Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công ty sữa lớn nhất Mỹ xin phá sản và xu hướng giảm tiêu dùng sữa bò

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công ty sữa lớn nhất Mỹ xin phá sản và xu hướng giảm tiêu dùng sữa bò

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Kinh doanh thua lỗ, nợ nần lớn và xu hướng giảm tiêu thụ sữa bò ở Mỹ khiến Dean Foods, công ty sữa lớn nhất nước Mỹ, phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Công ty sữa lớn nhất Mỹ xin phá sản và xu hướng giảm tiêu dùng sữa bò
Chai sữa Dairy Pure, một trong nhãn hiệu sữa nổi tiếng của Dean Foods, trong một siêu thị ở Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Hôm 12-11, Dean Foods, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản nộp lên tòa án ở Houston, bang Texas. Trong hồ sơ xin bảo hộ phá sản, Dean Foods liệt kê các tài sản trị giá 10 tỉ đô la Mỹ và các nghĩa vụ trả nợ ở mức tương đương. Công ty này cho biết đã vay được 850 triệu đô la Mỹ từ các chủ nợ hiện tại bao gồm ngân hàng Rabobank để duy trì hoạt động trong quá tình tiến hành thủ tục phá sản.

Dean Foods đề nghị được phép duy trì hoạt động đồng thời lên kế hoạch xoay chuyển tình hình kinh doanh và trả nợ cho các chủ nợ. Dean Foods cho biết đang đàm phán bán phần lớn các tài sản của công ty cho Hợp tác xã Nông dân chăn nuôi bò sữa Mỹ (DFA).

Tình hình kinh doanh của Dean Foods sa sút nhanh trước xu hướng giảm tiêu thụ sữa bò của người tiêu dùng Mỹ để chuyển sang các loại sữa hạt lành mạnh với sức khỏe hơn như yến mạch, hạnh nhân.

Eric Beringause, Giám đốc điều hành Dean Foods, nói: “Bất chấp các nỗ lực tối đa của chúng tôi nhằm giúp hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn và tiết kiệm chi phí hơn, chúng tôi tiếp tục bị tác động bởi môi trường hoạt động khó khăn, đáng chú ý là đà suy giảm tiếp tục của mức tiêu thụ sữa bò của người tiêu dùng”.

Dean Foods, có trụ sở ở Dallas, bang Texas, được thành lập vào năm 1925. Công ty này sản xuất một số sản phẩm bơ và sữa nổi tiếng như Dairy Pure, Organic Valley và Land O'Lakes. Năm 2019 là một năm bi đát đối với Dean Foods khi doanh thu và lợi nhuận của công ty lần lượt giảm 7% và 14% trong nửa đầu năm nay, 7 trong 8 quí gần nhất, Dean Foods chịu lỗ ròng. Dean Foods dự báo sẽ thua lỗ thêm 286 triệu đô la trong 10 tháng tới.
Cổ phiếu của Dean Foods lao dốc 79% giá trị trong năm nay, về mức 0,8 đô la. Đây là mức giảm tệ hại nhất trong số các cổ phiếu ngành sữa. Cổ phiếu của Dean Foods đã ngừng giao dịch hôm 12-11 khi công ty nộp đơn xin phá sản.

Trong những tháng gần đây, các lãnh đạo chủ chốt của Dean Foods lần lượt dứt áo ra đi. Jody Macedonio, Giám đốc tài chính Dean Foods, từ chức hồi tháng 9, trong khi đó, Scott Mills Phó Chủ tịch Dean Foods, vừa rời công ty này vào tuần trước để gia nhập một công ty khác.

Dean Foods lý giải các khó khăn của công ty chủ yếu là do “sự suy thoái nhanh chóng ở mảng sữa bò truyền thống”.

Từng là thức uống bổ dưỡng không thể thiếu trong tủ lạnh của mỗi gia đình Mỹ, sữa bò giờ đây không còn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng khi họ chuyển sang sửa dụng các loại sữa thay thế làm từ thực vật và có hàm lượng đường thấp hơn.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường các loại sữa thay thế trên toàn cầu sẽ đạt giá trị 18 tỉ đô la trong năm nay, tăng 3,5% so với năm 2018. Nhưng con số này vẫn chỉ là một phần nhỏ so với thị trường sữa truyền thống với doanh số được dự báo đạt 120 tỉ đô la trong năm 2019.

Tại Mỹ, doanh số sữa bò đang suy giảm trong 4 năm qua với mức giảm khoảng 3 tỉ đô la. Lượng sữa bò tiêu thụ lở Mỹ giảm 26% trong hai thập niên qua, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mức tiêu thụ sữa bò bình quân trên đầu người mỗi năm ở Mỹ tính theo đơn vị gallon (3,78 lít) đã giảm 26% trong hai thập kỷ qua. Ảnh: CNBC

Trong khi đó, dù thị phần vẫn còn nhỏ, doanh số của sữa yến mạch ở Mỹ tăng 636% vào năm ngoái, lên mức 53 triệu đô la. Đó không phải là vấn đề duy nhất của Dean Foods.

Sau khi xây dựng nhà máy sản xuất sữa riêng vào năm ngoái, tập đoàn bán lẻ Walmart, khách hàng lớn nhất của Dean Foods, đã ngưng mua sữa của công ty này. Diễn biến này khiến Dean Foods phải cắt hơn 100 hợp đồng mua sữa nguyên liệu của các nông dân ở 8 bang. Chuỗi cửa hàng thực phẩm Food Lion cũng ngưng hợp tác với Dean Foods vào năm 2018.

Tình hình cạnh tranh khốc liệt, giá sữa nguyên liệu tăng, kéo theo chi phí của Dean Foods tăng và làm bào mòn biên lợi nhuận của công ty này.

Ngoài Walmart, nhiều nhà bán lẻ khác ở Mỹ đang xây dựng các thương hiệu sữa của riêng họ và chấp nhận bán giảm giá sâu, thậm chí bán lỗ để giúp kéo khách hàng ghé đến các cửa hàng và siêu thị của họ.

Ngoài ra, Dean Foods  đang gánh khoản nợ lớn và không đủ sức chi trả lương hưu cho tất cả các nhân viên.

Quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản của Dean Foods sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều nông dân chăn nuôi bò sữa ở Mỹ. Alan Bjerga, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của Liên đoàn các nhà sản xuất sữa quốc gia (NMPF), nói: “Nhiều hợp tác xã thành viên của NMPF đang cung cấp sữa cho Dean Foods và họ có thể bị tác động bởi quyết định nộp đơn xin phá sản của công ty này".

Theo Bloomberg, CNN

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới