặc thậm chí là miễn phí nếu người nghe nhạc chấp nhận hạn chế một số tính năng và nghe quảng cáo.

Cơ hội cho các nền tảng phát nhạc nội địa

Có năng lực về công nghệ tốt như vậy, nhưng các nền tảng phát nhạc trực tuyến quốc tế như Spotify, Apple Music, Youtube Music… vẫn chưa chiếm được vị trí dẫn đầu tại một số thị trường. Với lợi thế “sân nhà”, các nền tảng phát nhạc nội địa có thể thấu hiểu được nhu cầu âm nhạc của người dùng cũng như có khả năng tùy biến cao hơn để phù hợp với xu hướng nghe nhạc của người nghe bản địa. Nhiều ứng dụng nghe nhạc nội địa đang tạo nên lợi thế áp đảo nhờ khả năng bản địa hóa như Melon (Hàn Quốc), Kugou (Trung Quốc), Anghami (Trung Đông và Bắc Phi).

Tại Việt Nam, theo Decision Lab, trong số các nền tảng phát nhạc trực tuyến (không bao gồm YouTube), các nền tảng nội địa như ZingMP3, Nhạc của tui vẫn đang chiếm thị phần lớn, tập trung vào người dùng gen X (được sinh ra trong khoảng từ năm 1965-1980), gen Y (được sinh ra trong khoảng từ năm 1981-1996), trong khi các nền tảng ngoại như Spotify, Apple Music chủ yếu tiếp cận đến nhóm người dùng gen Z (được sinh ra trong khoảng từ năm 1997-2012) và chiếm tỷ trọng khá nhỏ.

Với khả năng bản địa hóa các nội dung theo thói quen của người nghe nhạc Việt, các nền tảng phát nhạc như ZingMP3 hay Nhạc của tui vẫn được người dùng yêu thích. Chẳng hạn Zing MP3 với các chuyên mục như bảng xếp hạng ZingChart, Top 100, Tuyển tập bài hát hay nhất theo ca sĩ… được phát triển dựa trên thói quen nghe nhạc của người Việt.

Theo Statista, doanh thu từ các nền tảng phát nhạc tại Việt Nam đạt khoảng 18 triệu đô la Mỹ vào năm 2021 và được dự báo sẽ tăng lên mức 28 triệu đô la Mỹ vào năm 2025. Với khả năng bản địa hóa, đây sẽ là cơ hội để các nền tảng phát nhạc trực tuyến của Việt Nam có thể chiếm lĩnh được thị trường tiềm năng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới