Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cú sốc phân bón có thể thúc đẩy ngành nông nghiệp tìm hướng hoạt động hiệu quả hơn

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiến sự ở Ukraine đẩy giá các sản phẩm phân bón tăng vọt, đe dọa các vụ mùa ngũ cốc, nhưng cũng có thể thúc đẩy ngành nông nghiệp toàn cầu tìm cách hoạt động hiệu quả hơn, bao gồm giảm sử dụng phân bón hóa học nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng.

Phân bón được bốc xếp ở Công ty hóa chất PhosAgro Group ở thị trấn Pochep, Nga. Ảnh: TASS/Getty Images

Điều này tương tự như cách mà cuộc khủng hoảng năng lượng vào thập niên 1970 tạo ra chất xúc tác để nhiều ngành công nghiệp đổi mới theo hướng sử dụng ít dầu hơn.

Chiến sự Ukraine đẩy chi phí phân bón tăng vọt

James Cox, chủ một trang trại rộng 278 hecta ở Gloucestershire, một hạt thuộc vùng tây nam nước Anh, nổi tiếng với những ngôi làng cổ kính và cảnh quan đồi, đã mua đủ phân bón để sử dụng cho các vụ mùa lúa mì, lúa mạch, yến mạch trong 2022 trước khi giá tăng đột biến trong thời gian gần đây. Nhưng ông không có ý định sử dụng tất cả phân bón cho năm nay.

Cox cho biết: “Chúng tôi đang xem xét giảm lượng phân bón mà chúng tôi đưa vào vụ mùa năm nay để chúng tôi còn thừa một ít để dành cho năm sau. Câu hỏi đặt ra là chúng tôi dám mạo hiểm giảm sử dụng phân bón ở mức bao nhiêu so với kế hoạch ban đầu và điều đó sẽ tác động như thế nào đến biên lợi nhuận của chúng tôi trong năm nay?”

Các nông dân sản xuất quy mô thương mại trên toàn thế giới cũng đang đặt ra câu hỏi tương tự. Chi phí các loại phân bón hóa học như nitơ, phốt phát, kali vốn đã tăng mạnh trong năm 2021 vì nhiều lý do: đà tăng giá nhanh của khí đốt, nguyên liệu chính để sản xuất phần lớn phân bón nitơ trên toàn cầu, các cơn bão vào cuối mùa hè ở vùng Vịnh Mexico nước Mỹ khiến các nhà máy phân bón dừng hoạt động, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Công ty BPC (Belarus), nhà cung cấp kali lớn thứ hai thế giới, và chủ nghĩa dân tộc tài nguyên ngày càng dâng cao ở các nước như Trung Quốc, nhà sản xuất phốt phát lớn nhất thế giới, vốn bắt đầu hạn chế xuất khẩu phân bón vào năm ngoái.

Đó là tất cả những gì xảy ra trước khi Nga phát động cuộc tấn công quân sự ở Ukraine và hứng một loạt đòn trừng phạt của phương Tây. Nga là nhà xuất khẩu lớn đối với mọi loại chất dinh dưỡng cây trồng, vì vậy, tác động từ chiến sự Ukraine đẩy giá phân bón tăng lên các mức cao mới. Tại Bắc Mỹ, một chỉ số về giá cả các mặt hàng phân bón cho thấy chúng đã tăng giá gần gấp đôi so với cách đây một năm.

Cũng giống như nhiều hàng hóa khác, trong những thập niên gần đây, thế giới ngày càng phụ thuộc vào nguồn phân bón từ Nga. Năm 1992, một năm sau khi Liên Xô tan rã, sản lượng phân bón nitơ của Nga đạt 4,9 triệu tấn, gần bằng 7% nhu cầu tiêu thụ của thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) và Công ty Green Markets. Đến năm 2019, tỷ lệ này tăng lên gần 10%. Thị phần toàn cầu của Nga ở mặt hàng phân phốt phát (phân lân) và kali cũng lần lượt tăng lên mức 8% và 20%.

Kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, các chuyến hàng phân bón xuất khẩu từ Nga bị gián đoạn nghiêm trọng khi một số nhà sản xuất trong nước cố tình kìm hãm nguồn cung để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây và nhiều hãng tàu biển lớn dừng đến các cảng của Nga để nhận hàng.

Tình trạng thiếu chất dinh dưỡng cho cây trồng ở Brazil, thị trường xuất khẩu phân bón hàng đầu của Nga, cũng như ở các nước khác vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, có thể thu hẹp các vụ mùa và đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp lên cao hơn. Tổ chức Nông lương (FA) của Liên hợp quốc cảnh báo trong một báo cáo vào tháng trước rằng giá lương thực và thức ăn chăn nuôi có thể tăng đến 22% trong niên vụ 2022-2023 do xung đột ở Ukraine.

Tạo ra động lực để đổi mới

Tuy nhiên, cú sốc phân bón trong năm 2022 cuối cùng có thể mang lại những lợi ích tương tự như cú sốc kép giá dầu vào thập niên 1970. Lệnh cấm vận dầu mỏ của các thành viên Ả Rập nằm trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào năm 1973 đã khiến nền kinh tế Mỹ sụp đổ, nhưng nó cũng  tạo ra một động lực tiết kiệm năng lượng giúp định hình lại ngành công nghiệp ô tô và xây dựng của Mỹ. Dưới sức ép từ các đối thủ cạnh tranh ở châu Á, ba ông lớn của ngành công nghiệp ô tô Mỹ, General Motors Ford và Chrysler đã tung ra các mẫu xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu. Trong khi đó, các tiến bộ trong lĩnh vực chiếu sáng, cách nhiệt và đồ gia dụng cũng giảm đáng kể mức sử dụng năng lượng ở các hộ gia đình.

Nhờ một loạt đổi mới như vậy, nền kinh tế toàn cầu ít phụ thuộc vào dầu hơn trước rất nhiều. Vào năm 1973, thế giới sử dụng gần một thùng dầu để tạo ra 1.000 đô la Mỹ trị giá tổng sản phẩm quốc nội (theo giá năm 2015). Đến năm 2019, con số này giảm xuống còn 0,43 thùng, giảm 56%.

Việc sử dụng phân bón hiệu quả hơn cũng có thể mang lại lợi ích lớn cho hành tinh. Được cấp bằng sáng chế vào đầu những năm  thập niên 1900, quy trình Haber-Bosch, một phản ứng hóa học được sử dụng để chuyển đổi hydro và nitơ thành amoniac, thành phần chính của phân urê, là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lịch sử.

Người ta ước tính rằng nếu không có phân bón có nguồn gốc tư nitơ, bao gồm phân urê, hành tinh sẽ chỉ có thể đáp ứng lương thực cho khoảng một nửa dân số ngày nay. Nhưng quy trình Haber-Bosch có những mặt trái. Sản xuất amoniac tổng hợp thải ra nhiều carbon dioxide (CO2) hơn bất kỳ quá trình sản xuất hóa chất nào khác. Tác hại không dừng lại ở đó. Các vi sinh vật có trong đất phân hủy phân bón, giải phóng oxit nitơ ( N2O ) vào bầu khí quyển. Loài khí này gây nóng không khí gấp 300 lần CO2. Nitơ tổng hợp cũng là mối đe dọa đối với đa dạng sinh học. Phần lớn phân bón sử dụng trên cây trồng bị rửa trôi bởi mưa hoặc lũ lụt và tìm đường vào sông, hồ và đại dương, gây ra hiện tượng tảo nở hoa. Sau khi hoa tàn, các vi sinh vật phân hủy tảo chết sử dụng hết oxy trong nước, tạo ra các “vùng chết”, có thể khiến cá chết hàng loạt.

Giảm sử dụng phân bón nhờ phân tích đất đai, kỹ thuật nông nghiệp chính xác

Theo Patrick Heffer, Phó tổng giám đốc IFA, chiến lược “sản xuất nhiều hơn với ít hơn” (chẳng hạn như sử dụng phân bón ít hơn) là thách thức lớn đang được đặt ra đối với nông dân.

Ở nhiều quốc gia, nông dân đã và đang thử nghiệm các cách để sử dụng các chất dinh dưỡng tổng hợp cho cây trồng hiệu quả hơn.

Bằng cách sử dụng các kỹ thuật như phân tích kỹ lưỡng thành phần đất đại và nông nghiệp chính xác, nông dân có thể xác định được đất canh tác của họ cần bao nhiêu chất dinh dưỡng trong một vụ mùa và không bón thêm phân dù chỉ là một thìa cà phê.

Những đổi mới khác bao gồm sử dụng các viên nhộng nhỏ có thể tan dần khi chúng tiếp xúc với độ ẩm, giải phóng chất dinh dưỡng bên trong.

Tại Brazil, nơi việc sử dụng phân bón tăng nhanh hơn Mỹ, nhu cầu phân tích thành phần đất đai tăng lên mức cao chưa từng thấy trong năm nay. Renato Alves Filho, Giám đốc điều hành Laboratório Solos & Plantas, công ty phân tích nông học lớn nhất ở Brazil, cho biết  công ty ty đã xử lý 21.000 mẫu đất trong 90 ngày đầu năm, so với 12.000 mẫu của cùng kỳ năm 2021.

Napoléão Rutilli, chủ một trang trại rông 1.700 hecta 4 ở Diamantino, trung tâm vành đai ngũ cốc của Braizil, đang đợi kết thúc vụ thu hoạch bắp vào tháng 6 tới trước khi kiểm tra đất và quyết định lượng phân bón mà ông cần cho vụ gieo trồng đậu nành tiếp theo. Kết quả phân tích chất lượng đất sẽ rất quan trọng, vì vậy, ông chưa vội mua bất kỳ loại phân bón nào cho vụ mùa sắp tới.

Ông nói: “Tôi sẽ thay đổi cách tôi làm việc. Chúng ta cần phải đổi mới chính mình”.

Ở Trung Quốc, một dự án thí điểm kéo dài 10 năm nhằm cung cấp đào tạo về quản lý đất đai cho 21 triệu chủ đất nhỏ đạt giúp tăng mức tăng năng suất cây trồng trung bình hơn 10%, trong khi đó, việc sử dụng phân bón giảm đến 18%.

Vào tháng 11 năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua chiến lược “Từ nông trại đến bàn ăn” để hướng đến mục tiêu giảm 20% lượng phân bón sử dụng trong ngành nông nghiệp vào 2030.

Theo Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới