Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp nặng sẽ gặp khó khi tham gia CPTPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp nặng sẽ gặp khó khi tham gia CPTPP

Đỗ Lan

(TBKTSG Online) – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội cho nhiều ngành phát triển, tuy nhiên một số lĩnh vực có thể sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là ngành công nghiệp nặng.

Các diễn giả tại Hội thảo Xuất nhập khẩu trong bối cảnh CPTPP và những lưu ý cho doanh nghiệp về hợp đồng kinh doanh quốc tế ngày 18-4. Ảnh: Ban tổ chức sự kiện

Ngày 18-4, Hội thảo Xuất nhập khẩu trong bối cảnh CPTPP và những lưu ý cho doanh nghiệp về hợp đồng kinh doanh quốc tế đã diễn ra tại TPHCM.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, tác động của CPTPP sẽ mạnh mẽ và toàn diện hơn nhiều so với FTA thế hệ cũ.

Ông Hòa cho rằng nhiều ngành sẽ được hưởng lợi từ CPTPP như da giày, dệt may, chế biến thực phẩm, thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ… Ví dụ như mặt hàng gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang Canada sẽ được hưởng ngay mức thuế suất 0% khi hiệp định có hiệu lực. Riêng gạo xuất sang Nhật thì phải chịu sự điều chỉnh bởi hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Nhật Bản trong WTO.

Các sản phẩm như cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều sẽ cũng hưởng lợi từ CPTPP vì được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (trừ thị trường Mexico). 

Ông Hòa chỉ ra một số lĩnh vực trong ngành nông nghiệp sẽ gặp khó. Cụ thể, một số ngành nông nghiệp có chất lượng sản phẩm chưa ổn định, bảo quản và công nghệ sau thu hoạch còn gặp nhiều vấn đề, khâu chế biến, giống, công nghệ sinh học chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, các yếu tố chỉ dẫn địa lý, thương hiệu chưa được chú trọng. 

Một ngành nữa có nguy cơ gặp khó, theo ông Hòa là công nghiệp nặng như khai thác quặng, than, dầu khí, luyện kim, cơ khí, điện lực, hóa chất… Lý do là ngành này thường là gia công, lắp ráp và bán thành phẩm, máy móc, dây chuyền sản xuất chưa hiện đại, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Ngành này thu hút đầu tư nhưng việc bảo vệ môi trường là vấn đề nan giải.

Theo ông Hòa, để nâng cao tính cạnh tranh, các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình; thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại… Phía ITPC cũng đã và đang có những hoạt động để tập trung xúc tiến thương mại ở 10 quốc gia đối tác của Việt Nam trong CPTPP như tham gia các hội chợ, triển lãm tại các quốc gia CPTPP, kết nối doanh nghiệp với các doanh nghiệp đối tác khối CPTPP, khảo sát thị trường các quốc gia này…

CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 19-1-2019.

Đã có 2 quốc gia phê chuẩn, CPTPP sẽ hiệu lực vào đầu năm tới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới