Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cú sốc năng lượng thúc đẩy châu Âu cải cách thị trường khí đốt tự do

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bị rung chuyển bởi cú sốc năng lượng lớn nhất kể từ thập niên 1970, châu Âu đang tìm cách loại bỏ một phần của thị trường khí đốt tự do mà khối này đã nỗ lực xây dựng trong 20 năm qua nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh, hạn chế độc quyền.

Hôm 21-10, sau cuộc họp tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thúc đẩy kế hoạch cải cách thị trường khí đốt và yêu cầu các bộ trưởng năng lượng EU cùng với Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra các quyết định cụ thể về những biện pháp có thể triển khai để giảm chi phí năng lượng đang thổi bùng lạm phát, đe dọa đẩy khu vực vào cơn suy thoái.

Một kho cảng LNG ở Barcelona, Tây Ban Nha. Hiện nay, châu Âu chủ yếu dựa vào LNG nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lựng sau khi Nga dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 - Ảnh: Reuters

Trong những tuần tới, các nước thành viên EU sẽ thảo luận chi tiết về đề xuất áp trần giá khí đốt bán buôn ở khu vực trong các điều kiện thị trường khắc nghiệt. EU cũng đề xuất các công ty năng lượng liên kết với nhau để đàm phán giá mua với các nhà xuất khẩu khí đốt nước ngoài. Đồng thời, EU lên kế hoạch xây dựng một chỉ số tham chiếu giá khí đốt mới cho khu vực.

Các đề xuất này được xem là sự can thiệp lớn vào một thị trường mà châu Âu từ lâu đã cố gắng mở cửa để giảm giá, phá vỡ thế độc quyền và làm suy yếu khả năng chi phối của Nga đối với nhu cầu năng lượng của EU.

EU đang chống chọi cuộc khủng hoảng năng lượng do bị Moscow cắt nguồn cung khí đốt sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra. EU đã thống nhất mức lưu trữ khí đốt bắt buộc, giảm sử dụng khí đốt và tăng thuế đối với các công ty năng lượng có lợi nhuận đột biến.

Trong khi đó, nhiều chính phủ trong khu vực đã tung ra hàng trăm tỉ đô la để hỗ trợ hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các quan chức EU cho biết các đề xuất mới sẽ giúp kiềm chế giá khí đốt và chuẩn bị ứng phó cho các tình huống khẩn cấp tiềm tàng.

Nhưng các nhà kinh doanh năng lượng và giới phân tích nói rằng, một số đề xuất không phù hợp và có nguy cơ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Oystein Kalleklev, Giám đốc điều hành Flex LNG, công ty sở hữu đội tàu vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng, cho rằng cơ chế thị trường tự do đã giúp các kho trữ khí đốt trên toàn EU lấp đầy 90% và tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn nhiều.

Trọng tâm của các tranh cãi là sàn giao dịch khí đốt Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan. Được điều hành bởi Công ty vận chuyển khí đốt Gasunie Transport Services của Hà Lan, sàn TTF cho phép khí đốt ở mạng lưới 13.000km đường ống của công ty này được sang tay giữa các công ty điện lực, nhà sản xuất khí đốt, ngân hàng, nhà máy và những người khác.

Các công ty trên khắp châu Âu xem giá khí đốt trên sàn TTF như là điểm giá tham khảo chuẩn cho các hợp đồng năng lượng. Điều đó có nghĩa là sàn TTF có sức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, hộ gia đình và nền kinh tế vượt xa biên giới Hà Lan, giống như cách mà giá dầu thô Brent tương lai hoặc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ làm nền tảng cho nhiều giao dịch khác.

Gasunie Transport Services ra mắt TTF vào năm 2003 khi châu Âu tìm cách phá vỡ tình trạng độc quyền trên thị trường khí đốt, giúp tách biệt các hoạt động như sản xuất và vận chuyển khí đốt. Kể từ năm 2014, sàn TTF bắt đầu được các nhà giao dịch sử dụng rộng rãi như là điểm giá tham khảo của khí đốt ở châu Âu.

Trong khi đó, châu Âu đã thúc đẩy các nhà cung cấp, bao gồm cả Công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga phải cung cấp khí đốt theo các hợp đồng dài hạn dựa vào giá khí đốt theo thời gian thực như giá chuẩn của sàn TTF, thay vì theo các chỉ số giá dầu.

Theo Liên minh Khí đốt quốc tế, gần 80% dòng khí đốt đến châu Âu liên quan chặt chẽ với giao ngay trong năm 2021, tăng so với mức 15% vào năm 2005. Điều này khiến chỉ số giá khí đốt TTF trở thành nỗi ám ảnh đối với các khách hàng mua khí đốt mỗi khi giá tăng. Dù đã giảm trong thời gần đây, giá khí đốt ở sàn TTF vẫn cao gấp gần 9 lần so với cách đây hai năm.

Mối lo ngại chính của EU là giá khí đốt ở khu vực này cao hơn so với ở châu Á. Các quan chức EU nói rằng giá khí đốt cao chỉ phản ánh tình trạng thiếu hụt cục bộ và các điểm nghẽn hạ tầng khí đốt ở khu vực tây bắc châu Âu, và không nắm bắt các điều kiện ở nơi khác, chẳng hạn ở Tây Ban Nha, nơi nguồn LNG nhập khẩu vẫn dồi dào với giá thấp.

Trong tuần này, EU kêu gọi thiết lập một chỉ số tham chiếu giá khí đốt riêng rẽ dựa vào cung cầu trên thị trường LNG, có thể ra mắt vào đầu năm sau. Các quan chức EU cũng muốn được trao quyền lực tạm thời để giới hạn giá đốt trên sàn TTF trong những tình huống khẩn cấp.

Jonathan Stern, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (Anh), cho rằng EU đang làm tổn hại đến thành quả trong 30 năm để tạo ra một thị trường khí đốt cạnh tranh. “Một khi bạn loại bỏ TTF và nói: “Không, chúng tôi không thích điều này và chúng tôi sẽ thay đổi nó”, bạn sẽ phá hủy niềm tin và bạn sẽ chuyển giao quyền kiểm soát thị trường cho các chính phủ, Stern nói.

Các quan chức châu Âu nhìn nhận điều đó theo cách khác. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết nhập khẩu khí đốt hóa lỏng vào châu Âu tăng và việc mất nguồn cung khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Nga đã làm thay đổi thị trường đáng kể.

Bà cho rằng TTF được thiết kế để phản ánh giá khí đốt vận chuyển qua đường ống nhưng hiện nay, thị trường đang chuyển sang tiếp nhận nhiều khí đốt hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu biển hơn. “Giá khí đốt chuẩn của TTF chủ yếu được thiết kế cho khí đốt đường ống, vì vậy, nó không còn thực sự phản ánh tình hình thị trường thực tế nữa”, bà Leyen nói.

Tim McPhie, người phát ngôn của EC, nói: “Những gì chúng ta đang làm ở đây là rời khỏi cách thị trường năng lượng vận hành bấy lâu nay bởi vì chúng ta đang ở trong một thực tế mới”.

Các nhà giao nhận và lãnh đạo các công ty năng lượng cho biết chỉ số khí đốt tham chiếu thay thế có thể mang lại sự minh bạch hơn nhưng sẽ không giải quyết được các vấn đề cơ bản: thiếu nguồn cung và thiếu các kho cảng nhập khẩu LNG ở Bắc Âu. Nhưng đề xuất giới hạn giá khí đốt trên sàn TTF tạo ra rủi ro lớn hơn vì nó có thể loại bỏ động cơ giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt và sẽ buộc các chính phủ hạn chế tiêu thụ khí đốt.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới