Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp phân mảnh như thế thì rất khó phát triển đột phá

Đỗ Thiên Anh Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chiến lược công nghiệp hóa dàn trải, thiếu tập trung đã dẫn đến tình trạng phân mảnh, làm suy yếu sức cạnh tranh của ngành công nghiệp. Muốn đạt được đột phá về phát triển công nghiệp, trước hết phải giải quyết được tình trạng này.

Nên ưu tiên các dự án đầu tư mới và những tỉnh đang có sẵn nền tảng về công nghiệp. Ảnh: HÙNG LÊ

Công nghiệp hóa nhìn ở góc độ địa phương, tổng kết lại có hai hình mẫu, mỗi mô hình đều có những mặt tích cực và mặt trái. Một là công nghiệp hóa đại trà, tức là thu hút đầu tư đại trà vào tất cả ngành/lĩnh vực, trong đó đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động. Ban đầu, mô hình này giúp tạo nhiều việc làm và thu nhập khá cho người dân.

Tuy nhiên, việc thu hút quá nhiều dân nhập cư dẫn đến hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, bệnh viện không theo kịp, khiến chất lượng cuộc sống thấp.

Mô hình này phù hợp giai đoạn đầu của công nghiệp hóa đối với một nước đông dân như Việt Nam, nhưng không còn phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa giai đoạn mới.

Hình mẫu thứ hai là thu hút vốn đầu tư có chọn lọc, do đó sẽ khó thu hút đầu tư hơn, tạo ra ít việc làm hơn so với mô hình trên, nhưng chất lượng việc làm, thu nhập và môi trường sống nhìn chung cũng tốt hơn trên nhiều phương diện. Đây là mô hình phù hợp cho giai đoạn công nghiệp hóa mới của Việt Nam.

Thiếu phân công, hợp tác tất yếu dẫn đến phân mảnh

Nhiều nghiên cứu thời gian qua đã chỉ rõ chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam giai đoạn trước rất dàn trải, thiếu tập trung, dẫn đến sự phân mảnh công nghiệp, từ đó làm suy yếu sức cạnh tranh công nghiệp của cả nước, khiến giá trị gia tăng nội địa thấp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tính tự cường của nền kinh tế hạn chế, trong khi định hướng sắp tới chúng ta phải tăng cường tính tự cường kinh tế.

Nhìn sâu vào bức tranh phân mảnh công nghiệp ở Việt Nam cho thấy, tỉnh nào cũng lập khu công nghiệp và thu hút đầu tư đại trà vào tất cả các ngành, lĩnh vực mỗi khi có cơ hội; thiếu sự phân công và chuyên môn hóa công nghiệp ở cấp độ địa phương, dẫn đến sức cạnh tranh công nghiệp thấp, không phát triển được các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Câu chuyện này được nhìn thấy rõ nét ở nhiều dự án đầu tư cảng biển, sân bay, khu kinh tế ven biển… Tình trạng này cũng diễn ra trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chẳng hạn như với ngành công nghiệp ô tô và cơ khí chế tạo, hiện các cơ sở lắp ráp ô tô nằm rải rác ở nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, sắp tới có thể là Thái Bình.

ra những tỉnh đang có sẵn những nền tảng về công nghiệp ô tô sớm, chẳng hạn như Vĩnh Phúc, Quảng Nam thì nên ưu tiên các dự án đầu tư mới về đó để hình thành nên các cụm ngành ô tô và cơ khí chế tạo. Các ngành công nghiệp khác như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày… cũng có tình trạng tương tự.

Thực tế cho thấy một số địa phương vốn hầu như không có chút lợi thế nào về một ngành công nghiệp nào đó nhưng cũng lại được ưu ái phân bổ cho một hoặc vài dự án công nghiệp như vậy (đương nhiên được bù đắp bằng các ưu đãi khác), bất kể địa phương khác có lợi thế tốt hơn. Điều này dẫn đến suy giảm hiệu quả không chỉ đối với riêng ngành công nghiệp đó mà còn giảm hiệu quả tổng thể đối với nền công nghiệp của quốc gia.

Không thể phát triển theo kiểu chia phần

Ở đây trước hết phải nói đến vai trò rất quan trọng của Chính phủ và các bộ ngành trung ương. Nhiều dự án đầu tư FDI tầm cỡ thường tiếp cận từ trên xuống (top-down), tức là nhà đầu tư tiếp cận Chính phủ hay các bộ ngành, sau đó Chính phủ hoặc bộ ngành lại giới thiệu xuống địa phương, trừ những dự án đặc thù và mặc dù trong một số ngành cũng đã có quy hoạch, song rất ít khi bám sát các quy hoạch (nếu có) hay dựa trên lợi thế cạnh tranh riêng có của các địa phương mà lại giới thiệu theo kiểu quan hệ, ưu ái hoặc chia cho địa phương “chưa có”.

Đương nhiên, các địa phương này cũng có những điều kiện nhất định nhưng không nhất thiết là có lợi thế nhất. Ngay cả bản quy hoạch công nghiệp (nếu có) của các địa phương cũng rất chung chung và ôm đồm nhiều thứ. Hơn nữa, hiện chúng ta vẫn chưa có cách sắp xếp thứ tự ưu tiên hay phân hạng về lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp theo vùng.

Hiện các địa phương vẫn cạnh tranh nhau chủ yếu dựa vào các ưu đãi thuế, đất đai và cơ sở hạ tầng chứ không phải dựa trên lợi thế về các liên kết cụm ngành sẵn có. Chính điều này đã vô tình dẫn đến tình trạng phân mảnh công nghiệp.

Ngoài ra, các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư, thay vì thiết kế để khuyến khích hình thành các cụm ngành công nghiệp tập trung, khuyến khích sự hợp tác và liên kết, hướng vào các địa phương sẵn có nền tảng công nghiệp hay cụm ngành, thì lại thiết kế dựa theo điều kiện địa bàn kinh tế khó khăn, cũng dẫn đến tình trạng phân mảnh công nghiệp như trên.

Thiết nghĩ chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc để có cơ chế phân phối cơ hội và nguồn lực một cách phù hợp dựa trên hiệu quả kinh tế công nghiệp tổng thể của cả nước. Như chúng ta thấy, đầu thập niên 1990, trừ một số địa phương quá nổi trội về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, thì lợi thế cạnh tranh nhìn chung giữa các địa phương là chưa thực sự rõ nét.

Tuy nhiên sau hơn 35 năm đổi mới và hơn ba thập niên thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, tình hình phân hóa công nghiệp và lợi thế cạnh tranh giữa các vùng cũng trở nên rõ ràng hơn, điều kiện chuyên môn hóa cũng đã khác đi. Do đó không có lý do gì để xảy ra tình trạng phân mảnh công nghiệp thêm nữa.

Vậy chúng ta cần làm gì?

Hướng đến mục tiêu giảm phân mảnh công nghiệp, tăng mức độ tích tụ và tập trung công nghiệp, hình thành các liên kết cụm ngành, đề xuất tập trung xử lý hai vấn đề chính:

Thứ nhất, các cực tăng trưởng chính hiện nay đã rõ nét và có tính đa dạng hóa cao, do đó cần ưu tiên nguồn lực và tập trung đầu tư mạnh mẽ vào các cực tăng trưởng và các ngành công nghiệp đã định hình, không nên tiếp tục dàn trải trong chính sách phân bố các ngành công nghiệp cho những địa phương chưa hề có nền tảng, trừ những ngành mới nổi, đơn lẻ và chưa hình thành lợi thế cạnh tranh nổi bật ở bất kỳ địa phương nào.

Đầu tiên là những nút thắt về cơ sở hạ tầng của những vùng kinh tế trọng điểm về công nghiệp, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, phải được tháo gỡ càng sớm càng tốt trong nhiệm kỳ này, chậm một ngày là mất đi không ít lợi thế cạnh tranh và lợi ích kinh tế gia tăng cho cả nước.

Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho các vùng này không chỉ là ngân sách mà quan trọng hơn cả là cơ chế, thể chế thực sự đột phá. Chúng ta biết rằng, nội lực tiềm năng của các vùng kinh tế động lực là rất lớn, chỉ có thể được khơi dậy bằng cơ chế, thể chế, chính sách phù hợp; khuyến khích và thúc đẩy những sáng kiến phát triển chung của vùng.

Thứ hai, trên cơ sở chiến lược công nghiệp hóa mới và quy hoạch tổng thể quốc gia vừa được Quốc hội thông qua, cần mạnh dạn phân cấp để phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương hoặc ban hành các cơ chế đặc thù để phát huy lợi thế sẵn có của các trung tâm công nghiệp.

Chẳng hạn, những địa phương đã tự cân đối được ngân sách cần được ưu tiên phân cấp mạnh mẽ, vì có nguồn lực tốt, không phụ thuộc vào trợ cấp của trung ương, đồng thời cũng khuyến khích các địa phương khác tiến đến tự chủ ngân sách.

Phần lớn những địa phương trong các vùng động lực công nghiệp đều đã tự cân đối được ngân sách nên cần mạnh dạn phân cấp nhiều hơn thay cho mô thức phân cấp đồng loạt, đại trà cho tất cả các địa phương bất kể năng lực tài khóa.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn thử nghiệm các cơ chế đột phá của TPHCM, chẳng hạn như Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị hay Nghị quyết 54 của Quốc hội, việc thiết kế cơ chế đặc thù cho các địa phương phải theo tư duy “trọn gói”, tức là phải áp dụng riêng một hệ thống các quy trình, quy định cũng “đặc thù” chứ không chỉ phân cấp phần ngọn, tức là phần gốc vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định thông thường – vốn là điểm nghẽn khiến các địa phương trì trệ, thụ động và không thể đột phá.

Ngoài ra, cần thay đổi cách làm hôm nay ban hành cơ chế đặc thù cho địa phương này, rồi mai kia lại cho địa phương khác và rồi dẫn đến cơ chế “xin – cho”, kết cục địa phương nào cũng đi xin cơ chế đặc thù. Ở đây thay vì gọi là cơ chế đặc thù (vì địa phương nào mà không có đặc thù kiểu này kiểu nọ), chúng ta nên gọi là “cơ chế tạo đột phá” vì mục đích là giúp địa phương phát huy lợi thế và tạo đột phá về tăng trưởng.

Trên hết, chúng ta nên thay đổi cách tiếp cận trong việc xây dựng các cơ chế đột phá trong phát triển kinh tế nói chung, chính sách công nghiệp hóa nói riêng. Tức là thay cho kiểu ban phát cơ chế đặc thù cho từng địa phương như thời gian qua, trung ương chỉ tập trung ban hành tiêu chuẩn/tiêu chí cho chính sách công nghiệp hóa, địa phương nào thỏa mãn tiêu chí đó thì được áp dụng các cơ chế, chính sách mới gắn với giải trình trách nhiệm về kết quả cuối cùng.

Cuối cùng, trong xây dựng cơ chế đột phá, chúng ta cũng cần mạnh dạn cho phép Thủ tướng được phân cấp, ủy quyền cho địa phương được thực hiện một số nhiệm vụ nhất định.

Tương tự, một số thẩm quyền của bộ ngành cũng cần mạnh dạn phân cấp về cho địa phương quyết định. Bởi chỉ có tăng cường phân cấp trong việc thiết kế chính sách, thực thi và tự chịu trách nhiệm cho địa phương thì mới phát huy được tính năng động, sáng tạo, mới có mô hình mới, cách làm hay, mới có thể tạo đột phá cho phát triển được

Điều này là vô cùng quan trọng để chúng ta có thể thích nghi và bắt kịp được trong một thế giới luôn không ngừng chuyển động trong không gian sáng tạo rộng lớn và phát triển mạnh mẽ hiện nay.

(*) Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới