(KTSG Online) – Số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại ở Thượng Hải và Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại hai thành phố này sẽ bị phong tỏa một lần nữa sau khi chỉ vừa nới lỏng.
- Doanh nghiệp nước ngoài e ngại Zero Covidcủa Trung Quốc hơn là chiến tranh
- Ngẫm nhìn lại chiến lược Zero Covid
Thượng Hải và Bắc Kinh đã nối lại chiến dịch xét nghiệm hàng loạt sau khi số ca nhiễm Covid-19 mới đột ngột tăng. Hôm 10-6, Bắc Kinh ghi nhận 61 ca nhiễm mới, tăng mạnh so với chỉ 8 ca hôm trước đó. Tất cả các ca nhiễm đều có nguồn gốc từ một cụm lây nhiễm được phát hiện ở một quán bar nổi tiếng tại quận Triều Dương. Hôm 12-6, Bắc Kinh báo cáo thêm 33 ca nhiễm mới nữa. Cho đến nay, ít nhất, 13 quận của Bắc Kinh đã báo cáo có tổng cộng 166 ca nhiễm liên quan đến cụm lây nhiễm này.
Xu Hejian, người phát ngôn của chính quyền Bắc Kinh cho biết cơn bùng phát ca nhiễm liên quan đến quán bar là rất nghiêm trọng. Ông nói: “Đợt dịch mới đây có số ca nhiễm tăng bùng nổ và có phạm vi lây lan rộng”.
Giới chức trách đã nối lại chiến dịch xét nghiệm hàng loạt ở nhiều khu vực dân cư của quận Triều Dương, nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp và đại sứ quán. Hơn 4.400 ca tiếp xúc gần với các ca dương tính đã được đưa đến các cơ sở cách ly.
Giới chức trách quyết định tạm dừng kế hoạch tái mở cửa hầu hết các trường tiểu học và trung học vào ngày 13-6. Phóng viên của tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết nhiều khu vực ở quận Triều Dương đã bị đặt dưới lệnh phong tỏa kéo dài 10 ngày bắt đầu từ 11-6. Nhiều khu dân cư khác ở Bắc Kinh cũng đã bị phong tỏa. Kể từ ngày 9-6, có ít nhất 3 quận đã yêu cầu đóng cửa các quán bar và một số tụ điểm giải trí khác cho đến khi có thông báo mới.
Bắc Kinh mới chỉ nới lỏng lệnh phong tỏa Covid-19 cách đây hơn 10 ngày sau khi kiểm soát được cơn bùng phát Covid-19 trỗi dậy hồi tháng 4.
Tại Thượng Hải, giới chức trách đã ra lệnh xét nghiệm gần 25 triệu dân ở 15/16 quận, trong khi đó, 5 quận yêu cầu dân không được rời khỏi nhà trong thời gian chiến dịch xét nghiệm diễn ra. Một quan chức thành phố này cho biết người dân Thượng Hải phải hoàn tất ít nhất 1 xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) mỗi tuần cho đến ngày 31-7. Động thái trên diễn ra sau khi Thượng Hải phát hiện 29 ca nhiễm mới vào hôm 10-6, với 4 ca nằm ngoài các khu vực cách ly. Giới chức trách đã tái áp đặt lệnh cấm phục vụ ăn uống tại chỗ tại các nhà hàng ở hầu hết các quận.
Thành phố đông dân nhất Trung Quốc mới chỉ dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng vào ngày 1-6. Bắt đầu từ ngày 9-6, nhiều người dân Thượng Hải đổ xô đến các siêu thị để mua tích trữ các nhu yếu phẩm hàng ngày.
“Tôi hơi lo ngại chúng tôi lại bị phong tỏa nếu các ca nhiễm xuất hiện ở khu vực của chúng tôi. Tôi sẽ mua tích trữ một số nhu yếu phẩm để đề phòng lệnh phong tỏa tái áp đặt”, Shi Weiqi, một người dân Thượng Hải, nói.
“Tôi vẫn được phép đi lại thoải mái bên ngoài nhưng điều này sẽ kéo dài bao lâu? Không có lý do để không lo ngại. Bất cứ lúc nào, giới chức trách cũng có thể phong tỏa khu vực của bạn một lần nữa”, Xie Cong, một người dân ở quận Phố Đông, cho biết.
Số ca nhiễm tăng nhanh trở lại ở thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải làm dấy lên lo ngại chiến lược “zero covid” của Bắc Kinh có thể khiến các thành phố rơi vào cái vòng luẩn quẩn với các đợt phong tỏa và tái mở cửa lặp đi lặp lại, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế bền vững.
Trong cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo GDP của Trung Quốc dự kiến chỉ tăng 4,5% trong năm, dưới mức mục tiêu 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Trong tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc về mức 4,3% và cảnh báo các xáo trộn vì Covid-19 có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế của nước này hơn nữa.
Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã có một số dấu hiệu cải thiện trong tháng 5 sau khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng, nhưng giới phân tích cảnh báo đà phục hồi này có thể nhanh chóng tàn lụi nếu các biện pháp đó được nối lại và kéo dài.
Theo Bloomberg, Reuters