Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cửa bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cửa bệnh

Lê Hải Đăng

(TBKTSG) – Trong bốn cửa ải: sinh – lão – bệnh – tử, có lẽ cửa bệnh là ngưỡng cửa khổ ải, đau đớn và nhiều cánh nhất. Cửa sinh và cửa tử, hai cánh cửa chuyển cõi quan trọng trong một kiếp người lại thường đi qua nhanh chóng. Cửa lão có người không đến được, nhưng khi bước qua cánh cửa lão, cửa bệnh sẽ mở ra nhanh chóng!

Cửa lão và cửa bệnh dường như nằm liền kề trong một quần thể bao quanh bởi bệnh tật, rủi ro và hiểm nguy.

Cánh cửa bệnh có khả năng dẫn dụ mọi người bước vào nhiều khi bằng chính sự vô tri. Cửa bệnh đóng mở xoay theo bản lề số phận mỗi người. Bước vào thời kỳ Mạt pháp, cửa bệnh phản chiếu hình ảnh nhân quả của loài người. Suốt không gian u tịch giữa từng lớp cửa, hình hài vất vưởng, lê lết đi qua muôn trùng nỗi đau thể xác, tinh thần nhọc nhằn, sự vật lộn trước sức kháng cự nhỏ nhoi của con người càng hiện lên rõ rệt. Nó cho thấy nơi thẳm sâu kiếp người, “khổ” là khúc ca bi tráng đi theo suốt cuộc hành trình.

Trong bài thơ tuyệt mệnh “Thời gian trắng”, nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: “Cửa bệnh viện ngoài kia là quá khứ”.

Đối với những người đã bước chân vào không gian trắng toát của số phận, cuộc sống bên ngoài cánh cửa bệnh viện thuộc về miền ký ức xa xôi, gần đấy nhưng xa, có khi xa đến không làm sao chạm vào được. Nghịch lý sau cánh cửa bệnh viện còn sản sinh bởi thói quen vô tri, cộng hưởng muôn vàn cánh sản sinh từ sự vô cảm, tích tụ ở điểm chót vót của vô minh. Nỗi đau thể xác sẽ tăng lên cùng với nhiều cánh cửa liên tục đóng mở theo nhịp điệu chập chờn, đều đặn của thói xấu. Nỗi đau thể xác, tâm hồn xâm lấn, dẫn con người đi tới điểm cùng cực của những giằng xé bên trong thân tâm. Bên ngoài cánh cửa bệnh viện, cuộc sống vẫn trôi, cuốn đi theo dòng thác ồn ào của thói quen, đem theo cái nhìn lưu luyến của những người bên trong cánh cửa.

Có nhiều người quanh năm chỉ chực chờ đi bệnh viện. Cánh cửa bệnh viện trở thành thân thuộc, bước qua mỗi ngày. Những hình ảnh nhảy múa bên ngoài cánh cửa cứ mãi là quá khứ, còn hiện thực là nỗi đau, sự ám ảnh của cái chết.

Theo thuyết giãn nở vũ trụ, kết cấu ổn định của một thực thể chỉ mang tính tương đối. Vũ trụ vẫn diễn ra theo thể biến của chiều thời gian. Bởi vậy, bộ ba (Trimurti) trong hệ thống thần linh Ấn Độ giáo có cặp đôi hoàn hảo là Brahma (đấng Sáng tạo) và Shiva (thần Hủy diệt) kẹp giữa vị thần bảo hộ Vishnu. Thần bảo hộ đứng giữa chỉ ra nghĩa tương đối, tạm bợ của sự sống. Triết học Phật giáo đã khái quát ý nghĩa đó bằng thuyết vô thường nhằm chỉ trạng thái biến đổi của mọi sự vật, hiện tượng qua lăng kính thời gian.

Trong bản thể từng con người, ngay thuở sinh ra đã gắn liền thể lý với thể bệnh. Sức khỏe và bệnh tật là sản phẩm hợp tác của hai vị thần Sáng tạo và Hủy diệt. Nhờ sự hiện diện của hai vị thần này mà cuộc sống loài người đi qua muôn trùng đổi thay, kể cả hủy diệt để sáng tạo. Nhiều người cả đời chưa từng bước chân vào bệnh viện, nhưng cửa bệnh của luật vô thường vẫn mở ra chào đón. Nó là cửa ải của sự trừng phạt, tu dưỡng và hối cải.

Bệnh viện trở thành ngôi trường lớn dạy ta phải tiết chế lòng tham, tiến hành ăn năn, hối cải. Nếu không có bệnh tật, hành vi con người sẽ chứa đầy hiểm nguy, phát tán cao độ sức mạnh hủy diệt. Phẩm chất nhân từ của Đức Chúa và sự tàn nhẫn của quỷ Sa tăng tồn tại ngay trong từng con người. Chúng ta đi giữa đường biên của sự lôi kéo bởi hai thế lực Thiện và Ác. Cuộc đấu tranh trong cơn đau bệnh nhằm giành lại bản ngã bị đánh mất bởi sức mạnh của tên ác quỷ.

Bệnh viện giống như một thế giới bị bỏ quên, tách khỏi cuộc sống bên ngoài. Nơi ấy dạy con người biết lắng nghe tiếng vọng của cơ thể, suy tư, tĩnh lự về những điều đang diễn ra trên thực tại. Bệnh viện cũng dạy ta biết quý trọng “số 1” của sức khỏe, nhờ số 1 này mà những con số khác của tình yêu, sự nghiệp, sở hữu… trở thành những đại lượng tương ứng. Nếu mất đi số 1, các con số khác sẽ trở về 0. Nằm trong bệnh viện, người bệnh biết chán chường, ngán ngẩm những thứ phù phiếm, chối bỏ niềm vui hư ảo, biết lắng nghe tiếng thở của đêm dài và học cách cảm nhận cuộc sống bằng nỗi đau. Bài học trong ngôi trường bệnh viện dạy con người biết gắn trách nhiệm vào bản thân, vì trong bệnh viện, đa số “hình phạt” đều do chính bản thân dành cho mình. Nó chỉ ra bản chất thường biến và mong manh của sự sống.

Năm tháng trôi dài dằng dặc trên giường bệnh cho thấy ý nghĩa giải thoát của cái chết. Đó là một sự sáng tạo toàn hảo giữa thiên nhiên, đất trời. Trong khoảnh khắc linh hồn chuyển động khẽ khàng rời khỏi thể xác, quá khứ của những ngày xa xưa dừng lại nơi khung cửa nhỏ của bệnh viện, những thiên sứ áo trắng hiện lên với tà áo lay động trước gió tung bay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới