(KTSG) - Các công ty chứng khoán có được vay tiền của nhà đầu tư hay không? Lời giải đáp cho câu hỏi này có thể tạo nên những quan điểm khác nhau vì những mơ hồ trong các quy định pháp luật hiện hành.
- Công ty chứng khoán tăng tốc trong cuộc đua tăng vốn
- Cho vay margin tăng, lợi nhuận công ty chứng khoán khả quan
Khi công ty chứng khoán tích cực “nhận tiền gửi”
“Gửi tiền ở đâu tốt nhất? Ngân hàng hay công ty chứng khoán?” - đây là tiêu đề một bài viết được đăng tải trên một trang thông tin trực tuyến về tư vấn đầu tư và đào tạo chứng khoán vào cuối tháng 8-2022. Sau nhiều phân tích thì người viết bài dẫn ở trên đã đi đến kết luận hướng nhà đầu tư (NĐT) mang tiền đến gửi tại công ty chứng khoán (CTCK) vì có nhiều ưu điểm, đặc biệt là lãi suất cũng như tính linh hoạt cao hơn nhiều so với việc gửi tiền tại ngân hàng.
Những bài viết có tính chất như thế này không phải là cá biệt mà ngược lại trở nên phổ biến trong những năm qua, song hành với việc nhiều CTCK đẩy mạnh triển khai các dịch vụ khai thác triệt để nguồn tiền gửi giao dịch chứng khoán nhàn rỗi tạm thời của NĐT. Theo đó, CTCK sẽ thiết kế các sản phẩm dịch vụ với nhiều tên gọi khác nhau với mục đích vay nguồn tiền gửi của NĐT chưa có ý định giao dịch để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, đơn cử như cho vay ký quỹ hay ứng trước tiền bán cho các khách hàng có nhu cầu.
Có thể kể đến một số dịch vụ đã được triển khai như: dịch vụ tiết kiệm tiền gửi - DMONEY của VnDirect; dịch vụ Money Market (MM) của VPS; dịch vụ “Hợp tác kinh doanh chứng khoán” của MBS; dịch vụ S-Savings của SSI...
Khi tham gia các dịch vụ này, NĐT sẽ ký kết thỏa thuận với các CTCK để cho phép các CTCK sử dụng tiền gửi giao dịch chưa có nhu cầu sử dụng của NĐT và nhận một khoản lãi với lãi suất khá hấp dẫn. Mức lãi suất được thiết kế đa dạng với nhiều lựa chọn như lãi suất qua đêm, lãi suất theo ngày, theo tuần, theo tháng và dao động từ 3% lên đến hơn 9% (tùy vào từng giai đoạn). Kèm theo đó là tính linh hoạt được đẩy lên cao độ với khả năng rút vốn 24/7, số tiền gửi vẫn được tính vào sức mua cổ phiếu, lãi suất được tính theo ngày và đôi khi còn có lãi suất thưởng nếu duy trì thỏa thuận tròn tuần hay tròn tháng... Tất nhiên, nhìn vào bảng quyền lợi NĐT được thụ hưởng từ các dịch vụ này thì người gửi tiền với loại tiền gửi không có kỳ hạn hoặc các kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng chỉ có ao ước!
UBCKNN liên tục “tuýt còi” là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc ra công văn cảnh báo dường như chưa đảm bảo được tính kỷ luật thị trường và tính hiệu quả trong hoạt động điều hành.
Nhiều CTCK sử dụng hợp đồng hợp tác đầu tư có cam kết lãi suất với khách hàng. Rõ ràng, với những thông tin được công bố công khai, hầu như không có CTCK nào dại dột tự nhận mình đang tiến hành hoạt động nhận tiền gửi như một ngân hàng mà thay vào đó là những thỏa thuận dân sự mang tính hỗ trợ cho dịch vụ kinh doanh chứng khoán chính thức mà họ đang thực hiện.
Nếu nhìn vào những lợi ích trước mắt thì có thể thấy hoạt động này của các CTCK mang đến lợi ích cho nhiều bên.
NĐT sẽ có thêm thu nhập thụ động từ nguồn tiền nhàn rỗi, nhất là những lúc TTCK không thuận lợi cho việc mua bán. Hơn nữa, NĐT cũng không phải tốn công sức, thời gian cho việc luân chuyển nguồn tiền từ tài khoản giao dịch sang tài khoản tiền gửi của các ngân hàng và ngược lại khi có nhu cầu giao dịch. CTCK thì có thêm nguồn vốn giá rẻ để thực hiện các hoạt động kinh doanh như cho vay ký quỹ để thu khoản lãi trung gian. Hơn nữa, với cách làm này, dòng tiền sẽ được giữ lại với TTCK và được tận dụng tối đa giúp tăng tính thanh khoản và sự sôi động của TTCK.
Thế nhưng, hoạt động này lại chứa đựng nhiều rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn và mang tính hệ thống.
Thứ nhất, suy cho cùng bản chất của quan hệ này vẫn là việc CTCK làm trung gian chuyển đổi kỳ hạn các khoản vay. CTCK vay của NĐT có tiền nhàn rỗi rồi đi cho những khách hàng khác vay lại với lãi suất cao hơn. Đây đích thực có tính chất của hoạt động ngân hàng. Thế nhưng, hoạt động quản trị rủi ro của các CTCK lại thấp hơn rất nhiều so với các quy định nghiêm ngặt mà các ngân hàng phải tuân thủ. Điều này làm phát sinh nguy cơ vỡ nợ khi các CTCK thất bại trong việc quản trị dòng tiền.
Thứ hai, hoạt động này tạo ra các nguy cơ gây tổn hại đến quyền lợi của NĐT. Việc sử dụng tiền nhàn rỗi của NĐT kèm theo tính linh hoạt cao như được thiết kế có thể dẫn đến những nhập nhằng trong việc quản lý tiền của khách hàng, tạo ra nguy cơ lạm dụng. Trong trường hợp CTCK mất khả năng thanh toán sẽ gây tổn hại lớn đến quyền lợi của NĐT trong bối cảnh NĐT trong trường hợp này thiếu những cơ chế bảo vệ như một người gửi tiền tại các ngân hàng.
Thứ ba, nếu hoạt động này trở nên phổ biến sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng vốn của các ngân hàng và ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc của hệ thống tài chính quốc gia. Chưa kể, sự thất bại của bất kỳ CTCK nào cũng sẽ gây tổn hại đến niềm tin của NĐT vào TTCK và tạo nên những trở ngại trong việc phát triển TTCK nói riêng và thị trường tài chính quốc gia nói chung.
Những “cú tuýt còi” của trọng tài nhưng chưa thấy “tấm thẻ” nào được rút ra
Những hoạt động như vừa kể trên không phải mới “nở rộ” gần đây mà đã được triển khai trong nhiều năm qua, đơn cử như trong giai đoạn thị trường sôi động năm 2020-2021 đến nay.
Vào tháng 4-2021, trong văn bản trả lời báo chí, Bộ Tài chính khẳng định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản yêu cầu một số CTCK báo cáo, giải trình về nội dung phản ánh của báo chí về tình trạng CTCK “biến tướng” huy động vốn dưới hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi và phải dừng thực hiện các dịch vụ này.
Vừa qua, ngày 15-12-2023, UBCKNN tiếp tục ban hành Công văn số 8975/UBCK-TT gửi các CTCK, một lần nữa “tuýt còi” hoạt động này. Công văn liệt kê ba yêu cầu chính đối với các CTCK: (i) Không được thực hiện các hoạt động làm cho khách hàng/NĐT hiểu rằng CTCK có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng; (ii) Không được thỏa thuận/ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại có nội dung có thể gây hiểu nhầm về tài khoản chuyên dụng của NĐT đứng tên CTCK tại ngân hàng thương mại; (iii) Đối với CTCK có hoạt động cho phép khách hàng/NĐT được hưởng/hỗ trợ lãi suất trên số tiền chưa phát sinh giao dịch chứng khoán, phải dừng ngay việc thỏa thuận/ký mới và phải tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh với khách hàng/NĐT liên quan đến hoạt động này, chậm nhất trước ngày 30-6-2024.
Có thể thấy, sự năng động của nhiều CTCK trong việc tận dụng tiền nhàn rỗi của khách hàng là một hành động có tính hai mặt như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, đặc biệt tại các nước có TTCK cận biên hay mới nổi thì việc hạn chế các hoạt động mang tính rủi ro cao của các CTCK là điều cần thiết. Cách tiếp cận này phù hợp với năng lực giám sát của cơ quan quản lý thị trường.
Pháp luật hiện nay quy định, CTCK khi thực hiện dịch vụ tài chính khác ngoài bốn dịch vụ truyền thống (môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán) thì phải có liên quan và hỗ trợ cho các nghiệp vụ đã được cấp phép của CTCK và phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, của chính CTCK và của TTCK. CTCK chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo UBCKNN bằng văn bản. UBCKNN có quyền yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ tài chính khác của CTCK nếu việc cung cấp dịch vụ đó trái với quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thống cho TTCK.
Do đó, UBCKNN liên tục “tuýt còi” là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc ra công văn cảnh báo dường như chưa đảm bảo được tính kỷ luật thị trường và tính hiệu quả trong hoạt động điều hành. Nhiều câu hỏi cũng cần đặt ra đối với cơ quan quản lý trong việc thực thi kỷ luật thị trường liên quan đến hoạt động này.
Thứ nhất, các hoạt động “nhận tiền gửi” của NĐT như đã trình bày đều được thiết kế và chào mời dưới tư cách là một dịch vụ tài chính. Vậy, các CTCK có báo cáo với UBCKNN hay không? Nếu không báo cáo, tại sao các hoạt động này vẫn được diễn ra công khai trong một thời gian dài nhưng không có quyết định xử phạt nào liên quan được ban hành? Nếu có báo cáo, thì tại sao UBCKNN lại không có sự cảnh báo ngay khi nhận được thông tin về tính rủi ro của hoạt động này?
Thứ hai, nội dung công văn cảnh báo chưa thật sự rõ ràng dưới góc độ pháp lý vì UBCKNN không hề viện dẫn bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho những yêu cầu đối với các CTCK. Vậy hoạt động này của các CTCK có vi phạm pháp luật không? Việc yêu cầu các CTCK dừng thực hiện hoạt động này hay phải thực hiện hoạt động kia cần dựa trên những quy định pháp luật cụ thể hoặc làm rõ được rủi ro hệ thống nào có thể phát sinh. Bởi lẽ, cơ quan quản lý chỉ có thể yêu cầu các CTCK chấm dứt thực hiện việc cung cấp dịch vụ nếu có vi phạm pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thống cho thị trường. Trong trường hợp đã thực hiện vi phạm pháp luật thì phải xem xét trách nhiệm pháp lý, xử phạt.
Quy định còn mơ hồ
Vậy liệu các CTCK có được vay tiền của NĐT hay không? Đây là câu hỏi pháp lý lớn được đặt ra khi xem xét hoạt động này của các CTCK. Lời giải đáp cho câu hỏi này có thể tạo nên những quan điểm khác nhau vì những mơ hồ trong các quy định pháp luật hiện hành.
Dưới góc độ pháp luật ngân hàng, luật nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng. Theo đó, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ, trong đó có hoạt động nhận tiền gửi. Luật định nghĩa nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.
Có thể thấy, cách tiếp cận nội hàm hoạt động nhận tiền gửi của nhà làm luật hiện nay nghiêng về hướng liệt kê hơn là trình bày bản chất của quan hệ. Với cách tiếp cận này, việc kết luận các thỏa thuận vay tiền, thỏa thuận quản lý tiền gửi hay thỏa thuận hợp tác kinh doanh được ký kết giữa CTCK và NĐT liệu có phải là hợp đồng tiền gửi hay một hình thức nhận tiền gửi hay không trở nên thiếu chắc chắn. Có thể đây là lý do dẫn đến thực tế vẫn chưa có quyết định xử phạt vi phạm nào được ban hành?! Dù vậy, về bản chất, tác giả vẫn cho rằng cần xem xét hoạt động này có tính chất của một hoạt động ngân hàng như đã phân tích ở trên.
Dưới góc độ pháp luật chứng khoán, pháp luật có quy định về hạn chế vay nợ đối với CTCK. Tuy nhiên, chỉ dừng ở việc quy định tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá năm lần và giá trị tổng nợ không bao gồm tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Như vậy, với quy định hiện hành, pháp luật không có giới hạn quyền huy động vốn của CTCK thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư hay hợp đồng vay tiền của khách hàng dưới tư cách là một quan hệ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Vì lý do này, nên có quan điểm cho rằng, mặc kệ cảnh báo của UBCKNN, các CTCK vẫn có thể né được “khẩu lệnh” của trọng tài và làm theo một cách khác, tinh vi hơn. Do đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định để quy định rõ phạm vi hạn chế các hoạt động huy động vốn mà các CTCK không được thực hiện để bảo vệ quyền lợi cho NĐT.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM