(KTSG Online) - Ngày 5-7, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định thành lập tổ điều tra để làm rõ sự cố hai máy bay suýt va chạm nhau tại sân bay Nội Bài do sai sót của kiểm soát viên không lưu.
TTXVN đưa tin, liên quan đến sự cố hai máy bay suýt va nhau tại sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam đang cùng với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) lập Tổ điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh chi tiết mức độ và nguyên nhân sự cố, các biện pháp xử lý và ngăn ngừa tái diễn.
Qua đánh giá ban đầu của VATM, sự cố trên xảy ra do nguyên nhân sai sót trong việc thực hiện quy trình tác nghiệp của kiểm soát viên không lưu.
Theo các báo cáo của VATM, sự cố xảy ra tại sân bay quốc tế Nội Bài vào lúc 21g20 ngày 24-6 khi chuyến bay AIQ645 của hãng Air Asia lên đường cất hạ cánh 11 phải (11R) chuẩn bị cất cánh đến sân bay Don Mueang (Thái Lan). Cùng thời điểm đó, chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air (VJC943) đến từ sân bay Đào Viên (Đài Loan) chuẩn bị đáp xuống đường cất hạ cánh 11 trái (11L) song song với đường cất hạ cánh 11R.
Kiểm soát viên không lưu theo hoạch định cấp huấn lệnh cho tổ lái AIQ645 lên đường cất hạ cánh dừng chờ và cho phép chuyến bay VJC943 được phép cắt qua đường cất hạ cánh 11R. Trong quá trình liên lạc, kíp trực không lưu tại sân (TWR) của đài không lưu Nội Bài yêu cầu tổ bay AIQ645 dừng chờ huấn lệnh cất cánh, đồng thời cấp huấn lệnh cho chuyến bay VJC943 hạ cánh cắt qua đường băng 11R để sang đường lăn S8 và đi vào sân đỗ.
Tuy nhiên, tổ bay của AIQ645 Air Asia chỉ nhắc lại huấn lệnh bay mà không nhắc lại nội dung chờ huấn lệnh khởi hành. Kíp trực không lưu cũng không phát hiện ra tổ bay bỏ sót huấn lệnh này. Hậu quả, tổ bay AIQ645 thực hiện chạy đà cất cánh trên đường băng 11R trong lúc chuyến bay hạ cánh cũng đang lăn cắt qua đường băng này.
Theo tường trình của tổ bay AIQ645, thời điểm máy bay nhấc bánh mũi và rời mặt đất thì vị trí của máy bay hạ cánh cũng đang ở giữa giao điểm đường băng 11R và đường lăn S8, khoảng cách giữa hai máy bay khoảng 1.500 m.
Theo TTXVN, tại thời điểm trên, hệ thống giám sát mặt sân đã phát cảnh báo đỏ đối với hai chuyến bay trên. Sau khi phát hiện vụ việc, kiểm soát viên không lưu không có hành động gì để xử lý tình huống.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, kíp trực điều hành bay sân bay Nội Bài không thực hiện báo cáo sự cố theo quy định. Vào lúc 11g ngày 30-6-2023, Phòng An toàn chất lượng an ninh (Công ty Quản lý bay miền Bắc) mới chuyển cho Ban An toàn - Chất lượng của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam báo cáo của tổ lái AIQ645.
Ngay sau khi nhận được báo cáo ban đầu của cơ quan an toàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo Công ty Quản lý bay miền Bắc tạm thời ngưng nhiệm vụ điều hành bay toàn bộ phiên trực TWR Nội Bài (kíp trực điều hành bay) liên quan đến sự cố.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng yêu cầu không phân công nhiệm vụ trực lãnh đạo liên quan của Trung tâm kiểm soát Tiếp cận tại sân Nội Bài (APP/TWR Nội Bài) từ ngày 30-6-2023 để phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ sự cố.
Yêu cầu xác minh nguyên nhân nứt đường băng sân bay Vinh
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản 7057/BGTVT-KCHT gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đơn vị này xác minh nguyên nhân gây ra sự cố hư hỏng đường băng sân bay quốc tế Vinh (Nghệ An).
Sáng 3-7, đường băng sân bay Vinh gặp sự cố khi lớp bê tông nhựa bề mặt bị bong một mảng lớn khiến sân bay này phải đóng cửa. Sau khi khắc phục sự cố, sân bay Vinh hoạt động trở lại lúc 7g ngày 4-7.
Cục Hàng không Việt Nam sau đó cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do nhiệt độ cao gây phồng rộp, bong tróc mảng bê tông nhựa bề mặt đường cất hạ cánh.