Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cú sốc đầu đời

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Có lẽ đó phải được liệt vào một trong những cuộc rút thăm may rủi gây tranh cãi nhất trong năm. Không cần nói ra chắc độc giả cũng đoán được lá thăm may rủi đó là gì rồi. Vâng! Đó chính là các buổi bốc thăm mới đây của hàng trăm phụ huynh tranh suất cho con em vào học tại một trường mầm non ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Kết quả ai cũng biết là nhiều phụ huynh phải ra về trong thất vọng vì may mắn không đứng về phía họ. Có người nói trong cơ chế thị trường, xã hội đã có nhiều loại hình giáo dục, nếu không học được trường công lập thì sang các trường tư thục, có sao đâu! Nói như vậy cũng đúng, nhưng chỉ đúng… một nửa, bởi lẽ điều đó chỉ hiển nhiên với người có thu nhập cao. Trong các gia đình với thu nhập kém hơn, nó sẽ trở thành gánh nặng.

Như luật sư Đặng Văn Cường, ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đã phân tích trên báo mạng Dân Trí, “trẻ em cần được thực hiện quyền đến trường, đồng thời đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ công trong giáo dục”(1). Để chứng minh cho lập luận này của mình, luật sư Cường dẫn ra hàng loại các quy định liên quan trong Hiến pháp và các luật hiện hành như Luật Trẻ em và Luật Giáo dục. Như vậy, cơ sở pháp lý thì đã rõ: chính quyền có nhiệm vụ phải bảo đảm quyền này của trẻ em.

Giải thích việc phải tổ chức bốc thăm, một vị đại diện chính quyền địa phương cho rằng đó là chuyện cần thiết để bảo đảm công bằng vì phường Hoàng Liệt chỉ có một trường mầm non không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân trên địa bàn. Theo vị này, có nhiều lý do, như qua hai năm đại dịch, một số cơ sở giáo dục phải đóng cửa, giáo viên cũng thiếu do bỏ nghề vì thu nhập thấp.

Quan trọng hơn, tại địa bàn đã xuất hiện nhiều khu đô thị mới được xây dựng khiến số lượng học sinh tăng lên nhanh chóng làm quá tải các cơ sở giáo dục hiện có.

Thoạt trông, đây có vẻ như là một nguyên nhân khách quan không thể tránh được. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, chính quyền địa phương cũng khó thoái thác trách nhiệm.

Các khu đô thị mới không thể chỉ được xậy dựng trong một đêm mà phải mất nhiều năm trời để hoàn thành. Tiến độ khi nào xong, quy mô bao nhiêu người ở phải được người có trách nhiệm ký duyệt. Do vậy, cũng khó giải thích rằng chính quyền bất ngờ vì dân số hay học sinh ở nơi mình quản lý tăng lên quá nhanh mình không theo dõi kịp.

Ở đây, trách nhiệm của chính quyền là phải tiên liệu được việc tăng số lượng học sinh để có các biện pháp thích ứng ngay từ đầu. Do trường học không thể được xây trong một sớm một chiều nên phải dành ra đủ nguồn lực xã hội để có kế hoạch xây trường ngay trước khi phê duyệt các khu đô thị mới. Có lẽ đây cũng là vấn đề thuộc phạm trù quy hoạch đô thị vượt khỏi khuôn khổ bài viết này. Tuy nhiên, cần thấy rằng nó cũng liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương ngay từ khâu duyệt quy hoạch.

Tại sao chúng ta có thể tiên liệu để quy hoạch đủ thứ - từ nhà hát, siêu thị đến quảng trường, tượng đài và trụ sở các cơ quan công quyền, tất cả đều đầy đủ và bề thế - trong khi lại không thể quy hoạch xây dựng trường học và bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của người dân?

Như đã nói ở trên, nhiều phụ huynh tham dự các buổi bốc thăm đã quay về nhà lòng nặng trĩu. Họ buồn vì không thể tránh cho con em lá thăm may rủi không học được ngôi trường như ý. Các buổi bốc thăm đã qua nhưng dư âm vẫn còn. Đối với các em nhỏ, đó chẳng khác nào một “cú sốc đầu đời” không đáng có.

--------------

(1)https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/boc-tham-vao-truong-mam-non-can-xem-lai-cach-quan-ly-giao-duc-20220829222452855.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Được đi học là quyền căn bản, hiến định của mọi trẻ em. Được đi học miễn phí là chính sách nhân văn của một nhà nước nhân văn dành cho mọi trẻ em. Nếu được như vậy thì tất yếu sẽ không có cảnh “bốc thăm” kỳ lạ, hoặc mọi hình thức vi phạm quyền học hành của trẻ em, như đã và đang diễn ra. Rất tiếc, chúng ta nói nhiều hơn làm. Làm những việc thực sự cần thiết thì quá ít. Trong khi những việc không cần kíp, cần thiết, hoặc rất lãng phí, thì lại quá thừa thãi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới